Các ngân hàng khu vực tại Mỹ gặp khó khăn hơn sau khi SVB phá sản
Kiều Trang (P/V TTXVN Tại Washington)
Chủ nhật, ngày 30/04/2023 21:28 PM (GMT+7)
Aa
Aa+
Sự ổn định của các ngân hàng tại Mỹ bị tác động đáng kể sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản.
Sự ổn định của các ngân hàng tại Mỹ bị tác động đáng kể sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản, khi một số báo cáo của các ngân hàng trong tuần qua cho thấy các ngân hàng đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm ổn định dòng tiền gửi của các khách hàng, trong đó có việc tăng lãi suất tiền gửi cho khách hàng gửi tiết kiệm.
Động thái trên được cho là sẽ giúp tăng niềm tin cho các khách hàng, song cũng sẽ làm giảm doanh thu cho các ngân hàng do phải trả lãi tiền gửi nhiều hơn cho người gửi tiền. Tập đoàn tài chính Gitizens, ngân hàng lớn thứ 15 tại Mỹ nếu tính theo tài sản, cho biết, tăng trưởng doanh thu từ hoạt động cho vay của tập đoàn sẽ giảm một nửa so với dự báo trước đó. Các ngân hàng Truist hay Fifth Third được cho là cũng đã cắt giảm mục tiêu tăng trưởng doanh thu năm 2023.
Các ý kiến cho rằng bối cảnh trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay đã rất khác so với các dự báo được đưa ra năm ngoái. Khi đó, các nhà phân tích đều kỳ vọng việc lãi suất tăng lên từ mức thấp nhất trong lịch sử sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho các tổ chức tài chính cho vay trên cơ sở tăng phí các khoản vay. Việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng mạnh lãi suất, lạm phát tăng cao kéo dài và việc SVB phá sản gần đây đã khiến khách hàng gửi tiền chuyển tiền vào các quỹ thị trường tiền tệ nhằm tìm kiếm mức lãi suất tốt hơn.
Trong bối cảnh đó, các tổ chức tài chính cho vay dự kiến sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Số liệu của Fed cho thấy khách hàng đã rút gần 600 tỷ USD tiền gửi từ tất cả các ngân hàng Mỹ trong quý I/2023. Các ngân hàng khu vực, quy mô nhỏ đang gặp nhiều thách thức và cạnh tranh trong việc giữ nguồn tiền gửi so với các đối thủ lớn hơn. Bốn ngân hàng lớn nhất nước Mỹ gồm JPMorgan Chase, Bank of America, Wells Fargo và Citigroup nắm giữ khoảng 45% tổng số tiền gửi ngân hàng ở Mỹ, song chỉ chiếm 10% lưu lượng tiền được rút ra.
Dù vậy, nhiều ý kiến cũng đánh giá các ngân hàng khu vực tại Mỹ về cơ bản đã hoạt động tốt hơn lo ngại và đã chuẩn bị tốt để vượt qua giai đoạn khó khăn, các thách thức và khó khăn sẽ đến từ tăng trưởng doanh thu giảm, chứ không phải khả năng thanh toán tiền gửi cho khách hàng.
Trong báo cáo Beige Book (Sách Be) phát hành tuần trước để chuẩn cho cuộc họp chính sách của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) trong tháng Năm tới, Fed cho biết nền kinh tế Mỹ bị đình trệ trong những tuần gần đây với việc tuyển dụng và lạm phát chậm lại và khả năng tiếp cận tín dụng bị thu hẹp. Theo Beige Book, các hoạt động kinh tế nói chung ít thay đổi, tại một số khu vực các ngân hàng đã thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay trong bối cảnh gia tăng sự không chắc chắn và lo ngại về tính thanh khoản. Mức giá chung tăng vừa phải, mặc dù tốc độ tăng giá dường như đang chậm lại. Chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm 2/3 nền kinh tế Mỹ, được coi là không đổi hoặc giảm nhẹ, tiền lương vẫn tăng nhưng cho thấy một số điều tiết và thị trường lao động có dấu hiệu nới lỏng.
Beige Book cũng củng cố khả năng các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ tạm dừng đợt tăng lãi suất sau khi tăng 25 điểm cơ bản dự kiến tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 2-3/5 tới, đồng thời làm tăng thêm mối lo ngại về việc nền kinh tế đang rơi vào suy thoái như dự báo của các nhà kinh tế của Fed tại cuộc họp tháng Ba.
Bộ Tài chính Mỹ đề xuất các công cụ mới để xác định các nguy cơ trong hệ thống tài chính Mỹ. Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính vừa bỏ phiếu thông qua một khuôn khổ mới về ổn định tài chính và đưa lên xin ý kiến công chúng. Kế hoạch này sẽ giúp người dân Mỹ minh bạch hơn về hoạt động của Hội đồng và cách thức Hội đồng xác định các vấn đề trong hệ thống tài chính. Đây là các biện pháp đầu tiên mà Hội đồng đưa ra sau sự sụp đổ của các ngân hàng SVB và Signature Bank, các vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất tại Mỹ kể từ năm 2008.
Các nhà hoạch định chính sách đều cho rằng lạm phát hiện vẫn còn quá cao và Fed còn nhiều việc phải làm, nhưng cũng lo ngại rằng các vụ sụp đổ ngân hàng vừa qua sẽ làm chậm tốc độ phát triển kinh tế. Do đó, FOMC đang đứng trước hai khả năng là sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản hoặc lùi việc tăng lãi suất sang cuộc họp giữa tháng Sáu.
Chủ tịch Fed tại New York kiêm Phó Chủ tịch FOMC, John Williams, cho rằng vẫn còn sớm để đánh giá việc tăng lãi suất sẽ tác động đến đâu và trong bao lâu đến hệ thống tài chính và ông sẽ theo dõi sát tiến triển của các điều kiện tín dụng và các hệ quả có thể có đối với nền kinh tế. Nếu hệ thống ngân hàng không bị ảnh hưởng lớn và thị trường lao động vẫn vững mạnh thì nhiều ý kiến cho rằng các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ quyết định tăng lãi suất để kiểm chế lạm phát dai dẳng.
Các quan chức sẽ có thêm nhiều dữ liệu vào cuối tháng này khi biên bản cuộc họp tháng Tư của Fed được công bố./.