Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng phương án cải cách tiền lương, trong đó tăng mức lương thấp nhất khu vực công bằng lương tối thiểu vùng của lao động tại các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có báo cáo gửi Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Bà Trà cho biết, lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã được hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền. Các phương án đề xuất triển khai đồng bộ với chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết 27.
Trong đó, Bộ đề xuất tăng mức lương thấp nhất khu vực công bằng lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp; mở rộng quan hệ tiền lương; sắp xếp lại các chế độ phụ cấp và cơ cấu lại tỷ lệ giữa lương cơ bản và phụ cấp; bổ sung quỹ tiền thưởng.
Những năm tiếp theo, mức lương thấp nhất cũng phải điều chỉnh để bù trượt giá và cải thiện theo mức tăng trưởng GDP đến khi cao hơn mức lương thấp nhất vùng 1 (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, căn cứ tình hình kinh tế – xã hội và kết quả phục hồi sau Covid-19 và khả năng cân đối ngân sách, Bộ đã xây dựng báo cáo lộ trình cải cách tổng thể chính sách tiền lương sau năm 2023, trình cấp có thẩm quyền xem xét để cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ có văn bản thực hiện.
“Bộ Nội vụ và Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định mức lương cơ sở với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang”, bà Trà cho hay.
Bộ Nội vụ cũng phối hợp Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho diện được ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công đảm bảo không thấp hơn chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị; tăng 20,8% chi phí an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có năng lực thôi việc, Bộ Nội vụ đề nghị địa phương kịp thời nắm bắt nguyện vọng của họ; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Bộ quản lý các ngành, lĩnh vực được đề nghị hoàn thiện quy định xã hội hóa, định mức kinh tế – kỹ thuật, chi phí để ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách, từ đó có phương án tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương, việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang dự kiến thực hiện vào tháng 7/2021. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, chủ trương này liên tục phải lùi. Tháng 11/2021, Quốc hội đồng ý lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương, đồng thời chưa nâng lương cho người thu nhập thấp, mới đi làm trong năm 2022; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.
Tại kỳ họp tháng 11/2022, Quốc hội yêu cầu Chính phủ trong năm 2023 trình cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27.