Mỹ thừa nhận các lệnh trừng phạt đe dọa quyền bá chủ của đồng USD

Xu hướng phi đô la hóa đang diễn ra mạnh trên toàn cầu cầu

Trong lần xuất hiện thường niên vào thứ Ba trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ nhằm thảo luận về tình trạng của hệ thống tài chính quốc tế, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen thừa nhận các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang thúc đẩy nhiều quốc gia tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho đồng USD.

Khi được hỏi về nguy cơ phi đô la hóa, bà Yellen thừa nhận rằng việc sử dụng đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu đang giảm dần. “Không có gì đáng ngạc nhiên khi các quốc gia đang lo sợ rằng họ có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ, điều đó đang giúp nhiều các quốc gia khác tìm kiếm các giải pháp thay thế cho đồng USD. Đó là điều mà chúng ta phải chấp nhận”, bà Yellen nói.

Khi được Hạ nghị sĩ Vicente Gonzalez hỏi liệu Mỹ có nên giảm bớt việc sử dụng các biện pháp trừng phạt trong chính sách đối ngoại của mình hay không vì ngay cả các quốc gia đồng minh truyền thống, chẳng hạn như Pháp, đã và đang thực hiện các giao dịch không sử dụng đồng USD, bà Yellen, cho rằng đối với hầu hết các quốc gia mà bà thấy “không có cách giải quyết nào có ý nghĩa” để sử dụng đồng USD. Bà Yellen cũng thừa nhận rằng có sự đa dạng hóa ngày càng tăng khỏi đồng bạc xanh trong các tài sản dự trữ toàn cầu, nhưng bà cũng đặt niềm tin với tuyên bố rằng đồng USD có khả năng duy trì vị thế là đồng tiền thống trị.


“Theo thời gian, chúng ta nên mong đợi tỷ lệ các tài sản khác tăng dần trong quỹ dự trữ của các quốc gia, một mong muốn tự nhiên để đa dạng hóa… Nhưng đồng USD vẫn đóng vai trò của nó trong hệ thống tài chính thế giới vì những lý do rất chính đáng mà không quốc gia nào khác có thể bắt chước… Sẽ không dễ dàng cho bất kỳ quốc gia nào tìm ra cách xoay chuyển đồng USD”, bà Yellen nói. Đồng thời, bà cũng lưu ý rằng trong số những điểm mạnh chính của đồng USD là “thị trường tài chính mở có tính thanh khoản cao, luật pháp mạnh mẽ và không có sự kiểm soát vốn”, điều mà theo bà Yellen là “không quốc gia nào có thể bắt chước được”.

Việc Washington sử dụng rộng rãi các biện pháp trừng phạt đã khiến ngày càng nhiều quốc gia bắt đầu rời xa đồng bạc xanh trong các dàn xếp thương mại trong năm qua. Ví dụ, các biện pháp trừng phạt liên quan đến Ukraine đối với Nga, đóng băng một nửa dự trữ và hạn chế khả năng thực hiện các giao dịch của các ngân hàng Nga thông qua hệ thống nhắn tin SWIFT, buộc Moscow phải chuyển sang sử dụng tiền tệ quốc gia trong các khoản thanh toán với các đối tác nước ngoài.

Trung Quốc, quốc gia đang đấu tranh với Washington về kiểm soát xuất khẩu, cũng đã tăng tỷ trọng nhân dân tệ trong các thỏa thuận thương mại. Gần như toàn bộ giao dịch năng lượng giữa Nga và Trung Quốc hiện được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ, trong khi công ty dầu khí quốc gia CNOOC của Trung Quốc gần đây đã hoàn thành giao dịch khí LNG thanh toán bằng đồng nhân dân tệ đầu tiên với TotalEnergies của Pháp.

Bùi Đậu

Theo RT News