Tình nguyện tới Ukraine tham chiến, nhiều người nước ngoài muốn được cầm súng, số khác đơn giản chỉ muốn thoát khỏi cuộc sống tẻ nhạt thường ngày.
Vài tháng trước khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát, cuộc sống của một cựu đại úy quân đội Anh trôi qua khá bình lặng với công việc bàn giấy dân sự. Hàng ngày, anh dành khoảng vài chục phút để trò chuyện, tán gẫu với mẹ và em gái tại quê nhà ở phía đông nam đất nước.
Ngày 24/2/2022, thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, cuộc sống của anh vẫn vậy, vẫn trôi qua tẻ nhạt. Nhưng mọi thứ thay đổi khi Ukraine thông báo cho phép lính tình nguyện nước ngoài đầu quân để chống lại lực lượng Nga. Giờ đây, sau khi suýt chết trong trong trận pháo kích ở Bakhmut, cựu sĩ quan giấu tên cho biết anh “hạnh phúc hơn bao giờ hết”.
Xung đột ở Ukraine đã mang đến cho người đàn ông 30 tuổi này mục đích sống và niềm phấn khích trước nguy hiểm trên chiến trường. “Cuộc chiến này là điều khủng khiếp với Ukraine”, anh nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với báo Washington Post tháng trước. “Nhưng 9 tháng qua là khoảng thời gian tuyệt vời nhất, thú vị nhất cuộc đời tôi. Tôi không thể cứ mãi ngồi văn phòng và làm PowerPoint suốt 50 năm tới”.
“Một phần trong tôi làm điều này vì những lý do chính đáng và một phần khác bị thôi thúc vì mong muốn được chiến đấu”, cựu binh Anh nói.
Những động lực phức tạp đưa anh đến chiến trường Ukraine cũng là thứ đã thôi thúc hàng nghìn lính tình nguyện hưởng ứng lời kêu gọi từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Một số tin rằng họ lên đường để “bảo vệ nền dân chủ”, số khác muốn thoát khỏi cuộc sống thường ngày của chính họ.
Theo giới quan sát, khoảng 1.000-3.000 chiến binh nước ngoài đang chiến đấu cho Ukraine, hầu hết phục vụ trong ba tiểu đoàn của Quân đoàn Quốc tế. Quân đội Ukraine đến nay vẫn từ chối trả lời các yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về đội quân lính tình nguyện hay số lượng của họ.
So với hàng trăm nghìn quân chính quy Ukraine, đóng góp của những người lính tình nguyện này trên chiến trường tương đối hạn chế. Nhưng các chiến binh nước ngoài lại thu hút được nhiều chú ý từ phương Tây, đặc biệt khi họ bị giết hoặc bị bắt, đồng thời đặt ra hàng loạt câu hỏi về tính pháp lý, đạo đức và chính trị đối với Ukraine cũng như chính phủ quê hương họ.
Các chuyên gia cho rằng việc nhiều cựu binh nước ngoài chọn tình nguyện đầu quân cho Ukraine cũng phản ánh việc quê hương họ đã thất bại thế nào trong nỗ lực giúp họ xử lý những vết thương tâm lý quá khứ và tái hòa nhập cuộc sống bình thường.
Một số lính tình nguyện thậm chí còn trở thành gánh nặng cho quân đội Ukraine khi họ chưa từng nhập ngũ, thiếu kỹ năng chiến đấu cũng như kiến thức quân sự.
Giới chức Ukraine mùa xuân năm ngoái cho biết 20.000 người từ hơn 50 quốc gia khác nhau đã tình nguyện tham gia quân đội của họ. Nhưng phần lớn dường như đã trở về nhà trước mùa hè, theo các học giả nghiên cứu am hiểu vấn đề và qua hàng chục cuộc phỏng vấn với những lính tình nguyện nước ngoài từng tham chiến ở Ukraine.
Nhiều người có vẻ quan tâm đến việc tạo dáng để đăng ảnh trên Instagram hơn là dấn thân vào cuộc chiến khốc liệt. Một số dường như quá háo hức để hiện thực hoá những gì họ tưởng tượng từ các trò chơi điện tử mô phỏng chiến tranh. Vài người đã phải đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng như trộm cắp, tấn công tình dục hay bị phát hiện đang trốn truy nã tại quê nhà.
Thực tế của cuộc chiến khiến nhiều lính tình nguyện nước ngoài ban đầu cảm thấy lo lắng. Cường độ giao tranh và khả năng tử vong cao đã khiến họ choáng váng, ngay cả với nhiều cựu binh phương Tây dày dạn kinh nghiệm từng tham chiến ở Iraq hay Afghanistan.
Nhưng đối với không ít người, đặc biệt là các cựu chiến binh đang vật lộn để hòa nhập trở lại cuộc sống dân sự, những cuộc giao tranh ác liệt trên đất Ukraine vẫn hấp dẫn hơn việc họ phải sống cuộc đời mà họ cho là “nhạt nhẽo” ở quê nhà.
Hàng trăm tình nguyện viên có kỹ năng và chuyên môn quân sự này cũng được tập hợp vào các đơn vị nhỏ hơn, hoạt động tách rời với Quân đoàn Quốc tế.
Chỉ huy của Lữ đoàn Norman, người sinh ra ở Quebec, Canada, và có biệt danh “Hrulf”, cho biết đơn vị của anh gồm các chiến binh đến từ rất nhiều nước như Anh, Mỹ, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Jordan, Ai Cập hay Na Uy.
Trước xung đột, Hrulf đã nghĩ rằng “người Nga và người Ukraine là một dân tộc, giống như anh chị em”. Bây giờ, anh đã lấy vợ Ukraine và có một cô con gái. Như lời Hrulf nói, anh đã hoàn toàn gắn bó với Ukraine và “không còn đường quay lại”.
Sau khi rời khỏi quân đội Canada, Joseph Hildebrand, 33 tuổi, miệt mài cày xới tại trang trại của gia đình trên những cánh đồng ở Saskatchewan, thu hoạch đậu lăng và lúa mì, chăm sóc đàn bò và đảm bảo với vợ rằng anh đã chấp nhận được sự thật mình không còn là một quân nhân.
Nhưng trên thực tế, đây không phải điều dễ dàng đối với Hildebrand, người sau đó đã tới Ukraine tham chiến. “Anh ấy thực sự không thể xử lý vấn đề của mình”, Carissa, vợ Hildebrand, nói.
Dù động cơ của họ là gì, các chiến binh nước ngoài đều phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã trên chiến trường. Khoảng 100 người đã chết và hơn 1.000 người bị thương khi tham chiến ở Ukraine, theo Kacper Rekawek, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Chủ nghĩa Cực đoan thuộc Đại học Oslo, Na Uy.
Hildebrand đã bỏ mạng trên chiến trường Bakhmut và gia đình phải mất hơn 5 tuần mới có thể tìm thấy thi thể anh. Một lính dù Canada và là bạn thân với Hildebrand cho biết anh đã được cử đi thực hiện “nhiệm vụ cảm tử”. Người lính dù bày tỏ thất vọng về việc lực lượng Ukraine đã không được chuẩn bị tốt hơn.
“Có những vấn đề thực sự lớn vì rất nhiều người trong số họ không phải những quân nhân được huấn luyện bài bản”, anh cho biết vào tháng trước, khi đã rời Ukraine sau 4 tháng chiến đấu. “Họ rất hỗn loạn, thiếu kỹ năng một cách khủng khiếp”.
Dù vậy, nhiều lính tình nguyện khác cho rằng những lời chỉ trích nhắm vào quân đội Ukraine là không công bằng.
