Tiếng cảm ơn – Trí Thức VN

Anh bạn kể chuyện, “Anh về Việt Nam, anh ăn mặc bình thường như em thấy đó, người thì đen đúa xấu xí, ăn nói bình thường không pha tiếng Anh tiếng u chi hết, anh nghĩ khó có người biết anh ở nước ngoài về vì không có sự khác biệt nào. Vậy mà đi uống cà phê vài lần ở quán, cô bé phục vụ hỏi chú ở nước ngoài về hả. Anh ngạc nhiên hổng biết sao cô bé biết. Hỏi ra, cô bé nói tại chú hay cảm ơn.”

Mình gân cổ lên cãi, “Ơ, anh nói thế nào! Em ở trong nước, em vẫn sử dụng tiếng cảm ơn, xin lỗi thường xuyên mà. Ở quán họ đem nước ra em cũng cảm ơn, tính tiền cũng cảm ơn. Em đâu phải Việt kiều. Người Việt biết cảm ơn, xin lỗi, xin phép. Đâu phải chỉ người nước ngoài hay ở nước ngoài về mới biết lịch sự cảm ơn, xin lỗi, xin phép… Anh nói vậy em nghe thấy tự ái ghê. Lòng tự tôn dân tộc bị đụng tới á. Tổn thương à nghen!”

Anh bạn mình không cãi lại được cái miệng lanh chanh bắt đầu cao giọng của mình nên xếp càng, chịu thua, nói lảng qua chuyện khác một cách lúng túng. Tắt máy, mình ngồi nghĩ, mình có thực sự tin vào những điều mình nói hay không? Hay phản ứng của mình, lời mình nói ra chẳng qua là sự lấp liếm, che đậy đi sự mất mát, sự thiếu hụt, sự tự ti dân tộc mà mình mang trong lòng?

Khi nói đến một vấn đề trong xã hội, người ta thống kê và lấy số đông để nghiên cứu, bàn luận và đánh giá. Mình hiểu điều đó và thường làm vậy. Nhưng, trong vấn đề trên, mình đã lấy thiểu số để lấp liếm hiện tượng và che đậy vấn đề: Sự thiếu hụt trong văn hoá ứng xử.

Tiếng cảm ơn, lời xin phép, xin lỗi, lời mời, tiếng dạ thưa mất dần đi thật rồi trong xã hội. Đó là sự thật. Có cố chối, có cố biện minh, có cố cả vú lấp miệng em thì đó vẫn là sự thật. Văn hoá Việt mất dần, văn hoá các nước du nhập vào, nhưng dường như mình toàn học giỏi những điều xấu, cái tốt thì về tới Việt Nam cũng bị biến tướng méo mó thảm hại.

Trước mình có coi một clip các cháu học trò cúi đầu chào chú bảo vệ trước cổng trường. Clip được nhiều chia sẻ và khen ngợi. Dĩ nhiên mình vui mừng. Nhưng – mình rất ghét bản thân mình mỗi khi vui chưa trọn lại phải “nhưng” – việc người trẻ khoanh tay cúi đầu chào hỏi thưa gởi là việc mà hồi nhỏ nguyên đám con nít trong xóm mình được dạy và thực hiện mà không ai coi đó là điều đáng phải mừng vui! Đó là việc bình thường phải làm. Mọi đứa trẻ, mọi người trẻ hơn đều phải dạ thưa với người lớn tuổi, chào hỏi trước, đưa vật bằng hai tay, cảm ơn, xin phép, xin lỗi.

Mình hay bị mẹ sai chạy ra tiệm tạp hoá của chị Hai đầu xóm mua đồ. Công việc đó được tiến hành như sau: Mình hai tay đưa tiền cho chị Hai, miệng nói, “Dạ thưa chị Hai bán cho con xin nửa ký đường.” Theo vai vế chị là chị họ của mình nhưng chị đã lớn tuổi, con chị bằng tuổi mình, nên mình cứ lộn xộn lúng túng lúc xưng em lúc xưng con. Sau khi chị Hai đưa túi đường, mình cầm hai tay, miệng nói, “Dạ con cảm ơn chị Hai. Thưa chị Hai con về.” Không riêng gì mình, tất cả bọn trẻ con trong xóm đều vậy. Mình thấy người lớn hơn trong xóm cũng thưa gởi, cảm ơn nhau như vậy. Không có gì lạ cả. Mọi việc tự nhiên, chân chất như nó vốn là.

Khách đến nhà chơi, tắt máy xe từ cổng dắt vô nhà. Xóm có đám hiếu hỉ thì trai gái cả xóm xúm vô phụ. Đàn bà lo việc bếp núc nấu nướng, đàn ông con trai phụ bưng bàn dọn ghế. Có đội nhị tì, có đội múa lân. Tụi nhỏ tụi tui đi ăn cắp mận, khế nhà hàng xóm thì chủ nhà đợi đám nhóc phá phách leo xuống hết mới chửi, “Mồ tổ cha tụi bay, tụi bay muốn ăn thì nói Tư để tao bẻ cho mà ăn, tụi bay leo chi ác nhơn rủi té gãy giò thì tao đẻ ra sao kịp để đền cho má bay hả? Mồ tổ cha tụi bay!”

Mình cũng nhớ thỉnh thoảng tụi thanh niên, anh em nhà hàng xóm có cãi nhau, đánh nhau, to tiếng. Ai đó chạy qua kêu, “Hai Hai, tụi thằng Lắm, thằng Tư tục nó đánh nhau bà ơi!” Nghe tiếng cái là mẹ lật đật bỏ việc chạy miết ra chỗ đánh nhau nhào vô can! Bà túm lấy một đứa, miệng kêu, “Thôi thôi, thằng Lắm im đi con, thằng Tư qua nhà mẹ uống trà, có trà bắc ngon lắm mày!” Miệng nói tay kéo. Mấy ông đang hùng hổ xìu xuống như cọng bún, răm rắp. Cái sự kính trọng người lớn tuổi nó làm cho trên dưới trong ngoài vô khuôn vô phép. Sự chân thành đối đãi làm cho tình thân xóm làng bền chặt và yêu thương mà vẫn không thiếu vắng tiếng dạ lời thưa, cảm ơn, xin lỗi.

Kể chuyện xưa để thấy là xã hội Việt Nam vốn đã có một nền tảng văn hoá văn minh, nhân bản và có lối ứng xử có tình, trọng thị người có tuổi. Thế mà chỉ cách mấy chục năm thôi, một hành động cúi chào bình thường của những đứa trẻ với người lớn tuổi đã có thể tạo ra được sự vui mừng xúc động. Mấy chục năm nay chúng ta mới ớ ra là mình mất quá nhiều, hư hoại quá nhiều. Chúng ta đã dần dần ớ ra và tiếc nuối, tìm cách sửa… Xã hội mình chỉ mấy chục năm thôi mà đã phải cố đi tìm học lại văn hoá ngày xưa!

cảm ơn

Tiếng cảm ơn
Lính Pháp và người dân Hà Nội đứng chờ những học sinh Hà Nội trong trang phục truyền thống đang khoanh tay xin đi qua đường. (Ảnh: Robert Capa)

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.

Xem thêm:

Mời xem video:



Nguồn bài viết