Cuộc đấu quyền lực đẩy Sudan đến bờ vực sụp đổ

Hai phe nắm sức mạnh quân sự lớn nhất Sudan bùng phát xung đột để tranh giành quyền lực, đẩy quốc gia Bắc Phi vào vòng xoáy khủng hoảng.

Xung đột vũ trang nổ ra tại Sudan từ ngày 15/4, khi tổ chức bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) do tướng Mohammed Hamdan Dagalo lãnh đạo đụng độ với quân đội của tướng Abdel-Fattah Burhan.

Giao tranh đã kéo dài ba ngày qua tại thủ đô Khartoum và nhiều thành phố khác của Sudan, quốc gia Bắc Phi giáp với Ai Cập và cửa ngõ Biển Đỏ, khiến hơn 180 người chết và hơn 1.800 người bị thương, theo Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Volker Perthes tại Sudan.

Giới quan sát cảnh báo cuộc khủng hoảng an ninh đang đẩy Sudan tiến gần đến bờ vực nội chiến toàn diện. Các tổ chức chính trị dân sự kêu gọi hai phe chấm dứt hoạt động thù địch để ngăn nguy cơ đất nước sụp đổ hoàn toàn.

Khói và lửa bốc lên từ cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự ở thủ đô Khartoum ngày 17/4. Ảnh: AFP

Khói lửa bốc lên từ cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự ở thủ đô Khartoum ngày 17/4. Ảnh: AFP

Bất đồng giữa RSF và quân đội Sudan đã kéo dài nhiều tháng qua bởi kế hoạch sát nhập tổ chức bán quân sự này vào lực lượng quân chính quy, một phần trong lộ trình dân chủ tại Sudan hướng đến khôi phục chính quyền dân sự thông qua tổng tuyển cử vào tháng 7. Đây là kết quả thỏa hiệp giữa quân đội và người biểu tình vào tháng 8/2019, bốn tháng sau khi quân đội Sudan tiến hành đảo chính lật đổ tổng thống Omar al-Bashir và vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ.

Quân đội Sudan khi đó chấp nhận chia sẻ quyền lực với các lực lượng dân sự, thông qua mô hình Hội đồng Chủ quyền với thủ tướng tạm quyền là Abdalla Hamdok. Tuy nhiên, thỏa thuận đổ vỡ nhanh chóng. Chính quyền Hamdok bị quân đội phế truất vào tháng 10/2021 và tướng Burhan, người dẫn đầu cuộc đảo chính hai năm trước, trở thành người quyền lực nhất nước, đứng đầu chính quyền quân sự.

Đối thủ của Burhan là tướng Dagalo, chỉ huy RSF, lực lượng bán quân sự được thành lập năm 2013 thuộc quyền quản lý của Cơ quan An ninh và Tình báo Quốc gia Sudan dưới thời tổng thống Bashir.

RSF có tiền thân là lực lượng dân binh vũ trang Janjaweed, từng tham gia chiến tranh Dafur những năm đầu 2000 chống lại các nhóm chống đối chính phủ Sudan. Janjaweed sau đó được hợp nhất với Đơn vị Tình báo Biên giới, đến năm 2007 được đặt dưới quản lý của cơ quan tình báo Sudan, cuối cùng được Bashir giao cho tướng Dagalo chỉ huy vào năm 2013.

Khi làn sóng chống đối tổng thống Bashir nổ ra vào năm 2019, các đơn vị RSF từng bị cáo buộc xả súng vào người biểu tình ở Khartoum, khiến ít nhất 118 người chết. Dagalo sau đó quay sang hậu thuẫn quân đội đảo chính lật đổ Bashir, rồi trở thành phó chủ tịch Hội đồng Chủ quyền. Sau cuộc đảo chính lần hai vào năm 2021, chỉ huy RSF tiếp tục chấp nhận vị trí quyền lực số hai tại Sudan.

Burhan và Dagalo ngoài mặt tiếp tục bắt tay để duy trì quyền lực cho quân đội, hứa hẹn tạo điều kiện để Sudan tổ chức tổng tuyển cử trước cuối năm 2023 và khôi phục chính quyền dân sự. Nhưng trên thực tế, liên minh Dagalo – Burhan ngày càng rạn nứt vì tranh giành vai trò cầm trịch tổ chức bầu cử và vị thế hậu bầu cử, trong đó có kế hoạch sáp nhập RSF vào biên chế quân chính phủ.