“Tôi vô cùng thất vọng với những lính tình nguyện nước ngoài phàn nàn về việc bị cử đi thực hiện các ‘nhiệm vụ tự sát’. Vậy bạn nghĩ xung đột là gì?”, Jason Mann, 37 tuổi, cựu binh Mỹ phục vụ trong một đơn vị có tên Phalanx, nói. Mann từng phục vụ ở Afghanistan, lấy bằng khoa học máy tính tại Đại học Columbia và làm kỹ sư phần mềm tại Google trước khi đến Ukraine.
Một lính tình nguyện người Anh khác với biệt hiệu “Swampy”, người đang chiến đấu ở phía bắc thành phố Kramatorsk, vùng Donetsk, cho biết anh đã có “khoảng thời gian khá thăng trầm” sau khi rời quân đội Anh do chấn thương đầu gối. Nhưng xung đột ở Ukraine đã giúp anh tìm lại phương hướng.
“Bạn biết chính xác lý do bạn thức dậy vào buổi sáng”, Swampy, 38 tuổi, cho hay.
Một lính tình nguyện người Mỹ 28 tuổi đã chiến đấu ở Ukraine trong khoảng 6 tháng cho biết đây là cảm nghĩ chung của nhiều người.
“Không ít người có suy nghĩ rằng họ thà chết trên chiến trường như một người lính”, anh nói. “Họ cảm thấy xa lạ với những gì đang diễn ra ở quê nhà và không một nơi nào, hay một hệ thống nào dành cho họ ở thế giới ngoài kia”.
“Nhiều người đến đây vì đã quá tuyệt vọng, muốn trở thành một phần của điều gì đó lớn hơn chính họ”, anh cho biết thêm.
Khi cuộc xung đột đã bước sang tháng thứ 11, những lính tình nguyện vẫn còn ở Ukraine đến lúc này đều là người có cam kết cao độ, sẵn sàng chịu đựng điều kiện mùa đông khắc nghiệt và vượt qua các rào cản ngôn ngữ, văn hóa.
Đối với một số người, cuộc chiến ở Ukraine đã mang đến cơ hội hiếm có để tận dụng những gì họ học được.
Một cựu thành viên 23 tuổi của Công binh Hoàng gia Anh đã được huấn luyện suốt 5 năm về cách rà phá bom mìn và xây dựng chiến hào, nhưng chưa bao giờ được sử dụng những kiến thức đó theo cách bản thân cảm thấy hữu ích. Anh đã huấn luyện quân đội nước ngoài ở Đông Âu, nhưng thấy nó tẻ nhạt và vô nghĩa.
“Thành thật mà nói, động lực chính của tôi khi đến đây thực sự là để bắn và bị bắn”, người lính Anh quả quyết. “Tôi không muốn nhận lương hưu khi chưa từng làm được điều gì hữu ích”.
Không phải tất cả lính tình nguyện đều không còn lựa chọn ở quê nhà. Khi xung đột nổ ra, Zachary Jaynes, 28 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Dartmouth và là cựu lính biệt kích Mỹ, chuẩn bị tham gia một khóa tu thiền ở vùng núi Himalaya.
Mẹ Jaynes đã mất, năm cuối đại học của anh diễn ra trong thời gian phong tỏa vì Covid-19 và giống như nhiều cựu chiến binh phương Tây khác ở Ukraine, anh đã vỡ mộng sau quãng thời gian tham chiến ở Afghanistan. Jaynes từng cân nhắc một công việc tư vấn, nhưng nó không có vẻ hấp dẫn anh.
“Không còn được sống trong quân ngũ, tôi trở nên trống rỗng, sợ hãi và cảm thấy mình không thể vượt qua nó”, Jaynes chia sẻ từ Kiev.
Khi chiến sự nổ ra, anh cảm thấy đây giống như “một tín hiệu”. “Tôi có thể bỏ qua những gì đang xảy ra ở Ukraine và phớt lờ lời kêu gọi của họ, hoặc tôi phải lao vào đó để cố gắng tìm ra ánh sáng cho chính mình”, anh nói.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)