Nhóm người Hàn Quốc gồm nghị sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử, học viên cúi đầu xin lỗi nhân chứng vụ thảm sát ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên 55 năm trước.
10h ngày 13/2, chuyến xe chở 27 khách Hàn Quốc dừng trước bia tưởng niệm 20 nạn nhân vụ thảm sát của lính Nam Hàn ở thôn Trà Châu, xã Duy Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam). Anh Koong Jung Wook, 26 tuổi, học viên thạc sĩ ngành lịch sử hiện đại Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, mang theo bó hoa cúc vàng phát cho mỗi thành viên. Họ cầm hoa cùng nén hương cúi đầu trước bia tưởng niệm.
Tấm bia hình cánh sen ghi diễn biến sự việc 55 năm trước: “Cách đây 100 m về hướng tây nam vào ngày 1/9/1968 (Mậu Thân), Đoàn 2, Lữ đoàn Thanh Long quân đội Nam Hàn đã sát hại dân thường, làm chết 20 người và bị thương 16 người, trong đó có 11 trẻ em”.
Những người Hàn Quốc sau đó đặt hoa trước bia tưởng niệm và cúi đầu mặc niệm các nạn nhân. Nhiều thành viên lấy sổ ghi chép tỉ mỉ cuộc thảm sát từ người thuyết minh là anh Kwon Hyun Woo (tên Việt Nam là Vũ), Trưởng văn phòng Quỹ Hòa bình Hàn – Việt.
Là người cuối cùng rời bia tưởng niệm, Koong Jung Wook nói tiếng Việt bập bẹ: “Em thấy vui và nhẹ nhàng hơn rất nhiều khi đặt chân đến đây cầu nguyện và nói lời xin lỗi các nạn nhân tự đáy lòng mình”. Jung Wook chuẩn bị phần quà là hộp sâm tặng cho nhân chứng Phan Trà, 87 tuổi, người chứng kiến lần lượt bà nội, cha mẹ, hai em và một đứa con tử nạn sau tiếng súng của lính Nam Hàn.
Đứng trên đường nhìn đoàn người Hàn Quốc, bà Nguyễn Thị Bản, 66 tuổi, thôn Trà Châu, nói: “Tôi xúc động vì sau ngần ấy năm, con cháu của những người lính năm xưa đã đến thắp nén hương cho các nạn nhân”.
Bà nội chồng bà Bản là một trong 20 người có tên trên bia tưởng niệm. Bà kể, năm 1968 dân làng gánh chịu trận mưa lũ lớn. Nhiều người kéo nhau lên chùa ở thôn Trà Châu trú tạm. Lính Nam Hàn đang đóng quân ở bờ Thành gần đó thì bị du kích tấn công.
Cho rằng dân làng đều “theo cộng sản”, lính Nam Hàn mở trận càn, ném lựu đạn xuống các hầm trú ẩn. Nạn nhân chủ yếu là người già và trẻ em. Những người khác bị bắt quỳ dưới con đường làng ngập lũ. “Nước lũ khi đó đã ngập đến cổ nạn nhân. May quân lính dừng lại mới không có thêm thương vong”, bà Bản kể.
Mất sáu người thân sau vụ thảm sát, cụ Phan Trà tỏ ra bối rối khi đứng trước đoàn người Hàn Quốc đến tìm hiểu quá khứ, đặc biệt khi một người đàn ông Hàn đến cúi đầu nói “tôi xin lỗi”. “Những người Hàn Quốc thế hệ sau này đã thức tỉnh về nỗi đau chiến tranh. Họ chúc tôi sống thọ, có người tặng thuốc, tặng túi vải thêu hoa để tôi mang về cho người vợ đau bệnh nằm liệt giường. Đó là biểu hiện của việc biết sống yêu thương”, cụ Trà nói.
Đến thăm thôn Trà Châu lần này, những người Hàn Quốc đóng góp xây dựng lại bia tưởng niệm để giúp những người đã mất và thân nhân cảm thấy yên lòng. “Tôi rất hy vọng sau này có nhiều người Việt Nam và Hàn Quốc sẽ đến đây thắp hương”, ông Ha Il Ho, 54 tuổi, nói.
Đoàn người Hàn Quốc, trong đó có nghị sĩ Quốc hội Kang Min Jung, 2 nhà nghiên cứu lịch sử, 4 diễn viên, 3 du học sinh đến miền Trung để tham dự lễ tưởng niệm 55 năm thảm sát Hà My, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn vào sáng 14/2.
Ngay khi đáp xuống sân bay Đà Nẵng ngày 12/2, họ đã tìm về làng Phong Nhị (phường Điện An, thị xã Điện Bàn), thăm và chúc mừng bà Nguyễn Thị Thanh, 63 tuổi, nhân chứng của vụ thảm sát vừa được Tòa Seoul ra phán quyết yêu cầu chính phủ Hàn Quốc bồi thường 30 triệu won.
“Tôi vui vì được gặp lại những người Hàn Quốc, nhất là thành viên Quỹ Hòa bình – Hàn Việt, hai luật sư đã hỗ trợ tôi rất nhiều trên hành trình đi đòi công lý”, bà Thanh nói, cho biết đã cùng với những người yêu chuộng hòa bình hy vọng phiên tòa phúc thẩm sắp tới sẽ giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Cách đây 55 năm, lính đánh thuê Hàn Quốc tham gia vào cuộc chiến tại Việt Nam, gây ra nhiều vụ thảm sát hàng nghìn người dân vô tội ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận. Theo điều tra của tiến sĩ lịch sử Ku Su Jeong, người khởi xướng phong trào Xin lỗi Việt Nam, quân đội Đại Hàn đã làm chết 9.000 người dân Việt Nam trong các cuộc thảm sát.