Nhà đầu tư đề xuất khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt tại tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng với tổng mức đầu tư 24.920 tỷ đồng.
Tuần qua, Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đã trình Bộ Giao thông Vận tải báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt theo phương thức PPP.
Tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt đi qua TP Phan Rang (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) và huyện Đơn Dương (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), dài 83,5 km, dự kiến có 16 ga và trạm khách, bổ sung 2 ga và 2 trạm khách so với tuyến cũ. Đường khổ rộng 1.000 mm, tốc độ thiết kế 30-60 km/h, sử dụng đầu máy diesel và toa xe tải trọng nhẹ.
Dự án gồm 2 hợp phần, thứ nhất khôi phục đoạn tuyến từ ga Tháp Chàm đến ga Trại Mát dài 76,8 km, khôi phục và xây dựng mới 64 cầu, 5 hầm, 11 ga, xây dựng kết cấu tầng trên đường sắt. Thứ hai, nâng cấp đoạn tuyến từ ga Trại Mát đến ga Đà Lạt đang khai thác dài 6,7 km và tôn tạo, bảo tồn các ga Đà Lạt, Trại Mát.
Trong tổng mức đầu tư sơ bộ, hai khoản cao nhất là chi phí xây dựng hơn 4.510 tỷ đồng và thiết bị 9.240 tỷ đồng. Nếu tính cả lãi vay và chi phí tài chính, tổng mức đầu tư của dự án lên tới hơn 28.980 tỷ đồng.
Do thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, nhà đầu tư đề xuất ngân sách Nhà nước tham gia dự án khoảng 2.160 tỷ đồng. Nhà đầu tư dự kiến vay khoảng 22.800 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện dự án từ tháng 1/2025 đến 6/2029, thi công từ tháng 6/2026 đến 12/2028, chạy thử và vận hành từ tháng 6/2029 đến 12/2029.
Tháp Chàm – Đà Lạt là một trong hai tuyến đường sắt răng cưa leo núi đầu tiên trên thế giới, được khởi công năm 1908, hoàn thành năm 1932. Từ năm 1968, chiến tranh khốc liệt, tuyến đường sắt bị dừng khai thác do không đảm bảo an toàn. Sau năm 1975, gần như toàn bộ đường ray, tà vẹt được tháo gỡ. Hiện chỉ còn đoạn Trại Mát – Đà Lạt dài 6,7 km khai thác tàu du lịch.
Theo nhà đầu tư, dự án sẽ khôi phục tính độc đáo của tuyến đường sắt răng cưa, với khí hậu thay đổi dọc tuyến từ đồng bằng đến trung du và vùng núi cao. Việc tổ chức chạy tàu sẽ góp phần đưa lượng khách du lịch lớn từ các miền đến với Ninh Thuận, Lâm Đồng.
Hồi tháng 7/2022, Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho Công ty cổ phần Thương mại – Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khôi phục tuyến đường đặc biệt này.
Năm 2015, Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chủ trương khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt.