Người dân vùng cao Bình Thuận làm măng khô bán Tết đắt hàng nhờ thị trường ưa chuộng các loại thực phẩm sạch, nguồn gốc tự nhiên.
Bà Huỳnh Thị Vân, 62 tuổi, ở xã vùng cao Mỹ Thạnh, mấy hôm nay điện thoại reo liên tục. Nhiều người ở miền xuôi gọi lên hỏi mua măng khô, nhưng bà đều phải báo hết hàng vì cung cấp không đủ.
Bao măng khô gần 50 kg bà làm được mùa rồi đã vơi gần một nửa vì đã bán dần từ tháng trước. Hơn nửa bao còn lại đã có mối đặt trước nên bà không thể bán cho ai. “Mấy năm trước cô chỉ bán giá 200-250 nghìn. Năm nay có mấy người ở dưới xuôi trực tiếp lên mua với giá cao đến 300 nghìn giúp thu nhập gia đình khá hơn”, bà Vân nói và cho biết mùa này cũng kiếm được hơn chục triệu đồng.
Trong làng có hơn chục người đi rừng lấy măng làm hàng bán Tết, thường là phụ nữ lớn tuổi, không bận công việc nương rẫy. Mùa mưa, từ tháng 7 đến 9 khi măng rừng mọc rộ, cứ cách hai ngày một chuyến, họ cầm rựa, mang gùi đi sắn măng mang về để làm hàng Tết. Các dãy núi Rùa, núi Rai Vơ kề làng có nhiều láng tre mọc đầy măng non. Người làng lấy rựa sắn bỏ vào gùi, khi măng đầy mới xuống núi về làng.
Theo bà Vân, thay vì bán măng tươi cho các tiểu thương, bà cũng như những người làm măng khô thường mang thẳng về nhà. Số măng được bà cắt đầu, đuôi rất đều trắng nõn. Sau khi luộc chín, bà lấy măng ra để nguội, dùng con dao nhọn tước ra thành từng thớ, rồi mang ra phơi trước liếp tre ở sân trước nhà.
Khoảng 3 ngày nắng, măng khô đẹp, chủ nhà mang vào cất trong gùi hoặc trong bao để bán dần trong dịp gần Tết. Mỗi năm, mỗi người làm được 30-60 kg, tùy theo sức khỏe cũng như sự cố gắng.
Ngoài các gia đình làm nhỏ lẻ truyền thống như bà Vân, trong làng còn có 3 lò măng quy mô lớn. Các chủ lò này không lên rừng lấy măng mà mua lại nguyên liệu từ người dân địa phương. Cứ mỗi buổi chiều, những người đi sắn măng trở về ghé bán măng tươi. Chủ lò đốt củi, luộc măng bằng những cái xoong lớn, sau đó mang ra phơi.
Những ngày mưa nhiều, không thể phơi ngay, thợ ở lò úp từng miếng măng vừa luộc bỏ lên lò sấy bằng lửa than cho ráo, chờ nắng lên mới tiếp tục phơi. “Măng khô nếu phơi không đủ nắng sẽ mất mùi thơm tự nhiên”, chị Kim Phúc, chủ lò măng ở làng Mỹ Thạnh cho biết.
Năm nay, lò măng của chị Kim Phúc làm hơn 10 tấn, nhưng đến đầu tháng Chạp rồi đã bán sạch cho thương lái từ Sài Gòn và Nha Trang tới mua. Ôtô chạy tới tận chỗ lấy hàng với giá 250.000-300.000 đồng. Mấy hôm rồi, nhiều người quen ở Phan Thiết gọi điện lên, thậm chí lên tận nơi hỏi mua măng tết, nhưng không còn.
Chị Phúc cho biết, không cần đợi đến tháng Chạp, mà ngay trong thời điểm lò của chị đang làm măng, nhiều mối hàng ở các các tỉnh cũng đã gọi điện đặt trước. “Hơn chục tấn măng làm đợt rồi đã bán hết, hiện chỉ còn 5 kg để dành biếu người quen thân thuộc ăn tết”, chị Phúc cho biết.
Theo chị Phúc, thị trường gần đây rất thích măng khô của vùng này vì loại thực phẩm này có nguồn gốc núi rừng tự nhiên. Bốn loại măng chị thường phơi bán tết là: le, nứa, lồ ô và tre đá. Trong đó, ngon nhất là măng tre đá vì loại này hâm lại nhiều lần ăn vẫn ngon. “Hôm rồi có mấy người đi ôtô lên săn lùng mua măng tre đá với giá 350-400 nghìn một kg, nhưng không còn hàng”, chị Phúc nói.
Không những Mỹ Thạnh, nhiều làng dân tộc thiểu số khác ở tỉnh Bình Thuận đều giữ nghề làm măng khô bán tết như: La Ngâu (Tánh Linh), Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ (Hàm Thuận Bắc), Phan Lâm, Phan Sơn (Bắc Bình), Phan Dũng (Tuy Phong)… Măng ở các vùng này có chất lượng tốt bởi các cánh rừng quanh đó được bảo vệ tốt, giúp tre phát triển mạnh, măng mọc nhiều và non.
Bà Nguyễn Thị Lý, một người chuyên buôn măng khô ở Bình Thuận, cho biết măng ở các vùng cao trong tỉnh có màu sắc tự nhiên, ngọt và thơm, nên Tết năm nào cũng hút hàng. Mỗi năm bà mua hàng chục tấn măng Tết bỏ mối nhiều nơi, nhiều nhất là TP HCM và Vũng Tàu.
Ngày Tết, măng khô là món không thể thiếu trong bếp ăn của người Việt. Sau khi ngâm nước và tước nhỏ ra, thực phẩm này dùng để nấu các món truyền thống như: măng kho thịt trứng, măng vịt… Măng có nhiều chất xơ giúp cân bằng đường ruột trong những Tết do ăn nhiều thịt, cá, chất béo…
Việt Quốc