Dự kiến ra mắt vào cuối tháng 7/2023, Barbie có sự góp mặt của dàn diễn viên: Margot Robbie, Ryan Gosling, Emma Mackey và Simu Liu. Barbie là tác phẩm được lấy cảm hứng từ những cô búp bê Barbie do hãng Mattel phát triển và được coi là một trong những bước ngoặt quan trọng nhất trong ngành công nghiệp búp bê.
Barbie được lấy cảm hứng từ những cô búp bê Barbie, dự kiến khởi chiếu vào tháng 7/2023 |
Qua trao đổi với truyền thông, Cục trưởng Cục Điện ảnh – ông Vi Kiến Thành cho biết Hội đồng duyệt phim quốc gia đã xem và quyết định không cho phim Barbie ra rạp. “Cục Điện ảnh đã ra quyết định cấm phát hành do phim có xuất hiện đường lưỡi bò”, ông Thành xác nhận.
Hiện tại, Barbie cũng đã biến mất khỏi danh sách “Phim sắp chiếu” thường xuyên được các nhà rạp cập nhật trên website.
Barbie bị cấm chiếu vì ‘đường lưỡi bò’ |
Trước đó, Barbie dự kiến được khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 21/7. Sau sự việc trên, tại website các hệ thống cụm rạp lớn, Barbie đã bị gỡ bỏ lịch chiếu. Theo chia sẻ của CGV, một trong những cụm rạp và nhà phát hành lớn nhất của Việt Nam, Barbie sẽ không chiếu tại các cụm rạp của họ. Galaxy – đơn vị phát hành phim tại Việt Nam, vẫn chưa phản hồi về sự việc.
Trước Barbie, nhiều phim cũng từng bị cơ quan chức năng xử lý do có hình ảnh đường lưỡi bò. Tháng 3/2022, phim Thợ săn cổ vật của Tom Holland bị cấm chiếu tại Việt Nam do có hình ảnh đường lưỡi bò.
Tháng 7/2021, Netflix Việt Nam đã gỡ 6 tập phim Pine gap sau khi cơ quan chức năng phát hiện có hình ảnh phi pháp.
Tháng 7/2020, đơn vị trên cũng gỡ bỏ những hình ảnh vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam trong phim Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta. Tháng 8/2020, phim Bà ngoại trưởng cũng có sai phạm tương tự.
Nhiều quốc gia phủ nhận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông |
Đường “lưỡi bò”, “chữ U” hay “đứt đoạn”… đều là cách gọi khác nhau mà các học giả trên thế giới dùng để chỉ yêu sách của Trung Quốc đối với 80% diện tích của biển Đông, được vẽ sát vào bờ của các quốc gia ven biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác định phù hợp với quy định Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982.
Theo đó, Việt Nam không công nhận bất kỳ yêu sách biển nào của Trung Quốc dựa trên cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông.