TP HCM tạo động lực phát triển ĐBSCL

Tại hội nghị “Tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) giữa TP HCM với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL” do UBND TP HCM, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố ĐBSCL tổ chức ngày 11-3, các đại biểu cho rằng sự hợp tác, liên kết giữa TP HCM và ĐBSCL sẽ phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương để khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh và sử dụng các nguồn lực sẵn có, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Liên kết hiệu quả, thiết thực

Ông Trần Ngọc Tam – Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre – khẳng định trong những năm qua, TP HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác phát triển KT-XH. Đây là hoạt động liên kết kinh tế mở nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho doanh nghiệp (DN); nhiều giải pháp đã được triển khai, đặc biệt trong sản xuất, chế biến nông, lâm sản, khai khoáng… góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, hội nghị này cũng là điều kiện, cơ hội để liên kết triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với Chiến lược phát triển KT-XH của cả nước. Nhiều hoạt động hợp tác giữa tỉnh Bến Tre và TP HCM mang lại kết quả thiết thực. Đơn cử như các chương trình hỗ trợ kết nối cung – cầu, tạo điều kiện cho DN gặp gỡ, tìm hiểu, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ, tư vấn và tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa tỉnh Bến Tre đi vào hệ thống các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích của TP HCM được phối hợp thực hiện tốt… Qua đó, các DN của tỉnh đã tìm được 10 đại lý phân phối tại TP HCM, ký được 122 hợp đồng/biên bản ghi nhớ hợp tác với DN, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối, chuỗi bán lẻ… tại TP HCM.

TP HCM tạo động lực phát triển ĐBSCL - Ảnh 1.

Lãnh đạo UBND TP HCM và lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL tại hội nghị

Ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đánh giá từ năm 2014 đến 2020, TP Cần Thơ và TP HCM đã liên kết trên nhiều lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó đáng kể nhất là ngành y tế 2 địa phương đã thực hiện Đề án Bệnh viện (BV) vệ tinh tại 4 đơn vị tuyến thành phố gồm các BV: Nhi Đồng Cần Thơ – Chợ Rẫy, Ung bướu Cần Thơ – Ung bướu TP HCM, Tim mạch – Chợ Rẫy và Huyết học và Truyền máu Cần Thơ – Chợ Rẫy. Hiện 4 BV ở Cần Thơ đã được đào tạo và tiếp nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật cao từ các BV hạt nhân tại TP HCM, đồng thời tiếp nhận nhiều trang thiết bị được đầu tư trọng điểm từ đề án và đang triển khai hiệu quả, nâng cao chất lượng khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng trong thời gian qua, Bạc Liêu phối hợp rất tốt với TP HCM triển khai các chương trình hợp tác. Trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, giai đoạn 2016-2020 đến nay, có rất nhiều nhà đầu tư từ TP HCM đến Bạc Liêu tìm hiểu cơ hội đầu tư và đầu tư. Trong đó, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 898.920 tỉ đồng. Hằng năm, tỉnh Bạc Liêu thường xuyên tổ chức các đoàn công tác xúc tiến, mời gọi các DN, nhà đầu tư từ TP HCM về đầu tư tại Bạc Liêu.

Nâng tầm hợp tác

Tuy sự hợp tác có nhiều kết quả thiết thực, nhưng qua báo cáo cũng tồn tại một số mặt hạn chế, trong đó có việc hợp tác còn quá dàn trải, không xác định lĩnh vực trọng tâm, đột phá dẫn đến không tận dụng được thế mạnh của từng bên.

Chương trình hợp tác trong cùng một lĩnh vực chưa có điểm nhấn dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong từng nội dung cụ thể. “Trong triển khai thực hiện các nội dung hợp tác, các sở, ngành thiếu sự chủ động, chưa cụ thể hóa các nội dung đã ký kết hợp tác để triển khai thực hiện. Việc trao đổi thông tin, sơ kết, báo cáo và tổ chức họp định kỳ như quy định trong bản ký kết chương trình hợp tác chưa thực hiện thường xuyên. Ngoài ra, sự tham gia của DN vào chương trình hợp tác vẫn mang tính tự phát” – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhìn nhận.

Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ trong 15 lĩnh vực liên kết với tỉnh Sóc Trăng thì chỉ thực hiện 5 lĩnh vực nhưng thực hiện chưa đầy đủ. Trong quá trình thực hiện chương trình liên kết thì khâu tổ chức thực hiện có những điểm chưa chặt chẽ như việc hội họp trao đổi thông tin, phối hợp giữa các sở, ngành của các địa phương ĐBSCL với TP HCM chưa tốt.

Khẳng định vai trò của các địa phương trong việc hợp tác với TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh sự phát triển của TP HCM có sự đóng góp rất lớn của vùng ĐBSCL, TP HCM không thể phát triển nhanh và bền vững nếu thiếu sự hợp tác và hỗ trợ của các địa phương trong vùng. “Có 3 vấn đề nổi lên là kết nối giao thông TP HCM – ĐBSCL cần tập trung hơn, nhanh hơn; kết nối cung cầu, đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực và y tế; cách thức triển khai làm sao có hiệu quả đó là vấn đề quan trọng” – ông Phan Văn Mãi nêu vấn đề. Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị mỗi địa phương phân công 1 phó chủ tịch UBND tỉnh, thành trực tiếp phụ trách, chủ động rà soát nhiệm vụ, giải pháp… trong thực hiện chương trình liên kết. TP HCM sẽ phân công Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố là cơ quan thường trực của chương trình hợp tác với ĐBSCL và các sở chuyên ngành của TP HCM chủ trì cùng với các sở của 13 tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện triển khai các nội dung hợp tác chung của vùng và riêng cho từng địa phương. Ngoài ra, TP HCM sẽ xây dựng cơ chế thông tin cập nhật tiến độ, nghiên cứu xây dựng trang web cập nhật công việc chung và công việc riêng với từng địa phương hằng tháng. Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Thành phần quyết định thành công của sự hợp tác này là các hiệp hội và DN, những nhà đầu tư thực sự. Rất mong DN quan tâm, nghiên cứu tìm hiểu quy hoạch vùng, kế hoạch phát triển KT-XH của từng địa phương để có quyết định đầu tư. TP HCM cam kết với các DN của thành phố là tạo kiện và nghiên cứu chính sách để hỗ trợ cho các DN có đầu tư ở ĐBSCL. Các tỉnh, thành ĐBSCL cũng cần quan tâm tạo điều kiện cho DN để thu hút đầu tư”.

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND TP HCM và lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã ký bản thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH giữa TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL đến năm 2025. 

Thêm nhiều điểm mới

Theo lãnh đạo UBND TP HCM, chương trình hợp tác phát triển KT-XH giữa TP HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong thời gian tới sẽ có nhiều điểm mới so với trước đây là thiết kế thêm các nội dung hợp tác mang tính cả vùng, tất cả địa phương của ĐBSCL và TP HCM phải tham gia thực hiện, thay vì chỉ hợp tác giữa TP HCM và từng địa phương như thời điểm trước. Điều này thể hiện ở các nội dung hợp tác cơ bản: hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư thương mại; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học – công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM VÕ VĂN HOAN:

TP HCM cần nguồn nhân lực, nguyên liệu

TP HCM đang hướng tới tăng trưởng xanh nên nhu cầu về nguồn nhân lực và nguồn nguyên liệu cho sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu rất lớn. Nếu muốn xuất khẩu thì phải sản xuất sạch nên việc thực hiện liên kết hợp tác với ĐBSCL sẽ có được nguồn nhân lực chất lượng hơn và nguồn nguyên liệu bảo đảm đúng yêu cầu của tiêu chuẩn sản xuất sạch và tạo ra giá trị gia tăng cho việc xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng cho thành phố.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp PHẠM THIỆN NGHĨA:

Cần cơ chế riêng làm dự án giao thông

Để phát huy sức mạnh mối liên kết giữa TP HCM và vùng ĐBSCL, Đồng Tháp đề xuất các địa phương trong vùng cùng kiến nghị Chính phủ cho cơ chế riêng để TP HCM và các tỉnh, thành phố tự vay vốn làm dự án hạ tầng giao thông trên tinh thần đối ứng nhanh, hiệu quả, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng. Bên cạnh đó là quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết nối tạo điều kiện, khuyến khích DN phát triển đóng góp không chỉ cho địa phương mà cho cả vùng”.

Ông TRẦN VĂN ĐỨC, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Dừa Bến Tre:

Hỗ trợ đưa sản phẩm vào siêu thị

ĐBSCL có nhiều sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm xuất khẩu nhưng khó vào siêu thị được nên đề nghị Sở Công Thương TP HCM hỗ trợ các sản phẩm của DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp trong vùng được vào siêu thị.



Nguồn bài viết