Theo sử sách ghi lại, mùa Xuân năm Đinh Hợi (987), vua Lê Đại Hành đã cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn, mở đầu mỹ tục tốt đẹp cho dân tộc. Khi cày ruộng Tịch điền ở Đọi Sơn, vua bắt được chum vàng. Năm 988, nhà vua cày ruộng ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này sau được gọi là Kim Điền, Ngân Điền.
Từ đó, lễ Tịch điền được nhiều đời vua sau như Lý, Trần, hậu Lê duy trì. Đặc biệt, đến triều Nguyễn, lễ Tịch điền có nhiều “niêm luật” cụ thể, được tổ chức quy mô, do bộ Lễ chủ trì. Sau một thời gian dài gián đoạn, từ năm 2009 phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại bài bản và duy trì cho đến nay.