Khủng hoảng trần nợ làm lung lay vị thế Mỹ

Tổng thống Biden tuyên bố với thế giới “Mỹ đã trở lại” sau nhiều biến động chính trị thời Trump, song cam kết này đang lung lay giữa khủng hoảng trần nợ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định cắt ngắn chuyến công du châu Á, khi tới Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh G7 nhưng sẽ hủy lịch trình thăm Australia và Papua New Guinea, đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Ông cần nhanh chóng trở lại Nhà Trắng, bởi cuộc khủng hoảng trần nợ vẫn chưa được giải quyết.

Ông Biden ngày 16/5 cho biết đã có cuộc thảo luận “hiệu quả” với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cùng các lãnh đạo quốc hội khác về nâng trần nợ công. Trong khi đó, ông McCarthy nói các cuộc đàm phán “hữu ích hơn một chút” so với các vòng trước, nhưng vẫn chưa tháo gỡ được cuộc khủng hoảng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 5/5. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 5/5. Ảnh: AFP

Mỹ hồi tháng 1 chạm trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD do quốc hội thiết lập, buộc Bộ Tài chính phải triển khai các biện pháp đặc biệt để duy trì chính phủ hoạt động. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 15/5 cảnh báo Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 1/6, nếu không thể đạt thỏa thuận nâng trần nợ.

“Là một nhà kinh tế, tôi biết vỡ nợ quốc gia sẽ có hậu quả thực tế. Ngay cả mối đe dọa vỡ nợ cũng tác động tới kinh tế. Vào tháng 8/2021, viễn cảnh về khả năng vỡ nợ đã khiến Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia, làm tổn hại uy tín tài chính của Mỹ”, Michael Humphries, phó khoa Quản trị Kinh doanh của Đại học Touro ở Mỹ, nói.

Một trong những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra khi Mỹ vỡ nợ là sự sụp đổ của đồng đôla. Hiện tại, hơn một nửa thương mại thế giới, từ dầu mỏ đến ôtô hay điện thoại thông minh, đều giao dịch bằng đồng USD.

Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới có thể trả nợ nước ngoài bằng đồng tiền riêng của họ, cho phép chính phủ và các công ty Mỹ có không gian hoạt động rộng lớn trong thương mại và tài chính quốc tế. Cho dù chính phủ Mỹ nợ các nhà đầu tư nước ngoài bao nhiêu, họ chỉ cần in số tiền cần thiết để trả cho họ, theo Humphries.

Nếu Mỹ rơi vào cảnh vỡ nợ, đồng USD có thể sẽ mất vị trí đơn vị tài khoản quốc tế, buộc chính phủ và các công ty Mỹ phải thanh toán các hóa đơn quốc tế bằng loại tiền tệ khác.

Sự thống trị của đồng USD đồng nghĩa thương mại quốc tế phải đi qua ngân hàng Mỹ. Đây là một trong những cách quan trọng giúp Mỹ có quyền lực chính trị to lớn, đặc biệt để trừng phạt các đối thủ kinh tế và các nước thiếu thân thiện.

Khi tổng thống Mỹ Donald Trump áp các biện pháp trừng phạt kinh tế với Iran, ông đã ngăn nước này tiếp cận các ngân hàng Mỹ và đồng USD. Ông cũng áp các lệnh trừng phạt thứ cấp, nghĩa là công ty không phải của Mỹ sẽ bị trừng phạt nếu giao dịch với Iran. Khi phải lựa chọn giữa tiếp cận đồng USD hoặc giao dịch với Iran, hầu hết các nền kinh tế thế giới đã chọn đứng về phía Mỹ và tuân thủ các lệnh trừng phạt. Điều này khiến kinh tế Iran rơi vào suy thoái sâu và đồng tiền giảm 30% giá trị.

Tổng thống Biden đã làm điều tương tự với Nga để đáp trả chiến dịch ở Ukraine. Hạn chế khả năng tiếp cận đồng USD đã khiến nền kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn.

“Không quốc gia nào khác hiện có thể đơn phương áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế đau đớn như vậy đối với một nước khác. Tất cả những gì tổng thống Mỹ cần chỉ là một cây bút”, Humphries nói.

Do đó, khi Mỹ vỡ nợ, vị thế mạnh mẽ trên trường quốc tế của Mỹ có thể bị lung lay, theo giới quan sát.

Một hậu quả khác của việc đồng USD sụp đổ là nâng cao vị thế cho Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Mỹ. Nếu euro thay thế USD trở thành đơn vị thanh toán quốc tế, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có thể leo lên vị trí thứ hai. Khi đồng nhân dân tệ được nâng tầm, vị thế quốc tế của Trung Quốc về kinh tế và chính trị sẽ gia tăng, theo Humphries.

Trung Quốc đã làm việc với các nước trong khối BRIC gồm Brazil, Nga và Ấn Độ để chấp nhận nhân dân tệ như đơn vị giao dịch. Khi ba nước này đều không hài lòng với sự thống trị về kinh tế và chính trị Mỹ, vụ vỡ nợ có thể thúc đẩy điều đó.

