Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ ngày 5/5 cho biết Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dự định sẽ tuyên bố trước cuộc họp các bộ trưởng tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào tuần tới rằng hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn ổn định và triển vọng kinh tế toàn cầu hiện đang tốt hơn so với mùa Thu năm ngoái.
Chuyến công du của bà Yellen tới Nhật Bản để tham dự cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương G7 được lùi lại để cho phép bà tiếp tục làm việc với Quốc hội Mỹ nhằm nâng trần nợ của Mỹ và tránh một vụ vỡ nợ chưa từng có, được coi như “thảm họa” đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã triệu tập các nhà lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội vào ngày 2/5 để giải quyết vấn đề trên.
Quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói trên cho biết sự thay đổi trong kế hoạch công du sẽ cho phép bà Yellen tiếp tục tham gia vào vấn đề trần nợ của Mỹ và tham dự cuộc họp G7 ở Niigata từ ngày 11-13/5.
Bà Yellen sẽ tới Nhật Bản trong bối cảnh áp lực giảm mới đối với cổ phiếu của các ngân hàng Mỹ lại dấy lên sau sự sụp đổ của First Republic Bank và những khó khăn của PacWest Bancorp khiến các nhà đầu tư thêm lo lắng về lĩnh vực này.
Tuy nhiên, cổ phiếu ngành ngân hàng đã tăng trở lại vào ngày 5/5.
Theo tính toán của Reuters, giá trị vốn hóa thị trường của 16 ngân hàng quy mô trung bình của Mỹ đã giảm hơn 57 tỷ USD kể từ cuối tuần trước do lo ngại mới về sự ổn định của ngành.
Đồng thời, chính quyền Tổng thống Biden vẫn bất đồng quan điểm với các đảng viên đảng Cộng hòa, đang kiểm soát Hạ viện Mỹ, vì họ từ chối bỏ phiếu về việc nâng mức trần nợ công.
Tổng thống Biden hồm 5/5 đã tìm cách kêu gọi các đảng viên Cộng hòa “thiện chí hơn” để thúc đẩy tăng giới hạn nợ và tạo khoảng cách với những đảng viên khác của đảng Cộng hòa vốn ủng hộ việc cắt giảm “mạnh tay” ngân sách chính phủ.
Quan chức này cho biết thêm rằng bà Yellen sẽ vẫn tham gia đầy đủ vào các cuộc đàm phán về nợ công ngay cả trong chuyến công du tới Nhật Bản.
Quan chức này nói thêm, cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ là một chủ đề quan trọng khác tại các cuộc họp, cùng với nỗ lực của các nước G7 nhằm xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt hơn, bao gồm cả giữa các nước có thu nhập thấp và trung bình, thông qua các sáng kiến như “friendshoring” (hành động sản xuất và tìm nguồn cung ứng từ các quốc gia là đồng minh địa chính trị) và sáng kiến “Đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu” (PGII) trị giá 600 tỷ USD./.