Sửa luật để triển khai vốn tín dụng phát triển nhà ở xã hội hiệu quả
Theo các chuyên gia để khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, trước hết cần có sự thống nhất quy định trong các văn bản pháp luật về loại đất xây dựng. Chế độ ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội cần được cải thiện, như: vốn vay, giảm bớt thủ tục hành chính, nâng mức lợi nhuận tối đa…
Qua đó, có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội thông qua việc tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cấp tín dụng ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi Luật Nhà ở để đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Đấu thầu cũng như các văn bản liên quan. Trong đó, ưu tiên chính sách, điều kiện hưởng cho người thu nhập thấp cũng như quy hoạch, phát triển quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Cần có chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp lựa chọn hình thức đầu tư sao cho đa dạng về diện tích và chất lượng nhà ở phù hợp với nhu cầu, khả năng chi trả của các nhóm thu nhập khác nhau.
Luật Nhà ở nên quy định quy hoạch khu vực riêng để phát triển nhà ở xã hội và “nhà ở giá phù hợp với thu nhập” của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp song vẫn đầy đủ tiện ích và dịch vụ, kết nối giao thông thuận tiện, như nhiều nước đã thực hiện.
Trong đó, ngân sách nhà nước có hạn nên nguồn vốn này chỉ nên tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê. Đối với nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua thì xã hội hóa để doanh nghiệp tư nhân thực hiện, đồng thời có chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét cho phép một số ngân hàng thương mại lớn được cho cá nhân, hộ gia đình vay mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ tổng thể, đồng bộ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong phát triển nhà ở nói chung, phát triển nhà ở xã hội nói riêng. Đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể nhằm tạo động lực phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết để đủ điều kiện tiếp cận vốn tín dụng thì phải thoát ra thủ tục đầu tư. Thủ tục đầu tư không thống thoáng thì rất khó tiếp cận vốn.
“Cần đồng bộ chính sách tín dụng và thủ tục đầu tư. Vấn đề này rất quan trọng, vướng mắc pháp lý khiến các dự án không vượt qua được điểm nghẽ từ pháp luật. Bên cạnh đó, không chỉ nhà ở xã hội, mà các dự án nhà ở khác làm sao để nguồn cung tăng lên thì chính sách pháp luật phải thông thoáng”, ông Đính chia sẻ.
Làm rõ nguồn vốn tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội để giải ngân hiệu quả
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững, lành mạnh, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết 4 ngân hàng thương mại nhà nước thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
“Nhưng nguồn vốn từ đâu cũng phải cân nhắc, tức là với nguồn vốn từ tái cấp vốn, là cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn, có thể làm giảm tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. Vì vậy, cần tính toán nguồn vốn tổng thể trên cơ sở chính sách tiền tệ cũng đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu như tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng… và ở các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác”, bà Hồng cho biết.
Trước đó, Bộ Xây dựng đề xuất với Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng. Con số này tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2022 – 2030, cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.
Theo đó, gói tín dụng này về cơ bản giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013 – 2016 trước đây. Chi tiết phân bổ gói này chưa được đề cập nhưng Bộ Xây dựng cho biết sẽ giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016 khi thị trường gặp khó khăn.
Tổng Giám đốc Vietcombank (VCB) Nguyễn Thanh Tùng cho biết để giải quyết nhu cầu vay vốn để mua nhà để ở của người dân, trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, VCB cam kết sẽ tích cực đồng hành cùng 3 ngân hàng thương mại nhà nước khác triển khai gói cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi đối với phân khúc bình dân phù hợp với khả năng và nhu cầu của phần đông người dân.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính nhận định việc có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội là rất đáng mừng. Tuy nhiên, cần phải làm rõ nguồn vốn từ đâu, từ ngân sách nhà nước hay từ các ngân hàng thương mại.
“Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là rất lớn nền cần biết nguồn vốn này từ đâu. Nếu ngân sách nhà nước bỏ ra thì phải làm rõ ngân sách lấy từ đâu ra, cần làm rõ. Bản chất ngân hàng mới nói hỗ trợ giảm lãi suất từ 1,5 – 2% còn lấy từ đâu thì chưa rõ. Khi nói đến các gói tín dụng hỗ trợ thì phải nói cụ thể, có văn bản đàng hoàng. Quan trọng nhất là phải làm rõ nguồn tính dụng mới biết cách để giải ngân hiệu quả”, ông Thịnh nhận định.
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững, lành mạnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, Chính phủ sẽ có đề án riêng về phát triển nhà ở, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp. Thủ tướng hoan nghênh Thống đốc NHNN đã báo cáo về gói tín dụng cho lĩnh vực này, Chính phủ sẽ xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.