Ngoài ra, Arab Saudi gần đây cũng cho biết họ sẵn sàng giao dịch dầu mỏ bằng loại tiền tệ khác ngoài USD.

Các chuyên gia tài chính đã nhận thấy một số dấu hiệu ban đầu cho thấy nền kinh tế thế giới bắt đầu giảm phụ thuộc vào USD, khi một số quốc gia như Brazil và Malaysia kêu gọi các nước giao dịch thường xuyên hơn bằng các loại tiền tệ khác. Khoảng 60% trao đổi ngoại tệ vẫn bằng USD, nhưng một vụ vỡ nợ của chính phủ Mỹ có thể thay đổi điều đó.

Ngồi từ trái sang lần lượt là lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, Phó tổng thống Kamala Harris, Tổng thống Joe Biden, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Hakeen Jeffries trong cuộc họp về nâng trần nợ công tại Nhà Trắng ngày 16/5. Ảnh: AFP

Tổng thống Biden và các lãnh đạo quốc hội Mỹ thảo luận về nâng trần nợ công tại Nhà Trắng ngày 16/5. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Tài chính Yellen tuần trước cảnh báo vỡ nợ “có nguy cơ làm suy yếu vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và đặt ra câu hỏi về khả năng bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi”.

Jeff Stein, nhà phân tích của Washington Post, cho biết uy tín của các chính phủ gắn liền một phần với khả năng ứng phó khủng hoảng. Việc vỡ nợ có thể sẽ gây hoài nghi về năng lực của chính phủ Mỹ không chỉ trong ứng phó với tình huống hoài khẩn cấp, mà còn liên quan tới một trong những chức năng cơ bản nhất: thanh toán các hóa đơn.

Nếu Mỹ không thể làm được điều đó, người dân và lãnh đạo các nước khác có thể đặt câu hỏi liệu còn vấn đề gì khác mà Washington không thể kiểm soát.

“Nó sẽ làm xói mòn niềm tin toàn cầu vào hệ thống chính trị của chúng tôi. Bởi một phần vị thế của Mỹ trên thế giới dựa vào niềm tin quốc tế rằng hệ thống chính trị của chúng tôi hiệu quả. Khủng hoảng sẽ khiến nhiều người không còn nghĩ như vậy”, Daniel Bergstresser, phó giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Quốc tế của Đại học Brandeis ở Mỹ, nhận định.

Rủi ro chính trị khi ông Biden công du châu Á chỉ hai tuần trước thời điểm Mỹ có nguy vỡ nợ có thể rất lớn, theo Stephen Collinson, nhà phân tích của CNN. Nếu các cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và quốc hội trong vài ngày tới thất bại, đảng Cộng hòa có thể sẽ cáo buộc ông Biden quan tâm tới các vấn đề đối ngoại hơn chính người Mỹ.

Tuy nhiên, nếu ông Biden không tham dự hội nghị G7, đó sẽ là thảm họa với chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt vào thời điểm ông muốn tận dụng sự kiện để củng cố hỗ trợ toàn cầu cho Ukraine trước chiến dịch phản công lớn được kỳ vọng.

Ông Biden nói với các phóng viên rằng “bản chất của tổng thống là giải quyết nhiều vấn đề quan trọng cùng lúc”. Nhà Trắng cũng bảo vệ quyết định công du châu Á của ông Biden, cho rằng Tổng thống có thể xử lý các nhiệm vụ quan trọng ở bất cứ đâu trên thế giới.

Dù vậy, quyết định hủy lịch trình thăm Australia của ông Biden cũng đã lập tức gây ảnh hưởng tiêu cực, khi hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ Tứ ở Sydney với lãnh đạo Nhật Bản, Australia và Ấn Độ cũng bị hủy.

“Các nhà ngoại giao châu Á đã đặt cược vào sự xuất hiện trực tiếp của Tổng thống Mỹ để củng cố tuyên bố Washington là cường quốc khu vực quan trọng. Chuyến đi của ông Biden tới Nhật Bản sẽ được đánh giá cao, nhưng lịch trình bị cắt gọn vẫn là đòn giáng mạnh vào uy tín của Mỹ và sẽ làm tăng lo ngại rằng những bất đồng chính trị ở Washington sẽ đe dọa sức mạnh toàn cầu của nước Mỹ”, Collinson cho hay.

Trong khi đó, Global Times, tờ báo thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 17/5 đăng bài xã luận cho rằng quyết định hủy thăm Australia và Papua New Guinea của ông Biden “làm xói mòn độ tin cậy của Mỹ”. “Khi các vấn đề trong nước lấn át chương trình nghị sự chính trị, Mỹ có thể dễ dàng quay lưng với cam kết của mình”, Global Times nhấn mạnh.

Thanh Tâm (Theo CNN, Washington Post, The Conversation)

Nguồn bài viết