Không phủ nhận những bất ổn về tình hình kinh tế chính trị kéo dài từ 2022 được dự báo tiếp diễn trong năm 2023 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành thời trang, nhưng trong đó, chúng ta vẫn có những cơ hội đáng trông đợi.
Thị trường thời trang: vật đổi sao dời
Chiến tranh Nga – Ukraine vẫn chưa kết thúc sau một năm diễn ra khiến ngày trở lại của thời trang tại đất nước này vẫn là một ẩn số. Tình hình kinh tế của các nước châu Âu phần nào chịu tác động của cuộc xung đột này cũng dự báo về khung cảnh không mấy khả quan từ thị trường châu Âu. Tại Trung Quốc, khả năng phục hồi kinh tế trong năm nay là 5,4% theo dự báo của Morgan Stanley. Từ cuối năm 2022, khi chính sách Zero Covid dần được nới lỏng ở các thành phố lớn, doanh số của ngành hàng thời trang và xa xỉ chắc chắn sẽ tăng trở lại khi mọi người có thể đến các trung tâm mua sắm và cửa hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán mức độ phục hồi để thị trường tăng trưởng như mong đợi sẽ cần nhiều thời gian hơn khi vẫn còn nhiều sự dè chừng trước nguy cơ bùng dịch trở lại và tình hình kinh tế có nhiều bất ổn.
Tuy nhiên, vẫn có những thị trường ổn định mà ngành thời trang cần quan tâm. Trung Đông cũng không kém cạnh với thế mạnh về nguồn tài nguyên dầu khí. Theo số liệu của McKinsey State, thị trường ngành hàng xa xỉ của các nước khối GCC có trị giá 10 triệu USD trong năm 2021, tăng 23% so với trước dịch và dự kiến sẽ tăng lên đến 11 triệu USD trong năm nay. Ngoài ra, thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang phục hồi và phát triển tích cực nhờ các chính sách mở cửa nhằm thúc đẩy du lịch lẫn kinh tế, được dự báo sẽ tăng 14% so với năm ngoái.
Định vị lại tiềm năng của NFT và Metaverse
Sự bùng nổ của NFT và Metaverse trong năm 2022 cho chúng ta niềm tin về tiềm năng của thế giới ảo trong ngành thời trang. Nhưng trên thực tế, kỳ vọng của những nhà kiến tạo với sự sẵn sàng của thị trường có lẽ vẫn chưa tìm được giao điểm.
Không phải chỉ mới đây những báo cáo về tình hình kinh doanh lẫn phản hồi của người dùng về Metaverse của Mark Zuckerberg cho thấy đó là một kế hoạch không thành công mà từ đầu năm nay, nhiều chuyên gia phân tích công nghệ cũng đã dự báo được điều đó. NFT hay Metaverse cũng gắn bó mật thiết với thị trường tiền ảo bị ảnh hưởng nặng nề với chỉ số giao dịch sụt giảm đến 97% trong vòng 9 tháng. Với tình hình kinh tế được dự báo sẽ rất khó khăn trong năm nay, rất khó có một cái nhìn lạc quan về thị trường NFT và Metaverse sẽ tiếp tục nở rộ.
Tuy nhiên, ngành thời trang vẫn sẽ tiếp tục tận dụng công nghệ ảo như NFT, Metaverse hay Web3 cho các hoạt động marketing hiệu quả. Thay vì tung ra các NFT thương mại hay gây sốc rộng rãi, các thương hiệu sẽ tập trung vào tệp khách hàng trung thành nhằm đem đến những trải nghiệm mới lạ. Đây là điều mà các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton, Gucci, Burberry đã làm rất hiệu quả.
Tương lai thời trang trong tay những con người mới
Nhiều sự thay đổi nhân sự diễn ra trong năm 2022 hứa hẹn sẽ đem đến nhiều thay đổi của ngành thời trang trong năm nay.
Trước tiên hãy nói về bộ máy lãnh đạo. Chủ tịch của LVMH Bernard Arnault dường như đang chuẩn bị từng bước để phân chia quyền lực cho những người con của mình. Tháng 12/2022, con trai thứ Antoine Arnault được chính thức bổ nhiệm vào vị trí CEO của Christian Dior SE, có quyền đưa ra những quyết định cho một trong những thương hiệu xa xỉ lớn nhất thế giới. Tại Prada, vợ chồng Miuccia Prada và Patrizio Bertelli cũng nhường ghế lãnh đạo cho con trai cả Lorenzo Bertelli. Tại Versace, thương hiệu cũng vừa tiếp đón tân CEO Emmanuel Gintzburger trong quý I năm ngoái. Những thay đổi này dự báo sẽ mang làn gió mới cho các thương hiệu, như những thay đổi tích cực tại Salvatore Ferragamo trong năm 2022 có được kể từ khi Marco Gobbetti được bổ nhiệm vị trí CEO giữa năm 2021.
2023 là năm đầu tiên NTK Thom Browne ngồi ghế chủ tịch CFDA. Với phát ngôn của ông khi nhậm chức, chúng ta có thể kỳ vọng trong những năm sắp tới sẽ có thêm nhiều tài năng trẻ, bối cảnh thời trang Mỹ sẽ trở nên thú vị và độc đáo hơn.
Làn sóng các NTK trẻ ngồi vào vị trí Giám đốc Sáng tạo tại các thương hiệu lâu năm cũng mở ra những diện mạo mới của thời trang: Charles De Vilmorin (26 tuổi) tại Rochas, Maximilian Davis (27 tuổi) tại Ferragamo, Harris Reed (27 tuổi) tại Nina Ricci và Ludovic de Saint Sernin (28 tuổi) tại Ann Demeulemeester. Gây hứng thú nhất là sự có mặt của Daniel Lee tại Burberry, tò mò nhất là vị trí Giám đốc sáng tạo tại Louis Vuitton Men và Gucci vẫn đang bỏ trống.
Như Heidi Klum từng nói:
–
“In fashion, one day you’re in. But the next day, you’re out”.
–
Không thể xác định chính xác đó là ai nhưng chắc chắn sẽ có những cái tên khác trên bàn cờ thời trang được luân chuyển. Những người yêu thời trang, bạn đã sẵn sàng cho những bất ngờ của ngành công nghiệp sẽ mang đến trong năm nay chưa?