Chị luôn nghĩ: “Không muốn vì chuyện Tết nội Tết ngoại mà vợ chồng cãi nhau” nhưng giờ chị hiểu ra: “Nếu không vì điều này mà cãi nhau thì còn vì điều gì nữa”…
Con gái lấy chồng xa ai cũng mong về quê nhà ăn Tết (ảnh minh hoạ)
Tết là ngày hội đoàn viên, là khoảnh khắc sum vầy ấm cúng bên mâm cơm gia đình. Những ngày này, ai cũng muốn được về nơi mình sinh ra và lớn lên, đón Tết bên bố mẹ. Mong ước giản đơn ấy đôi khi lại trở nên xa xỉ với những cô gái lấy chồng xa.
8 năm nay, Tết đối với chị Minh Thu (37 tuổi) luôn mang một nỗi buồn man mác. Bởi 8 năm lấy chồng xa hơn 200 cây số là 8 năm chị để mẹ già lủi thủi đón Tết một mình. Trong chị luôn có sự giằng xé, một bên là nỗi day dứt khi không thể làm tròn đạo hiếu, một bên là sự kiêng nể, không muốn tranh cãi để mối quan hệ với chồng và gia đình chồng rạn nứt. Chị muốn vẹn tròn đôi bên nhưng chồng không hiểu, thành ra mỗi cái Tết của chị không bao giờ được trọn vẹn.
Vợ chồng chị cùng con cái sống ở Hà Nội. Nhà chồng cách đó 50km, quê nội chồng lại cách nhà chồng 30 cây số nên Tết với nhà chị là công cuộc đại dịch chuyển. Hoàn cảnh gia đình hai bên trái ngược nhau, bố mẹ chồng chị đông con, đông cháu, con trai thứ sống gần nhà, con gái lấy chồng cách nhà vài cây số, vợ chồng chị là con trưởng, các dịp cuối tuần cũng thường xuyên về thăm bố mẹ.
Nhà ngoại chị thì khác. Bố chị mất sớm, một mình mẹ chị lặng lẽ nuôi con suốt mấy chục năm. Chị vốn nghĩ sẽ lấy chồng gần để sớm hôm chăm nom mẹ nhưng ai ngờ trời se duyên, chị lại lấy chồng xa hơn 200 cây số.
8 năm qua, chị chưa một lần về quê ngoại ăn Tết. Bố chồng chị là trưởng họ, chồng chị lại là cháu đích tôn, thêm đường xá xa xôi nên mặc định nhà chị sẽ về quê nội phần lớn thời gian nghỉ Tết.
Năm nào cũng vậy, 28 Tết vợ chồng chị đưa con cái về với ông bà nội, vừa sắm sửa Tết vừa lo cỗ bàn đãi khách. Mùng 1 Tết, cả nhà chồng về quê nội chồng lễ lạt rồi đến mùng 3 lại quay về để làm cơm hoá vàng. Suốt cả cái Tết, chị vật lộn với Tết quê chồng, lúc rảnh rang mới có thể gọi điện hỏi thăm mẹ già. Tiền nong biếu mẹ ăn Tết, chị cũng chỉ có thể chuyển khoản nhờ cậu ruột đưa hộ.
“Đôi khi tất bật với Tết quê chồng, tôi nhãng quên mẹ già đang đón Tết một mình. Rồi lúc nhìn mâm cơm Tết đầy ú ụ, nhìn bố mẹ chồng vui vầy con cháu, tôi mới sực nghĩ: “Giờ này mẹ đang ăn cơm với ai hay ăn một mình”, “Mẹ có đi chơi Tết ở đâu hay chỉ quay ra quay vào trong căn nhà nhỏ”… Rồi có khi phải chạy vào phòng lén khóc vì trách mình vô tâm vô tính, thương mẹ già lủi thủi cô đơn”, chị Thu ngậm ngùi.
Không phải chị chưa từng đề xuất về ngoại đón Tết nhưng mỗi lần đặt vấn đề, chị đều bị chồng gạt đi. Chồng chị luôn đưa ra vô vàn lý do để ép chị phải về quê nội trọn vẹn cái Tết, đến mùng 4 hoặc mùng 5 mới được về quê ngoại. Khi thì bầu bí, con nhỏ, khi thì bố mẹ chồng phải đón khách “sộp”, khi thì ông bà nội ngoại của chồng mừng thọ… Năm nào cũng có một cái cớ nào đó để trói chân chị ở nhà chồng.
