Việc tổ chức các chuyến bay cứu hộ, để “không ai bị bỏ lại phía sau” thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân. Đáng tiếc, sau đó cơ quan điều tra đã làm rõ một loạt sai phạm trong việc thực hiện.
Sau khi tổ chức thành công đưa 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán, Trung Quốc về Việt Nam vào tháng 3/2020, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện các “chuyến bay giải cứu” theo hình thức: Công dân thuộc diện ưu tiên được về trên các chuyến bay do cơ quan Nhà nước phối hợp tổ chức thực hiện và cách ly tại cơ sở quân đội. Công dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không phải trả tiền chi phí cách ly (gọi tắt là chuyến bay giải cứu).
Do kinh phí dành cho việc cách ly của người dân tại các cơ sở quân đội có hạn, để khắc phục tình trạng này, Chính phủ có quy định về việc thu một số chi phí của công dân tại các cơ sở cách ly quân đội.
Sau đó, Chính phủ cho phép tổ chức thí điểm 10 chuyến bay công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (gọi tắt là chuyến bay combo). Khi thí điểm thành công, Chính phủ tiếp tục cho phép tổ chức các chuyến bay combo song song với những “chuyến bay giải cứu” đến hết tháng 1/2022.
Thực hiện chủ trương trên của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức được trên 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 người dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.
Làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay
Kết luận điều tra chỉ ra rằng, ở quá trình cấp phép chuyến bay công dân tự trả phí, những cá nhân có nhiệm vụ, quyền hạn trong nước đã tạo thành “nhóm lợi ích”.
Cụ thể, các cá nhân có thẩm quyền thuộc Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã không minh bạch về quy trình tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay, buộc họ phải tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ và thỏa thuận về chi phí đưa hối lộ cho những cá nhân được giao nhiệm vụ tập hợp đề xuất cấp phép chuyến bay.
Đối với các doanh nghiệp chưa tiếp xúc, thỏa thuận đưa hối lộ, các bị can sẽ gây khó dễ với nhiều hình thức.
Theo số liệu thống kê, có khoảng hơn 100 doanh nghiệp được cấp phép thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Nhưng thực tế chỉ có khoảng 20 nhóm doanh nghiệp thực sự là đơn vị triển khai khi được duyệt.
Số còn lại là doanh nghiệp cho mượn pháp nhân hoặc đứng ra xin cấp phép chuyến bay, sau đó bán quyền được tổ chức các chuyến bay cho doanh nghiệp khác thực hiện.
Vì vậy, khi bị yêu cầu hoặc bị gây khó, các đối tượng đại diện doanh nghiệp đã trực tiếp hoặc qua trung gian đưa tiền số lượng lớn cho những người có nhiệm vụ, quyền hạn.
25 người đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng và gây thiệt hại 10 tỷ đồng. 23 người là đại diện doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 người môi giới hối lộ gần 75 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt gần 25 tỷ đồng.
“Danh sách đen”
Trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, có 21 người bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ. Những cái tên phải kể đến như ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bị cáo buộc đã nhận hối lộ hơn 21,5 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng; ông Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự nhận hối lộ hơn 12 tỷ đồng; ông Nguyễn Hồng Hà, cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng;
Ông Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 4,2 tỷ đồng; ông Phạm Trung Kiên, cựu cán bộ, Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ số tiền hơn 42,6 tỷ đồng; ông Vũ Hồng Nam, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhận hối lộ hơn 1,8 tỷ đồng; ông Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã nhận hối lộ số tiền hơn 2 tỷ đồng; ông Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận hối lộ 5 tỷ đồng…
Kết quả điều tra cho thấy, từ ngày 7/5/2021 đến khi bị khởi tố bị can, bắt tạm giam (ngày 22/12/2022), ông Chử Xuân Dũng làm Phó Ban chỉ đạo Công tác phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội. Từ tháng 4-12/2021, ông Chử Xuân Dũng ký 66 văn bản đồng ý cho 16 công ty được đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về cách ly, nhưng chỉ có 13 công ty thực hiện việc này. Kết quả điều tra đến nay xác định, ông Dũng đã nhận tiền của 2 cá nhân để duyệt ký đồng ý cấp phép cho 4 công ty được đưa công dân về cách ly tại Hà Nội.
Ông Trần Văn Tân, với vai trò là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trong thời gian được giao nhiệm vụ giải quyết công việc liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid, đã 9 lần cầm tiền hối lộ của doanh nghiệp…
“Chuyến bay giải cứu” là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Vụ án xảy ra làm giảm sút lòng tin của người dân, tạo sơ hở để các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.
Đến nay, hành vi phạm tội của các bị can được làm rõ. Cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị truy tố các bị can. Việc định tội sẽ được tòa án xem xét.
Theo Thái An – T.Nhung (VietNamNet)