Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các Bộ, ngành, các hiệp hội, nhà sản xuất ô tô Việt Nam… để lấy ý kiến về việc xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (Thuế TTĐB) sửa đổi.
Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ nghiên cứu bổ sung áp thuế TTĐB đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước như:
Đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng….
Tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt rượu, bia để hạn chế sản xuất, tiêu dùng
Bộ Tài chính cho biết, dù mặt hàng bia và rượu đã được tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016-2018 nhưng trong thời gian qua, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao” và có xu hướng gia tăng nhanh.
Cụ thể, năm 2013, lượng bia tiêu thụ là 3 tỷ lít; năm 2017 lượng bia tiêu thụ tăng đến 4 tỷ lít; năm 2020 là 4,2 tỷ lít.
Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 05 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu” và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gây ra, bao gồm: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
Rượu, bia cũng là một trong 03 nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49. Do vậy, việc sử dụng rượu, bia cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa.
Hiện nay, thuế rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp, chiếm khoảng 30% giá bán lẻ (theo WTO) trong khi ở nhiều nước tỷ lệ thuế chiếm từ 40-85% giá bán lẻ.
Để bảo đảm không gia tăng sử dụng rượu, bia trong thời gian tới, cần điều chỉnh tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia đảm bảo mức tăng giá rượu, bia sau khi điều chỉnh phải tăng kịp theo mức tăng thu nhập và lạm phát.
Theo Bộ Tài chính, vấn đề này, Bộ Y tế từng có ý kiến rằng, mức điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm bia, rượu các năm 2016 – 2018 là chưa đủ mạnh để tác động đến giảm tiêu dùng rượu, bia.
Hơn nữa, giá rượu, bia của Việt Nam hiện rất rẻ và sức mua tăng mạnh. Thu nhập theo đầu người cũng tăng 5%/năm. Bởi vậy, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải tiếp tục tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu theo lộ trình nhằm tác động mạnh đến giảm nhu cầu tiêu dùng, nhất là với người tiêu dùng có thu nhập thấp, thanh thiếu niên…
Qua đó, kiểm soát tác hại của rượu bia, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu, bia gây ra.
Tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt thuốc lá, thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới
Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha sử dụng toàn bộ, một phần hoặc không sử dụng nguyên liệu từ cây thuốc lá.
Hiện nhiều nước trên thế giới đã áp dụng chính sách thuế hiệu quả để tăng giá hoặc triệt tiêu sẩn phẩm thuốc lá giá rẻ, tiềm ẩn nguy cơ, tác hại đến sức khỏe.
Vấn đề này, năm 2019, Bộ Y tế cũng có công văn số 5252 và 1552 đề nghị Bộ Tài chính là bổ sung thuế tuyết đối với thuốc lá ở mức 5.000 đồng/bao và 10.000 đồng/bao nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới xuống 35,5% và giúp tránh được 900.000 ca tử vong sớm do hút thuốc.
Tuy nhiên, theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020 của Bộ Y tế, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có giảm nhưng vẫn ở mức cao và chưa đạt mục tiêu đề ra vào nưm 2020. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, cần kiểm soát hơn nữa với mặt hàng thuốc lá và mục tiêu tỷ lệ nam sử dụng thuốc lá giảm xuống mức 37% giai đoạn 2022 – 2025.
Đồng thời, đạt mục tiêu của Chương trình sức khỏe Việt Nam đến 2030 tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới phải giảm xuống còn 32,5%.
Bổ sung thu thuế TTĐB đồ uống có đường, nước giải khát không cồn
Theo Bộ Tài chính, đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì, là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường… hiện đang có mức tăng bùng nổ trong vài thập kỷ qua (theo WTO).
Thậm chí, bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong.
Giảm đồ uống có đường có thể dự phòng tử vong do góp phần làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu và tăng huyết áp, là các yếu tố nguy cơ gây tử vong phổ biến tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Do đó, Bộ Tài chính sẽ bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất phù hợp để góp phần định hướng tiêu dùng, đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Ngoài ra, đối với thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, Bộ Tài chính cũng bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế phù hợp để định hướng tiêu dùng.
Bởi theo Bộ Tài chính, trên thực tế đã xuất hiện việc nhập khẩu, sản xuất thức uống không có cồn được sản xuất theo quy đình sản xuất và nguyên liệu sản xuất tương tự mặt hàng bia (sau quy trình sản xuất, lên men thì tách cồn khỏi sản phẩm và bổ sung hương tự nhiên).
Sản phẩm thức uống đại mạch có quy trình sản xuất, nguyên liệu giống mặt hàng bia, hình thức bề ngoài của sẩn phẩm cũng giống bia, vẫn có mùi đặc trưng như bia nhưng chỉ khác tên gọi và giá bán xấp xỉ nhau nên có thể coi là sản phẩm tương tự bia không cồn.
Do vậy, cần thiết phải quy định rõ để định hướng tiêu dùng đối với mặt hàng này.
Ngoài những mặt hàng kể trên, Bộ Tài chính cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh đối tượng chịu thuế TTĐB để định hướng tiêu dùng đối với: Hoạt động kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện; xe ô tô pickup chở hàng cabin kép (vừa chở người vừa chở hàng); xe ô tô không đăng ký lưu hành, không tham gia giao thông; hàng hóa đã xuất khẩu bị phía nước ngoài trả lại khi nhập khẩu; hàng hóa mượn qua đường cửa khẩu, biên giới Việt Nam…
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú bày tỏ quan điểm hoàn toàn ủng hộ với đề xuất nêu trên của Bộ Tài Chính.
Ông Phú cho rằng, đây là những mặt hàng xa xỉ, không ảnh hưởng tới sức khỏe nòi giống, mà còn tác động và góp phần tăng số vụ tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội… nên cần phải tăng hoặc tăng cao hơn nữa thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá.
Tuy nhiên, ông Phú cho rằng, đi đôi với việc tăng thuế này, Bộ Tài chính cần xem xét giảm hoặc xóa bỏ những thuế không/chưa thực hợp lý và còn cao.
Thứ nhất là thuế bảo vệ môi trường đối với các loại xăng, dầu, mỡ nhờn với mức giảm khoảng 50% để giảm áp lực lên chi phí xăng dầu.
Thứ hai, xóa bỏ hẳn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Bởi lẽ, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu đối với đời sống nhân dân, không thể đánh đồng mặt hàng thiết yếu với thuốc lá, rượu, bia.
Thứ ba, tiếp tục giảm từ 2 – 5% thuế VAT. Bởi hiện nay, đời sống nhân dân và “sức khỏe” doanh nghiệp còn yếu do nhiều nguyên nhân.