Hệ quả khi Hạ viện Mỹ bế tắc trong bầu lãnh đạo

Nếu Hạ viện Mỹ không thể bầu chủ tịch, phần lớn hoạt động lập pháp sẽ bị tê liệt, nguy cơ làm đình trệ chương trình nghị sự mà đảng Cộng hòa theo đuổi.

Ứng viên Kevin McCarthy của đảng Cộng hòa ngày 4/1 tiếp tục thất bại trong ba vòng bỏ phiếu tiếp theo để bầu chủ tịch Hạ viện Mỹ. Trước đó một ngày, McCarthy cũng không thể nhận đủ 218 phiếu để trở thành tân lãnh đạo Hạ viện, dù đã trải qua ba vòng bỏ phiếu, điều chưa từng có tiền lệ tại Đồi Capitol suốt 100 năm qua.

Trở ngại chính ngăn McCarthy ngồi vào ghế chủ tịch Hạ viện bắt nguồn từ việc 20 nghị sĩ đảng Cộng hòa từ chối ủng hộ nghị sĩ đến từ bang California này, với cáo buộc ông thiếu tin cậy về tư tưởng và phớt lờ lời kêu gọi đoàn kết từ cựu tổng thống Donald Trump. Các tranh cãi nội bộ đảng Cộng hòa vẫn rất gay gắt và McCarthy khó có khả năng được chọn làm tân chủ tịch Hạ viện trong những vòng bầu cử tới.

Ứng viên Kevin McCarthy trong cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch Hạ viện tại Washington DC ngày 4/1. Ảnh: Reuters.

Ứng viên Kevin McCarthy trong cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch Hạ viện tại Washington ngày 4/1. Ảnh: Reuters.

Bầu chủ tịch Hạ viện là một thủ tục theo thông lệ khi quốc hội khóa mới của Mỹ họp phiên đầu tiên và việc ghế lãnh đạo để trống sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động lập pháp của cơ quan này. Kể từ năm 1923 đến nay, Hạ viện Mỹ đều bầu được tân chủ tịch ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Các nghị sĩ Mỹ đắc cử sau cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ chỉ tuyên thệ nhậm chức sau khi chủ tịch Hạ viện được bầu. Nếu chưa chọn được người lãnh đạo cầm chiếc búa gỗ ngồi trên ghế chủ tọa, họ sẽ không thể hoàn thành thủ tục này.

Mỗi quốc hội khóa mới đều phải thông qua một bộ quy tắc mới của Hạ viện, vì vậy nếu không có chủ tịch giám sát, về mặt kỹ thuật sẽ không có quy tắc nào tồn tại.

Nếu sau ngày 13/1, phe Cộng hòa vẫn không nhất trí được về ghế chủ tịch, hoạt động của các ủy ban tại Hạ viện sẽ bị cản trở đáng kể, do thẩm quyền của họ tại quốc hội khóa mới chưa được xác nhận.

Đảng Cộng hòa đã dự kiến phân bổ ghế lãnh đạo tại một số ủy ban Hạ viện, nhưng khi McCarthy chưa được bầu, ông vẫn chưa thể bổ nhiệm các chức danh này. Những ủy ban chưa có tân chủ tịch sẽ được lãnh đạo bởi thành viên cấp cao nhất của đảng Cộng hòa trong quốc hội khóa trước, cho đến khi tình thế bế tắc được tháo gỡ.

Nếu ghế chủ tịch Hạ viện tiếp tục bị bỏ trống sau ngày 13/1, cơ quan này cũng có thể gặp khó khăn trong việc thông qua các dự luật. Nếu các ủy ban không hoạt động đầy đủ, họ sẽ không thể xem xét và sửa đổi dự luật đúng cách, có khả năng cản trở chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa, trong đó có các cuộc điều tra mà họ tuyên bố sẽ khởi động về hàng loạt vấn đề như Covid-19, Trung Quốc hay quyết định rút quân khỏi Afghanistan của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Cách đây 100 năm, Hạ viện Mỹ đã trải qua những rắc rối tương tự, khi phải tiến hành 9 vòng bỏ phiếu trong ba ngày để bầu ra tân chủ tịch.

Vào thời điểm đó, đảng Cộng hòa cũng giành được thế đa số tại Hạ viện, nhưng chỉ hơn phe Dân chủ 18 ghế. Đảng Cộng hòa đã đề cử nghị sĩ Frederick Gillett cho ghế chủ tịch, nhưng trong quá trình bầu cử, một số nghị sĩ của đảng lại bầu cho ứng viên khác, khiến Gillett không hội đủ đa số phiếu cần thiết.

Tình huống này dẫn đến hàng loạt cuộc bỏ phiếu tiếp theo, trước khi lãnh đạo phe đa số Hạ viện Nicholas Longworth tổ chức một cuộc họp khẩn với những người phản đối trong đảng Cộng hòa.

Mối quan tâm của họ, tương tự những gì nhóm phản đối McCarthy lo lắng, là về một loạt thay đổi quy tắc mà họ tin rằng cần được thảo luận kỹ càng hơn. Longworth nhượng bộ với yêu cầu này và ngày hôm sau, Gillett giành được 215 phiếu bầu cần thiết để trở thành chủ tịch Hạ viện.

Chưa rõ quá trình bầu chủ tịch Hạ viện mới của kỳ quốc hội Mỹ thứ 118 sẽ kéo dài trong bao lâu và có kết quả thế nào. Vào năm 1855, Hạ viện Mỹ đã phải mất 4 tháng để chọn tân chủ tịch.

Tình thế bế tắc hiện nay buộc các nghị sĩ Cộng hòa phải tính đến khả năng đề cử một ứng viên khác thay thế McCarthy. Một cộng sự thân tín của McCarthy là Steve Scalise có thể là ứng viên tiềm năng cho ghế chủ tịch Hạ viện.

Dù vậy, McCarthy chưa từ bỏ tham vọng của mình. Các đồng minh của ông đang nỗ lực đàm phán ở hậu trường nhằm giúp ông hội đủ 218 phiếu cần thiết. McCarthy cũng duy trì tâm lý lạc quan trước những thất bại vừa trải qua. “Chúng tôi sẽ có đủ 218 phiếu khi giải quyết được vấn đề và cùng đồng lòng”, ông nói, dù không nêu rõ biện pháp để dàn xếp bất đồng với những người phản đối trong đảng Cộng hòa.

Vũ Hoàng (Theo Newsweek, AP, CBS)

Nguồn bài viết