Disney luôn dẫn đầu cuộc chơi và khẳng định vị thế của mình với những bộ phim có doanh thu cao do Marvel, Lucasfilm và Pixar sản xuất. Tuy nhiên, thời gian gần đây chứng kiến sự xuống dốc của các tác phẩm do Disney đầu tư, với 4 phim mới ra mắt đều không cán mốc 1 tỷ USD.
Khởi đầu cho sự suy tàn của Disney
Ant-Man and the Wasp: Quantumania là nỗi thất vọng đầu tiên của hãng này. Đây là bộ phim đầu tiên của Marvel lỗ hàng chục triệu USD sau khi ra rạp. Nó cũng nhận về chỉ trích từ cả khán giả đại chúng lẫn người hâm mộ Marvel.
Live-action Nàng tiên cá được kỳ vọng sẽ giúp Disney phục hồi sau khoản lỗ đó nhưng vẫn không thể đạt doanh thu đáng mơ ước. Elemental của Pixar là một nỗ lực khác của Disney nhằm khôi phục lại những gì đã mất nhưng một lần nữa lại thất bại. Indiana Jones and the Dial of Destiny – phần mới của loạt phim thám hiểm ăn khách – với kinh phí sản xuất gần 300 triệu USD cũng không lôi kéo được khán giả hay fan cứng đến rạp.
Về lý thuyết, tất cả những bộ phim này đều chứa đựng những yếu tố cần thiết để thành công. Tuy nhiên, kết quả lại khác hoàn toàn với kỳ vọng.
Theo Variety, Guardian of the Galaxy Vol. 3 được kỳ vọng sẽ làm mưa làm gió tại các rạp với kinh phí 385 triệu USD. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014, Disney không có phim nào cán mốc doanh thu 1 tỷ USD (không tính hai năm đại dịch). Trong quá khứ, Disney từng tự hào với những bom tấn ăn khách như Black Panther: Wakanda Forever, Doctor Strange in the Multiverse of Madness và Avatar: The Way of Water – phim có doanh thu cao thứ ba mọi thời đại. Năm 2019, Disney đã tích lũy được 7 bộ phim vượt mốc 1 tỷ USD. Thời gian đã thay đổi và Disney phải đối mặt với một vấn đề đã bị trì hoãn từ lâu.
Điều gì đang khiến Disney thất bại?
Điều gì dẫn đến thất bại này? Đầu tiên, những bộ phim này đều nhận về phản hồi không mấy tích cực về mặt nội dung. Phần gần đây của Ant-Man đã bị chỉ trích nặng nề đến mức người xem bắt đầu đặt câu hỏi liệu bộ phim có cần thiết cho Vũ trụ Điện ảnh Marvel hay không.
Variety cũng chỉ ra một số vấn đề gây khó khăn cho Disney và “vương quốc phép thuật” của nó. Vấn đề đầu tiên là ngân sách. Trung bình một tác phẩm của Disney cần kinh phí sản xuất 200 triệu USD, cùng với các hoạt động quảng bá có khi lên tới hơn 100 triệu USD. Điều này có nghĩa là Disney có điểm hòa vốn cao hơn các hãng phim khác. Kinh phí này trước đây là hợp lý khi mỗi bộ phim của Disney có thể đạt doanh thu 1 tỷ USD. Giờ đây, thị trường lớn nhất của Disney – Trung Quốc – không còn là sự đảm bảo cho sự thành công của nó.
Một vấn đề khác cần xem xét là thị hiếu của công chúng. Khán giả xem Disney bây giờ không giống khán giả 10 năm trước. Nếu Disney tiếp tục thúc đẩy các phim thương mại có nội dung đơn điệu, thì gần như chắc chắn, theo phản ứng của công chúng và khán giả toàn cầu, hãng sẽ kết thúc với một sản phẩm thất bại khác.
Từ quan điểm trung lập, hầu hết các nhà sản xuất đang phải vật lộn với thực tế khắc nghiệt mới khi doanh thu phòng vé giảm khoảng 20% so với thời kỳ trước đại dịch. Tuy nhiên, việc chứng kiến sự sụp đổ của một công ty sản xuất lâu đời là một cú sốc đối với những người trong ngành và mang đến những lo lắng mới cho lĩnh vực này.
Một lối thoát tạm thời khác?
Bất chấp nhiều trở ngại phía trước, Disney vẫn khó bị ảnh hưởng từ việc mất doanh thu điện ảnh. Sau nhiều thập kỷ tồn tại, Disney có một khoản thu nhập béo bở khác từ hàng hóa và công viên giải trí. Lấy ví dụ, dù Nàng tiên cá không thể vượt mốc 500 triệu USD doanh thu phòng vé thì sự trở lại của Ariel vẫn khiến doanh số bán đồ chơi trên thị trường tăng vọt. Đây chính là giải pháp bù lỗ tạm thời của Disney.