Tại tờ trình gửi Bộ GTVT và Bộ Tài chính, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất điều chỉnh mức giá dịch vụ đăng kiểm từ 26-28%, Nhà nước sẽ định giá tối đa. Điều này đồng nghĩa với việc các trung tâm đăng kiểm được tự đưa ra giá cho dịch vụ này.
Trước đề xuất này, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Sáng 4/7, trao đổi với VietNamNet, ông Trần Nguyên Sinh, phụ trách Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29.08D (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) kiến nghị, nên có một mức giá cố định cho dịch vụ đăng kiểm.
“Nếu chỉ quy định giá trần rồi để thả nổi thì các đơn vị đăng kiểm sẽ tự giảm giá xuống. Điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Sẽ có những cơ sở chấp nhận không lợi nhuận, giảm giá bù lỗ để lôi kéo khách hàng”, ông Sinh lo ngại.
Theo ông Sinh, giá dịch vụ đăng kiểm hiện nay đã không mang lại hiệu quả. Theo tính toán thực tế tại cơ sở để đảm bảo mức thu chi thì mức phí kiểm định phải tăng so với giá hiện hành khoảng 40- 50%.
“Thế nhưng đề xuất mới đây nhất chỉ cho phép tăng 26- 28% cũng đã là khó khăn cho doanh nghiệp rồi.
Tiếp đến Thông tư 08 được ban hành cho phép kéo giãn chu kỳ đăng kiểm cho hàng triệu xe gia đình không kinh doanh vận tải cũng khiến cơ sở đăng kiểm tiếp tục đối diện khó khăn.
Nếu tiếp tục thả nổi giá nữa chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động tại cơ sở đăng kiểm, bởi bản chất doanh nghiệp nếu hoạt động không hiệu quả thì đương nhiên người lao động không thể có cuộc sống đảm bảo”, ông Sinh nói.
Ủng hộ việc Nhà nước quy định mức giá trần nhưng ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng các yếu tố cấu thành giá trong đó có mức chi đầu vào của các trạm đăng kiểm khác nhau. Ví dụ như tiền điện, nước, mặt bằng, khấu hao máy móc, nhân công, vật tư – vật liệu… có sự khác nhau giữa các vùng miền.
Vì vậy, quy định một mức giá cứng trên toàn quốc sẽ không còn phù hợp, cần có một khoảng để các doanh nghiệp đăng kiểm tùy theo từng khu vực, từng thời điểm để đưa ra mức giá phù hợp.
“Giá đăng kiểm sẽ linh động theo từng thời điểm, từng khu vực. Giá dịch vụ đăng kiểm có thể thay đổi sau 3, 6 tháng hay lâu hơn tùy thuộc vào biến động giá đầu vào”, ông Quyền đề xuất.
Tuy nhiên, ngoài việc nhà nước áp giá trần, ông Quyền đề xuất nên quy định mức giá sàn. “Nếu không quy định mức giá sàn liệu có xảy ra hiện tượng các cơ sở đăng kiểm hạ giá quá thấp để thu hút xe kiểm định?
Bởi vì giá thấp nhưng thu hút số lượng xe vào kiểm định nhiều lên thì vẫn đảm bảo tăng doanh thu theo kỳ vọng của họ trong chiến lược cạnh tranh.
Do đó, tôi đề nghị các cơ quan xây dựng văn bản nên nghiên cứu đánh giá thêm sự cần thiết về việc quy định mức giá sàn đối với dịch vụ đăng kiểm”, ông Quyền kiến nghị.
Trước lo ngại, nếu không quy định giá sàn có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam nhìn nhận: Giống như giá vé máy bay, không quy định giá sàn sẽ tạo tính cạnh tranh giữa các đơn vị, từ đó có lợi cho người tiêu dùng.
“Nếu cạnh tranh không lành mạnh đã có Luật Cạnh tranh xử lý”, ông Thoả nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Thoả lưu ý, theo quy định hiện hành tại Nghị định 149/2016, giá dịch vụ đăng kiểm thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính quyết định mức giá cụ thể (không có giá tối đa hay tối thiểu).
Do đó, nếu Cục Đăng kiểm muốn thay đổi hình thức định giá từ giá cụ thể sang giá trần thì Bộ GTVT và Bộ Tài chính phải trình Chính phủ sửa Nghị định 149.
Hiện nay giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo hình thức giá cụ thể, không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền định giá dịch vụ này.
Mặt khác, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo từng khu vực, vùng miền sẽ có chi phí cấu thành giá dịch vụ khác nhau (thuê đất, chi phí nhân công, khấu hao thiết bị, chi phí quản lý…).
Tờ trình của Cục Đăng kiểm Việt Nam nêu: “Về nguyên tắc kinh tế thị trường, Nhà nước không nên cố định một mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới cho nhiều loại hình đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới trên toàn quốc.
Vì vậy, việc áp dụng hình thức Nhà nước định giá cụ thể đối với giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong bối cảnh đã xã hội hóa lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành là không còn phù hợp.
Hơn thế, ngày 19/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi), trong đó quy định hình thức Nhà nước định giá đối với dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới là Nhà nước định giá tối đa.
Do đó, để tăng cường tính tự chủ của các doanh nghiệp, tăng tính cạnh tranh của thị trường, đồng thời thống nhất với quy định tại Luật Giá (sửa đổi), Cục kiến nghị Bộ GTVT xem xét, thống nhất với Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ chấp thuận áp dụng hình thức Nhà nước định giá tối đa đối với dịch vụ kiểm định xe cơ giới”.
Theo N.Huyền (VietNamNet)