Ngày 10/7, VnExpress dẫn lời bác sĩ Trần Huy Thọ, Phó giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Trung ương, cho biết bệnh nhân đến khám đầu tháng 7 trong tình trạng cơ thể suy nhược.
Chị cho biết hai năm gần đây thường xuyên đi ngoài ra đốt sán, mỗi lần ra từng đoạn vài mét nhưng không hết hẳn, thỉnh thoảng có đốt sán rụng. Bệnh nhân thường xuyên ăn các loại rau sống, uống nước có nguồn từ ao, hồ. Xét nghiệm chẩn đoán người bệnh nhiễm sán dây bò, chỉ định dùng thuốc xổ. Sau gần ba giờ, bệnh nhân thải con sán dài khoảng 9 mét ra ngoài.
“Đây là một trong những trường hợp xổ ra sán dài nhất bệnh viện từng tiếp nhận”, bác sĩ nói, thêm rằng thói quen ăn uống kém vệ sinh là nguyên nhân khiến người bệnh nhiễm sán.
Trao đổi với Dân Trí, bác sĩ Thọ nhận định nhiễm sán dây bò là tình trạng nguy hiểm, tuyệt đối không được chủ quan. Khi sán dây bò vào cơ thể thường ký sinh ở hệ tiêu hóa. Tại đây, sán hút các chất bổ dưỡng và phát triển, chúng tồn tại lâu dài vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non.
Sán dây bò chiếm thức ăn làm suy yếu cơ thể, đồng thời gây tổn thương tại ruột, viêm ruột, rối loạn tiêu hóa…
“Nguy hiểm hơn, khi ấu trùng sán di chuyển lên não và làm tổ, gây động kinh, liệt”, BS Thọ nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, sán dây trưởng thành ký sinh trong cơ thể người sẽ phát triển dần bằng cách nảy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng nghìn đốt sán mới.
Sán dây phát triển trong cơ thể người có thể lên đến 12m. Mỗi đốt sán có khoảng 50.000 trứng.
Một số triệu chứng cảnh báo nhiễm sán dây bò có thể kể đến như: đau bụng, ăn không ngon, sụt cân hoặc chóng mặt, đau đầu, thiếu máu, thậm chí là hạ huyết áp…
Rửa rau với nước muối không loại bỏ hoàn toàn giun sán
Đáng chú ý, theo BS Thọ, ngâm nước muối không tiêu diệt hay làm chết được giun sán có trong rau sống. Đặc biệt, các loại rau thủy sinh thì tuyệt đối không nên dùng để ăn sống.
BS Thọ phân tích: “Với các loại rau trên cạn như xà lách, rau mùi, các loại rau húng… tốt nhất nên rửa dưới vòi nước chảy để trứng giun sán (nếu có) trôi đi.
Bước tiếp theo sau khi rửa là ngâm rau với nước muối. Dưới tác dụng của nước muối trứng giun sán sẽ nổi lên và trước khi vớt rau phải dìm rau xuống, đổ nước đi, như vậy trứng giun sán sẽ trôi theo nước.
Tuy nhiên, đa số người dân khi ngâm rau với nước muối xong sẽ vớt trực tiếp lên khi chưa đổ nước, như vậy trứng giun sán nếu có nổi lên sẽ bám lại vào rau, ăn vào có thể gây bệnh”.
Bên cạnh ăn rau sống, chúng ta có thể nhiễm sán dây bò từ nhiều món ăn khoái khẩu khác.
Theo bác sĩ, nếu chúng ta ăn các món từ thịt, nội tạng bò, lợn chưa được nấu chín thì hoàn toàn có nguy cơ nhiễm sán.
Phở bò tái hoặc bò tái nhúng lẩu, bò bít tết tái là những món ăn khoái khẩu có thể khiến thực khách bị nhiễm sán. Ngoài ra, khi ăn nem chua nhưng chưa đủ độ chua cũng có thể khiến bạn đối mặt với nguy cơ này.
Để đề phòng khả năng nhiễm các loại giun sán, BS Thọ khuyến cáo người dân cần tuân thủ các nguyên tắc như:
– Vệ sinh ăn uống, không ăn thịt sống hoặc tái, không ăn thịt đã nhiễm bệnh.
– Thực hiện ăn chín, uống sôi.
– Phát hiện và tẩy sán kịp thời nếu bị nhiễm bệnh.
– Trường hợp có triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài ra đốt sán, cần đến cơ sở y tế để kiểm tra.
PN (SHTT)