Vị trí thủ đô Khartoum của Sudan. Đồ họa: Britannica

Vị trí thủ đô Khartoum của Sudan. Đồ họa: Britannica

Căng thẳng giữa hai phe tăng cao khi RSF bắt đầu triển khai các đơn vị vũ trang trên cả nước, trong đó có thủ đô Khartoum, mà không có sự đồng thuận của tướng Burhan.

Phe quân đội lo ngại RSF thực chất muốn tranh thủ kiểm soát thêm tài nguyên và nguồn lực kinh tế quốc gia, đặc biệt là các mỏ vàng, trước thềm tổng tuyển cử. Bản thân phe quân đội cũng không mấy mặn mà với lộ trình khôi phục chính quyền dân sự, khi viễn cảnh này buộc họ bàn giao quyền kiểm soát lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và các ngành kinh tế khác cho chính phủ mới.

RSF ngày 15/4 cáo buộc quân chính phủ nổ súng trước và tấn công một số căn cứ, đẩy họ vào tình thế buộc phải phản kích nhắm vào nhiều địa điểm chiến lược như dinh tổng thống, bộ tổng tham mưu quân đội và sân bay nhiều thành phố. Giao tranh nổ ra trên đường phố thủ đô Khartoum với không quân lẫn thiết giáp tham chiến.

Tướng Burhan cho rằng RSF mới là phe gây hấn trước và “âm mưu tiến hành đảo chính”. Ông cáo buộc tướng Dagalo tạo phản, chống lại đất nước, toan tính “bắt và giết” lãnh đạo quân đội. Đại diện RSF xác nhận lực lượng này lên kế hoạch bắt Burhan trong ngày 15/4 để buộc ông chịu trách nhiệm với “những tội ác phản quốc và chống lại nhân dân”.

Giao tranh lập tức đẩy Sudan vào khủng hoảng nhân đạo. Hàng triệu dân thường được khuyến cáo cố thủ trong nhà tránh đạn lạc. Yasir Yousif Elamin, chủ tịch Công đoàn Bác sĩ Sudan, cảnh báo hệ thống bệnh viện đang bên bờ vực sụp đổ vì thiếu vật tư y tế, thuốc men, ngân hàng máu cạn kiệt.

Tương lai xung đột tại Sudan vẫn là dấu hỏi lớn. Cả hai phe đều tuyên bố đang kiểm soát nhiều cứ điểm chiến lược. Giao tranh không chỉ diễn ra tại thủ đô Khartoum mà đã bùng lên ở nhiều thành phố khác.

Tướng Abdel Fattah Abdelrahman al-Burhan (trái), chỉ huy quân đội và lãnh đạo Hội đồng Chủ quyền, và tướng Mohamed Hamdan Dagalo, chỉ huy RSF, tại Khartoum vào tháng 9/2021. Ảnh: Anadolu

Tướng Abdel Fattah Abdelrahman al-Burhan (trái), tư lệnh quân đội Sudan, và tướng Mohamed Hamdan Dagalo, chỉ huy RSF, tại Khartoum vào tháng 9/2021. Ảnh: Anadolu

Giới quan sát cho rằng tương quan lực lượng giữa quân chính phủ và RSF khá cân bằng. Quân đội Sudan có biên chế khoảng 210.000-220.000 người cùng nhiều vũ khí hạng nặng, còn RSF có quân số khoảng 70.000 người, nhưng được trang bị tác chiến và huấn luyện tốt hơn.

Các tay súng và đội ngũ chỉ huy của RSF còn được đánh giá là thiện chiến hơn quân đội chính phủ, do đã trải qua nhiều chiến dịch ở Dafur và tham chiến tại Yemen trong liên quân do Arab Saudi dẫn đầu.

RSF cũng sở hữu mạng lưới khai thác và xuất khẩu vàng rộng lớn, mang lại nguồn thu lớn, giúp tướng Dagalo trả lương cho binh sĩ. Sau khi chứng kiến quân đội tiến hành hai cuộc đảo chính ở Sudan, Dagalo dường như quyết định đã đến lúc ra tay để “soán ngôi” Burhan để giành vị trí quyền lực nhất Sudan.

“Xung đột ở Sudan không phải đấu tranh giữa hai phe bất đồng về ý thức hệ hay tương lai đất nước, cũng không phải xung đột tôn giáo “, Christopher Tousel, phó giáo sư sử học tại Đại học Washington của Mỹ, nhận định. “Đây thực chất là cuộc đấu giữa hai người đàn ông không muốn mất quyền lực trong quá trình khôi phục chính quyền dân cử ở Sudan”.

Thanh Danh (Theo Vox, CNN, Al Jazeera, The Conversation)

Nguồn bài viết