Cây cỏ ngọt – Báo Người lao động

Thấy được tác dụng của cây cỏ ngọt stevia có nhiều lợi ích đối với sức khỏe nên công ty đã đem giống từ nước ngoài về trồng thử nghiệm. Sau khi thấy hợp với thổ nhưỡng của vùng ĐBSCL, công ty đã tiến hành sản xuất đại trà. Sản phẩm trà túi lọc của công ty là sản phẩm đầu tiên được chiết xuất từ loài cây này.

Ông Tú cho biết sau khi khởi nghiệp thành công với trà túi lọc khổ qua rừng, nhóm nghiên cứu của công ty đã chú ý đến cây cỏ ngọt từ khoảng 3 năm trước. “Cây cỏ ngọt stevia có nguồn gốc từ Nam Mỹ và miền Tây Bắc Mỹ. Nó phát triển thích hợp với khí hậu cận nhiệt đới ẩm với lượng mưa ít vào mùa đông” – ông Tú cho biết.

Cây cỏ ngọt - Ảnh 1.

Cây cỏ ngọt được trồng theo hướng hữu cơ

Cỏ ngọt stevia là cây thân thảo, cao 30 – 60 cm, lá có răng cưa, thuôn dài, hình bầu dục, không cuống, rõ gân lá. Hoa màu tím nhạt với hoa đài hóa màu trắng, hình ống, có 5 thùy, có lông mềm ngoài bề mặt. Tính năng đáng chú ý nhất của cỏ ngọt stevia là vị ngọt. Vị ngọt của nó hơn 250 lần so với đường ăn thông thường. Theo các tài liệu y học, cỏ ngọt có thể hỗ trợ điều trị đái tháo đường, cao huyết áp, mất ngủ vì có tác dụng an thần…

Bộ Y tế, Trường ĐH Cần Thơ… cũng có đề tài nghiên cứu về cây cỏ ngọt. Trong một nghiên cứu trên 12 người bị bệnh đái tháo đường type 2, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra việc sử dụng 1 g chiết xuất từ cỏ stevia và giả dược với một bữa ăn. Những người dùng sản phẩm có chiết xuất stevia có mức độ glucose thấp hơn sau bữa ăn so với nhóm dùng giả dược, có thể là kết quả của sự tăng tiết insulin làm giảm lượng đường trong máu. Cỏ ngọt stevia có chất ngọt mạnh không có calo là một hiện tượng trong chế độ ăn uống, đặc biệt là những người béo phì và đái tháo đường.

Cây cỏ ngọt - Ảnh 2.

Cây cỏ ngọt làm trà, phù hợp cho người béo phì và đái tháo đường

Sau khi nhập giống từ nước ngoài về, công ty liên kết với một trung tâm nghiên cứu của Viện Lúa ĐBSCL để thuần được giống mà thành phần dược tính không thay đổi. Sau khi tạo ra được mô và ươm thành cây con đem trồng thử nghiệm tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ, nhóm nghiên cứu đem cây kiểm tra thấy dược tính không thay đổi. Từ đó, công ty quyết định trồng đại trà với diện tích 3 ha theo hướng hữu cơ để có nguyên liệu làm trà túi lọc. Quy trình sản xuất trà được làm theo hướng khép kín: cây cỏ ngọt được canh tác không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu; sau khi thu hoạch, nguyên liệu được loại bỏ tạp chất, bụi bẩn, đất cát và một số vi sinh vật bên ngoài rồi sấy. Nguyên liệu được sấy tại hệ thống nhà sấy kín nhằm tránh tia UV trực tiếp và bụi bẩn từ không khí. Khi sấy xong, độ ẩm còn 10% sẽ được đóng gói bao bì kín.

Công ty CP TNB Việt Nam cho biết trong tương lai, công ty sẽ mở rộng diện tích lên 300 ha tại Cà Mau trồng cây cỏ ngọt, khổ qua rừng… để có vùng nguyên liệu sạch đáp ứng yêu cầu của thị trường. 



Nguồn bài viết