Tết này cha mẹ hãy dạy con cách nhận lì xì theo đúng nghĩa

Cứ vào mỗi dịp đầu năm mới, các gia đình lại cùng nhau sum vầy. Người lớn thì vui mừng vì được đoàn tụ, trẻ em thì thích thú khi được nhận những bao lì xì đỏ may mắn, với ý nghĩa cầu chúc những điều tốt đẹp. Tuy nhiên trong xã hội hiện đại, ý nghĩa của bao lì xì đỏ dần biến chất, trẻ em không còn thật sự hiểu đúng về việc nhận lì xì. Do đó tết này cha mẹ hãy dạy con cách nhận lì xì theo đúng nghĩa nhé.

lì xì
Những bao lì xì đỏ may mắn mang ý nghĩa cầu chúc những điều tốt đẹp. (Ảnh: Dragon Images/ Shutterstock)

Nguồn gốc của tục lệ mừng tuổi ngày tết

Theo truyền thuyết, vào đêm giao thừa, quỷ đói thường sẽ xuống núi gây náo loạn, khiến trẻ em sợ hãi đến nỗi chúng không thể ngủ ngon vào ban đêm. Con quỷ này không sợ dao hay súng, mà sợ màu đỏ vui tươi và âm thanh leng keng của đồng xu, vì vậy người lớn bỏ đồng xu vào phong bì màu đỏ và đặt dưới gối của trẻ em, để ma quỷ không dám đến gần, trẻ sẽ có thể ngủ yên. Sau đó, dân làng mới vỡ lẽ ra rằng, theo lời thỉnh cầu Thần Phật giúp đỡ bảo hộ những đứa trẻ từ dân làng, các vị tiên đã âm thầm hoán đổi những đồng xu này. Con quỷ khi nhìn thấy ánh sáng chói lóa của bao lì xì đựng đồng tiền của các vị tiên thì hoảng sợ và bỏ chạy.

Từ đó có phong tục phát lì xì vào đêm giao thừa. Tiền lì xì năm mới mang ý nghĩa tốt lành, người ta thường tin rằng có thể xua đuổi tà ma, xua đuổi ma quỷ, cầu bình an.

Tiền lì xì năm mới mang ý nghĩa tốt lành, người ta thường tin rằng có thể xua đuổi tà ma, mang lại bình an cho con trẻ. (Ảnh: Onjira Leibe/ Shutterstock)

Cách nhìn nhận về lì xì đối với trẻ em ngày nay

Thời hiện đại, trong tư tưởng của nhiều đứa trẻ, việc đón chờ đến đầu xuân năm mới là cơ hội để được “thu hoạch”, là dịp kiếm được nhiều tiền tiêu cho bản thân mà không phải xin cha mẹ. Khi gặp người lớn, điều trẻ mong chờ đầu tiên là người lớn sẽ tặng bao lì xì. Thậm chí có trẻ còn trực tiếp mở bao trước mặt người lớn để xem số tiền mình nhận được là bao nhiêu. Nhận được nhiều thì tỏ ra rất vui vẻ còn nếu số tiền ít quá thì tỏ vẻ không hài lòng.

Điều này vô hình trung đã tạo nên gánh nặng cho cả người lớn và cả các bậc cha mẹ. Nhiều người còn nói vui với nhau rằng: Tiền lì xì của con là tiền nợ của cha mẹ. Bởi lẽ khi người khác lì xì cho con của họ bao nhiêu họ cũng phải lì xì lại số tiền tương ứng cho con của người kia như vậy hoặc hơn vậy.

Do đó việc đầu tiên cha mẹ cần làm là giải thích và giáo dục cho con hiểu rõ ý nghĩa của bao lì xì, để từ đó con không đặt nặng vào vấn đề giá trị của đồng tiền, và hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của ngày Tết, chứ không phải xem Tết như một dịp “kiếm tiềm” cho bản thân.

Lễ nghi khi nhận lì xì

Trong xã hội ngày nay, sự nhanh chóng và vội vã đã khiến mọi người trở nên hời hợt với nhau hơn. Khi người lớn lì xì cho trẻ nhỏ, thì chỉ đơn giản là đưa bao lì xì. Còn lúc trẻ nhận cũng chỉ đơn giản là nhận như một phản xạ tự nhiên. 

Do đó cha mẹ nên chú trọng hơn và hướng dẫn những lễ nghi cơ bản cho con mình. Chẳng hạn như khi người lớn lì xì thì  trẻ cần giữ gương mặt vui vẻ, niềm nở và đón nhận bằng cả hai tay, cúi đầu hoặc khoanh tay cảm ơn người lớn. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ một số câu chúc tết ý nghĩa để đáp lại tấm lòng của người lớn. 

Trẻ cần học cách tôn trọng và bày tỏ lòng cảm ơn khi được người lớn tặng lì xì trong ngày Tết. (Ảnh: Makistock/ Shutterstock)

Ngoài ra, cần nhắc nhở trẻ sau khi nhận bao lì xì, không được vội vàng mở ra, khi người lớn hỏi thăm hay chúc mừng, trẻ cần thể hiện thái độ tôn trọng, tập trung và không lơ là nhìn đi hướng khác hay chỉ tập trung nhìn vào bao lì xì. Dạy trẻ cách thể hiện cho người khác cảm thấy rằng bao lì xì chỉ là phụ, còn cuộc trò chuyện giao tiếp với người lớn mới là quan trọng hơn. Sau khi nhận lì xì, trẻ có thể đáp lễ bằng cách mời trà hoặc mời bánh kẹo người lớn.

Tuy nhiên nếu nhìn nhận vấn đề từ cả hai phương diện mà nói. Có phải việc trẻ thích thú với giá trị của tiền lì xì là hoàn toàn do đứa trẻ hay không? Thật ra một phần là do cách hành xử của người lớn. Nhiều người có suy nghĩ lì xì trẻ là để lấy lòng cha mẹ của trẻ. Có người vì để củng cố hay muốn thiết lập các mối quan hệ mà nhân dịp lễ tết để “thay lời muốn nói”. Họ chuẩn bị những bao lì xì với giá trị khá lớn để tặng cho con của người khác. Từ đó mục đích của người lớn trở đã bóp mép đi những nhìn nhận và hiểu biết của trẻ. 

Để lì xì giữ nguyên nét văn hóa tốt đẹp của người Việt. (Ảnh: Vietnam Stock Images/ Shutterstock)

Vì thế trong xuân năm nay, để cái Tết cổ truyền thêm ấm áp và ý nghĩa, các bậc cha mẹ hãy chia sẻ cho trẻ về những giá trị văn hóa cổ truyền từ lâu đời, để thế hệ tiếp theo không làm mai một đi những tinh hoa mà ông cha ta đã để lại.

Trúc Nhi



Nguồn bài viết