Chị hối hận khi 8 năm qua để mẹ già lủi thủi ăn Tết một mình (ảnh minh hoạ)
Chị Thu chia sẻ, bố mẹ chồng chị khá dễ tính, thậm chí mẹ chồng còn từng đề xuất để chị về đón giao thừa quê ngoại một năm nhưng chồng chị gạt phăng: “Bà chỉ vẽ đường cho hươu chạy. Lo Tết quê ngoại, vậy Tết quê nội bỏ không à?”. Thấy không khí căng thẳng, chị cũng đành thôi.
Chị thừa nhận, nếu chị nhất định về thì không ai cản được nhưng bản thân chị không muốn vì chuyện Tết nội, Tết ngoại mà vợ chồng cãi nhau. Chị muốn được đưa chồng con về quê trong sự vui vẻ để mẹ không phải lo nghĩ.
“Mẹ tôi hay bảo: “Lấy chồng thì phải theo chồng, chồng khó quá thì thôi, mùng 4 đưa các cháu về với mẹ cũng được. Mẹ ở đây có cậu, có bà con làng xóm, Tết nhất giờ cũng đơn giản như ngày thường thôi”. Mẹ nói thế nhưng tôi biết mẹ buồn lắm. Ai mà không mong con cháu về sum vầy ngày Tết, nhất là mẹ tôi chỉ có một mình”, Chị Thu tâm sự.
Năm nay, chị đề xuất với chồng được về quê ngoại đón Tết từ mùng 2 nhưng bị chồng phản đối kịch liệt. Không thể đưa ra lý do nào bất khả kháng, chồng chị bắt đầu cãi ngang: “Tết trước thế nào, Tết này cứ vậy”, rồi khuyên chị xin nghỉ làm 1, 2 ngày để mùng 4 về thì được ở quê ngoại lâu hơn. Khi không thể đối thoại với nhau, chồng chị sẵng giọng: “Em muốn làm sao thì làm. Em muốn về thì về một mình, con ở lại với ông bà nội”.
Chưa bao giờ chị thất vọng về chồng như vậy. 8 năm chị chấp nhận bỏ mẹ lủi thủi ăn Tết một mình để giữ hoà khí gia đình, đổi lại là sự vô tâm của chồng. Nghĩ đến mẹ già, nghĩ đến chính bản thân mình, chị quyết định thay đổi.
Chị tuyên bố với chồng, năm nay sẽ về quê ngoại ăn Tết từ ngày 30. Chồng chị vẫn cố tình ngăn cản: “Biếu bà ngoại thêm tiền cũng được nhưng bỏ quê nội về quê ngoại trước mùng 4 thì tuyệt đối không được”. Chị chỉ nói chắc nịch 1 câu: “Không ai có thể cản tôi về ăn Tết với mẹ năm nay”. Kết quả là vợ chồng chị “chiến tranh lạnh” đến bây giờ.
“Kể cả căng thẳng hơn nữa, tôi vẫn sẽ đấu tranh. Mẹ già không biết có thể ăn cùng tôi bao nhiêu cái Tết nữa mà tôi cứ mải mê tất bật ở đâu đâu. Tôi mong chờ sự thấu hiểu của chồng suốt 8 năm, cuối cùng anh vẫn không quan tâm đến cảm xúc của vợ, chỉ nghĩ cho riêng mình, nếu vậy, tôi không cần phải dốc lòng vun vén nữa. Xuân này, tôi nhất định về bên mẹ”, chị Minh Thu nói.
Chị luôn nghĩ: “Không muốn vì chuyện Tết nội Tết ngoại mà vợ chồng cãi nhau” nhưng giờ chị hiểu ra: “Không vì điều này mà cãi nhau thì còn vì điều gì nữa”. Mẹ chị một mình trông ngóng con cháu suốt những ngày xuân, còn chị chỉ vì ngại va chạm với chồng mà ngó lơ điều đó. Chị biết mình đã sai rồi.
Nguồn: https://nongthonviet.com.vn/8-nam-de-me-gia-lui-thui-an-tet-mot-minh-vi-ngai-va-cham-voi-chong-1…Nguồn: https://nongthonviet.com.vn/8-nam-de-me-gia-lui-thui-an-tet-mot-minh-vi-ngai-va-cham-voi-chong-1430137.ngn
Theo Hạ Nhiên (Nông thôn Việt)