Đợt trao trả tù binh 50 năm trước

Quảng TrịBãi lau lách ở bờ bắc sông Thạch Hãn trở thành nơi trao trả tù binh sau hiệp định Paris, mỗi ngày khoảng 200 người, kéo dài hai tháng.

Ngày 27/1/1973, hiệp định Paris được ký kết, chính thức lập lại hòa bình ở Việt Nam. Một trong các điều khoản thi hành hiệp định là trao trả tù binh giữa các bên. Phía Việt Nam Cộng hòa bàn giao danh sách hơn 26.700 cán bộ, chiến sĩ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Địa điểm được lựa chọn là Đức Phổ (Quảng Ngãi), Bồng Sơn (Bình Định), Hố Nai (Đồng Nai), Lộc Ninh (Bình Phước)… Trong đó thị xã Quảng Trị là một trong hai điểm trao trả tù binh chính, cùng với Lộc Ninh (Bình Phước).

Ông Lương Chí Hiền tuổi cao nhưng vẫn minh mẫn nhớ về cuộc trao trả tù binh 50 năm trước. Ảnh: Hoàng Táo

Quân dân đón tù binh trở về tháng 3/1973. Ảnh: Tư liệu Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Quảng Trị

50 năm trước, ông Lương Chí Hiền (nay đã 96 tuổi, trú thị xã Quảng Trị), Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Trị, nhận lệnh công tác mới – làm Trưởng đoàn trao trả tù binh phía Việt Nam. Giúp việc cho ông có một phó đoàn và 18 người khác. Ngoài đoàn công tác còn có nhiều đơn vị phụ trách tiếp đón, hậu cần, văn nghệ.

Vị trí được chọn là bờ bắc sông Thạch Hãn, cách quốc lộ 1 hiện nay khoảng 0,5 km. Ông Hiền nhớ lại khu vực này đầy cỏ dại, lau lách um tùm. Việc đầu tiên là rà phá bom mìn, sau đó dựng lều trại dã chiến. Quân dân Quảng Trị cùng Sư đoàn 325 chuẩn bị cổng chào, băng cờ, khẩu hiệu, lán trại, bệnh xá, tất cả đều làm việc khẩn trương với tâm thế sẵn sàng đón đồng đội trở về.

Năm nhà bạt được dựng lên, là nơi làm việc của 5 phái đoàn, gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1976), Việt Nam Cộng hòa, Mỹ và Ủy ban Giám sát quốc tế. Có một hội trường lớn làm nơi hội họp, liên hoan, văn nghệ chung cho các đoàn. Cách khu vực trao trả khoảng 5 km về phía bắc là nơi đón tiếp, trung chuyển cán bộ, chiến sĩ.

Trước khi trao trả chính thức, các bên gặp nhau họp bàn phương thức làm việc. Ông Hiền đề xuất mỗi ngày bàn giao mỗi bên một đại đội, khoảng 100 người, tù binh quân sự trước, tù chính trị sau.

Ông Lương Chí Hiền (giữa) chụp ảnh với hai thành viên phái đoàn trao trả phía Mỹ tại khu vực trao trả bờ bắc sông Thạch Hãn. Ảnh tư liệu tại nhà ông Lương Chí Hiền

Ông Lương Chí Hiền (giữa) chụp ảnh với hai thành viên phái đoàn Mỹ tại bờ bắc sông Thạch Hãn. Ảnh tư liệu tại nhà ông Lương Chí Hiền

Ngày 12/3/1973 trao trả tù binh đợt đầu tiên. Đầu giờ sáng, các bên bàn giao danh sách tù binh cho nhau để kiểm tra. Ông Hiền cũng thông báo thời tiết để các đoàn chuẩn bị.

Tại bãi đất ở bờ nam sông Thạch Hãn, Việt Nam Cộng hòa dùng canô chở tù binh sang sông, mỗi chuyến khoảng 20 người. Nhiều chiến sĩ gầy còm, ốm yếu, không thể đi lại. Khi canô cập bờ, lực lượng tiếp đón ùa xuống, hai người dìu một chiến sĩ lên bờ nghỉ ngơi, thay quần áo.

Tương tự, tù binh Việt Nam Cộng hòa được bàn giao từng tốp, chở sang bờ nam bằng canô và được tặng quà gồm sách vở, bút máy. Giữa buổi, các đoàn giải lao 20 phút.

“Mình chuẩn bị nước trà, bánh kẹo từ miền Bắc đưa vào, biểu diễn văn nghệ chung cho các đoàn ở hội trường Thống Nhất”, ông Hiền kể và cho rằng việc này giúp tạo không khí cởi mở giữa các đoàn, vốn nhiều năm ở hai đầu chiến tuyến. Cuối ngày, các bên đọc to danh sách, ký và bàn giao biên bản.

Những ngày đầu, phía Mỹ cho máy bay trực thăng quần thảo ở khu vực trao trả, vi phạm hiệp định Paris. Ông Hiền và phái đoàn Việt Nam đã lên án, yêu cầu phía Mỹ xin lỗi và chấm dứt vi phạm. Sau đó họ không dùng máy bay trinh sát nữa. Ngược lại, ở bờ nam, thỉnh thoảng cán bộ, chiến sĩ cũng nôn nóng, gây ồn ào, buộc ông Hiền hoặc phó đoàn đi thuyền sang trấn an.

Cuối tháng 4/1973, việc trao trả kết thúc. “Các bên đều vui vẻ vì hoàn thành nhiệm vụ. Phía họ không trà trộn phản động vào quấy phá. Phía ta nhận lại nhiều cán bộ cốt cán”, ông Hiền cho hay.

Là một trong những tù binh được trao trả, ông Mai Văn Lớp, 79 tuổi, trú huyện Hải Lăng, cho hay năm 1970 khi đang là bộ đội địa phương, làm nhiệm vụ ở nam Hải Lăng thì bị phục kích, giam giữ ở Phú Quốc. Thực thi hiệp định Paris, sáng 26/3/1973, ông cùng nhiều bạn tù lên máy bay C130 đến sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế), sau đó trung chuyển ra bờ nam sông Thạch Hãn.

“Sau mấy năm bị giam cầm, nhìn thấy cờ giải phóng, chúng tôi rất phấn chấn, biết chắc mình còn sống, trở về với quê hương, gia đình”, ông Lớp kể. Lên canô qua sông, ông cũng như nhiều người cởi áo quần tù binh vứt lại, chỉ mang mỗi chiếc quần cộc. Nhiều người xúc động, vừa cười nói vừa khóc mếu máo.

Ông Nguyễn Thanh Minh (phải) kể chuyện về ngày đoàn tụ với bạn trong hội tù chính trị. Ảnh: Hoàng Táo

Ông Mai Văn Lớp chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động trong ngày trao trả tù binh. Ảnh: Hoàng Táo

Đến tối, khi trở về hậu phương cách khu vực đón tiếp khoảng 5 km, ông Lớp gặp lại anh em đơn vị cũ, gia đình từng giúp đỡ trong chiến tranh. Mọi người ôm nhau khóc, ôn lại chuyện cũ, hàn huyên suốt đêm. Sáng hôm sau, tất cả lại bịn rịn chia tay, ông theo đoàn ra phía Bắc an dưỡng.

Cũng có rất nhiều cha mẹ, vợ con đến chờ đợi nhiều ngày để được gặp lại người chồng, người con sau bao năm bị tù đày xa cách. Nhưng không ít gia đình nhận tin dữ người thân hy sinh khi chiến đấu trong tù.

50 năm sau ngày trao trả, các cựu tù đều đã cao tuổi, sức khỏe yếu, nhiều người không còn. Trong cuộc gặp ngày 23/3 do Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày tỉnh Quảng Trị tổ chức, họ đã ôm lấy nhau, ôn lại ký ức không thể nào quên trong cuộc đời binh nghiệp.

Hoàng Táo

Nguồn bài viết