Nhà tư tưởng người Pháp, Charles de Secondat Montesquieu, người nổi tiếng với thuyết tam quyền phân lập có ảnh hưởng lớn tới sự hình thành Hiến pháp Hoa Kỳ, đã từng trình bày và phân tích về mười tội ác (thập ác), trong đó ông cho rằng tri thức không có lương tri chính là một tội trong số đó. Montesquieu nói mục đích học tri thức là nhằm cải thiện hiện trạng của con người và cuộc sống, mà việc cải thiện cuộc sống nên nằm dưới sự chỉ dẫn của lương tri thì mới có thể hoàn thành một cách tốt đẹp hơn. Tri thức không có lương tri tức là tri thức làm tổn hại con người, nắm giữ chúng càng nhiều thì nguy hại càng lớn. Ví như những tri thức và kỹ năng về lừa gạt, làm giả, trộm cắp đều thuộc loại này. Tri thức không có lương tri chỉ có thể mang lại cho con người nguy hại và tai họa. Trong lịch sử nhân loại tràn ngập những giáo huấn như vậy.
Trong đại chiến thế giới lần thứ nhất, nhằm hỗ trợ quân Đức đánh bại liên quân Anh và Pháp, nhà hóa học người Đức gốc Do Thái Fritz Haber đã nghiên cứu và chế tạo ra đạn khí độc trong phòng thí nghiệm. Nó được sử dụng trong các cuộc chiến tranh khiến cho gần một triệu người bị thương vong. Việc làm của Fritz Haber không chỉ bị các nhà khoa học các nước khiển trách mà ông còn bị chính người vợ cũng là đồng nghiệp của ông là Clara Immerwahr phản đối.
Ngay khi Haber lần đầu nghiên cứu chế tạo khí độc cho quân đội Đức, bà Clara đã thường xuyên cãi nhau với Haber vì vấn đề này, nhưng Haber không muốn từ bỏ nghiên cứu về khí độc. Vì quá thất vọng về chồng, bà Clara đã dùng chính khẩu súng của chồng để tự sát. Dù vậy, cái chết của vợ không hề đánh thức lương tri của Haber, thậm chí khi ông còn chưa kịp tổ chức xong tang lễ cho vợ thì lại lao mình vào thử nghiệm loại khí độc mới.
Năm 1917, quân đội Đức đã đưa thành tựu mới nhất của Haber ra chiến trường, khiến cho vô số binh sĩ đã phải chết trong đau đớn với một cơ thể thối giữa. Nhưng khí độc của Haber không cứu được vận mệnh thất bại của quân Đức trong Thế chiến thứ nhất. Sau khi chiến tranh kết thúc, vì sợ bị bắt làm tù binh, Haber đã chạy về quê ẩn náu. Sau nửa năm, Haber bí mật trở về phòng thí nghiệm của mình và tiếp tục dấn thân vào nghiên cứu khoa học.
Là một người Do Thái, Haber không ngờ rằng khi Hitler lên nắm quyền, khí độc do mình nghiên cứu chế tạo ra đã bị sử dụng để giết hại chính đồng bào của mình, giết chết hàng triệu người Do Thái. Bản thân Haber buộc phải chạy trốn khỏi đất nước mà ông đã dốc sức phục vụ.
Có thể thấy, cùng với sự phát triển của lịch sử, không ít người ngày càng hiểu rõ hơn những suy nghĩ sâu sắc của Montesquieu, và ngày càng có nhiều người nhận ra nhân cách mới là mục tiêu giáo dục hàng đầu. Ví dụ, người sáng lập Andover, trường tư thục độc lập danh giá hàng đầu Hoa Kỳ, đã viết: “Trọng tâm chính trong công việc của hiệu trưởng là chú ý đến sự phát triển tâm linh và đạo đức của những đứa trẻ mà ông ấy chịu trách nhiệm, điều này là cao hơn bất kỳ trách nhiệm nào khác”.
Trong thế giới của thế kỷ 21, văn minh nhân loại đã nhận thức được rằng lương tri quan trọng hơn tri thức. Đáng tiếc là ở nhiều nơi, trong hệ thống giáo dục lấy thi cử lấn át chất lượng giáo dục, giáo dục đã trở thành một nấc thang trong hệ thống thứ bậc, và điểm số đã trở thành mục tiêu cao nhất của việc học. Dưới một hệ thống như vậy, trẻ em có thể đạt điểm kiểm tra cao, nhưng tâm trí của chúng khó phát triển và tiến bộ. Khi lớn lên, chúng có thể đạt được địa vị cao trong xã hội, nhưng chúng không biết linh hồn là gì, đạo đức và lương tri đã trở thành những thứ khuyết thiếu trầm trọng.
Nhưng khi lương tri khuyết thiếu ở bình diện rộng trên xã hội, mỗi chúng ta đều có thể là nạn nhân. Thậm chí tội phạm công nghệ cao nổi lên không ngừng, và không ít người đặt câu hỏi đâu là căn nguyên.
Kỳ thực lương tri là ngọn nến được Đấng tối cao đặt sâu vào tâm linh con người, là tình cảm cao quý của con người. Lương tri là tiền đề của sự ăn năn, không có lương tri và sự ăn năn thì con người sẽ không điều ác nào mà không dám làm. Sử học gia Tư Mã Quang nói rằng: “Có đức có tài là thánh nhân, có đức không tài gọi là quân tử, không đức không tài là người tầm thường, có tài không đức là tiểu nhân. Kẻ tiểu nhân vì lợi ích thì không từ bất cứ việc ác nào”.
Montesquieu nói tri thức là của cải quý giá tạo phúc cho nhân loại, nếu nó không được sử dụng vào mục đích tốt mà rơi vào tay những kẻ chà đạp lên điều thiện thì sẽ gây nguy hại cho lẽ phải, cho chính nghĩa. Nếu nền giáo dục chỉ chú trọng đến lợi ích vật chất mà bỏ qua việc hướng dẫn, uốn nắn tình thương và lẽ phải cho trẻ em thì sẽ tạo thành nguy hại và hậu họan vô cùng cho nhân loại và xã hội. Ngày nay, chúng ta có thể tổng kết sự nguy hại đó bằng một câu: Lưu manh không đáng sợ, chỉ sợ lưu manh có văn hóa!
Theo Sound of Hope
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: