Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2

Sửa quy định nhận BHXH một lần, thống nhất mức thu phí đăng ký cư trú trên cả nước là chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2.

Những trường hợp mắc bệnh được lĩnh BHXH một lần

Thông tư 18/2022 của Bộ Y tế quy định trường hợp mắc bệnh được hưởng BHXH một lần, có hiệu lực từ 15/2. Đó là người mắc một trong các bệnh nguy hiểm tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS; người mắc các bệnh tật mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát, không tự sinh hoạt được cần người chăm sóc hoàn toàn.

Thông tư này đã rút gọn điều kiện rút BHXH một lần so với Thông tư 56/2017. Trước đây, lao động mắc bệnh nguy hiểm tính mạng phải đồng thời đáp ứng điều kiện không tự sinh hoạt được cần người chăm sóc. Nhóm thứ hai là lao động mắc bệnh khác mà bị suy giảm khả năng lao động hoặc độ khuyết tật từ 81% trở lên, không tự sinh hoạt cần người chăm sóc hoàn toàn.

Người dân rút Bảo hiểm Xã hội tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức tháng 12/2023. Ảnh: Thanh Tùng

Người dân rút Bảo hiểm Xã hội tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức tháng 12/2023. Ảnh: Thanh Tùng

Thống nhất mức thu phí đăng ký cư trú trên cả nước

Thông tư số 75/2022 của Bộ Tài chính hiệu lực từ 5/2 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú. Công dân được giảm 50% lệ phí khi đăng ký thường trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến thay vì làm trực tiếp.

Nếu đăng ký thường trú nộp hồ sơ trực tiếp, người dân phải nộp 20.000 đồng/lần, còn qua cổng dịch vụ công trực tuyến thì lệ phí giảm còn 10.000 đồng/lần. Tương tự, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú (cá nhân, hộ gia đình) giảm từ 15.000 đồng/lần xuống 7.000 đồng/lần; tách hộ giảm từ 10.000 đồng/lần xuống 5.000 đồng/lần.

Trước đó, mức lệ phí đăng ký cư trú do HĐND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, nguyên tắc là mức đăng ký cư trú tại thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn mức thu đối với các khu vực khác.

Xử phạt rạp chiếu phim không giảm giá vé cho người già, trẻ em

Nghị định 128/2022 của Chính phủ có hiệu lực từ 15/2, quy định một số điểm mới trong lĩnh vực du lịch, văn hóa, thể thao, quyền tác giả. Đối với việc phổ biến phim, Nghị định đưa ra mức phạt 5-10 triệu đồng với hành vi không miễn giảm giá vé cho người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, trẻ em, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Các đơn vị cũng sẽ bị phạt 80-100 triệu đồng nếu không dừng việc phổ biến phim khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không bảo đảm về quy chuẩn kỹ thuật về rạp chiếu phim.

Khách đến rạp chiếu phim ở TP HCM. Ảnh: Nhật Thực

Khách đến rạp chiếu phim ở TP HCM. Ảnh: Nhật Thực

Nghị định bổ sung nội dung bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh gồm xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; thể hiện không đúng, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; nội dung dâm ô, trụy lạc, loạn luân; kích động, chống đối việc thi hành Hiến pháp, pháp luật…

Đơn vị vi phạm những nội dung trên bị phạt 40-50 triệu đồng, kèm theo đình chỉ hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam, phát hành phim, phổ biến phim, quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh 1-3 tháng.

Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với một số viên chức

Theo Thông tư 30/2022 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, từ 12/2, một số viên chức tiếp tục được điều chỉnh bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Đó là kiểm định viên chính kỹ thuật an toàn lao động; kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động; kỹ thuật viên kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ hai chứng chỉ này cho viên chức thiết bị, thí nghiệm áp dụng theo Thông tư 21/2022 và viên chức giáo vụ áp dụng theo Thông tư 22/2022.

Sơn Hà

Nguồn bài viết