Chồi cây mọc hoang bỗng hóa đắt đỏ, mỗi ký trên 23 triệu đồng

Từng là cây mọc hoang, bị bỏ đi, chồi hoa bia bỗng trở thành loại rau đắt đỏ hàng đầu thế giới, giá lên tới hàng chục triệu đồng/kg và được giới siêu giàu đổ xô săn lùng.

Trong các loại nông sản nổi tiếng, chồi hoa bia là một trong những loại rau đắt đỏ nhất thế giới.

Chồi hoa bia được bán với giá từ 1.000-1.500 USD (tương đương 23-35 triệu đồng) mỗi kg. Sở dĩ giá của chồi hoa bia cao đến như vậy là bởi sự khan hiếm của loại cây này.

Theo các chuyên gia, chồi hoa bia là những ngọn màu xanh lá cây của cây hoa bia – một loại cây được sử dụng để sản xuất đồ uống có cồn. 

Nhưng ít người biết rằng chồi hoa bia từng là cây mọc hoang dại tại một số nơi ở châu Âu, từ ven bờ sông đến vào tận trong rừng, khi đó ít ai để ý tới nó.

Chồi cây mọc hoang bỗng hóa đắt đỏ, mỗi ký trên 23 triệu đồng
Chồi hoa bia là những ngọn màu xanh lá cây của cây hoa bia.

Khi ngành công nghiệp bia trên thế giới mới phát triển, những chiếc chồi non này không thể nở ra hoa nên thường bị vứt bỏ và coi là vật phẩm thừa. Nhưng ngày nay, loại thảo mộc này đã trở thành một trong những loại nông sản vô cùng đắt giá.

Một trong những lý do khiến chồi hoa bia trở nên đắt đỏ là bởi chúng không có nhiều trên thị trường. Loại nông sản này mỗi năm chỉ nở 1 lần. Hoa bia chỉ đâm chồi chủ yếu vào mùa xuân, trong giai đoạn khoảng giữa tháng 2 và tháng 3.

Chồi hoa bia chủ yếu phát triển ở những vùng lạnh và cần khoảng 5 đến 6 tuần ở nhiệt độ gần như đóng băng để phát triển tối ưu. Chúng chủ yếu được trồng ở Hà Lan, Anh và Bỉ.

Hơn nữa, thời gian sống của chồi hoa bia không dài. Nếu không được thu hoạch kịp thời, chồi hoa bia có thể bị hỏng và không sử dụng được nữa. Thường người trồng sẽ tùy thuộc vào điều kiện thời tiết để có lịch thu hoạch hợp lý trong vòng 14 ngày kể từ khi hoa bia đâm chồi.

Không những vậy, quá trình thu hoạch loại nông sản này cũng mất rất nhiều thời gian và cần độ tỉ mỉ cao.

Chồi hoa bia không mọc theo hàng đồng nhất nên phải thu hoạch hoàn toàn bằng tay và mất nhiều công sức. Để thu hoạch chồi hoa bia, người ta phải cúi người xuống để tìm ra những chồi non trong các tán lá. Đặc biệt, kích thước của chúng khá nhỏ nên người nông dân phải nhặt lượm rất lâu mới có thể thu hoạch được một lượng khá nhỏ.

Bên cạnh đó, chồi hoa bia cũng cần được bảo quản trong môi trường tốt và phù hợp mới có thể giữ nguyên chất lượng đến tay khách hàng.

Chồi cây mọc hoang bỗng hóa đắt đỏ, mỗi ký trên 23 triệu đồng - 1
Chồi hoa bia được sử dụng để nấu nhiều món ăn khác nhau.

Chồi hoa bia thường xuất hiện trên bàn ăn của tầng lớp thượng lưu. Với hương vị đặc biệt, loại rau đắt đỏ này được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn đặc sản đẳng cấp tại các nhà hàng, khách sạn sang trọng.

Còn đối với nhiều đầu bếp nổi tiếng trên thế giới, chồi hoa bia được xem là một thứ nguyên liệu tuyệt vời để chế biến các món đặc sản, làm nên tên tuổi của họ.

Do khan hiếm, nên ngay cả những khách hàng có tiền vẫn phải xếp hàng mới có thể được thưởng thức món rau này.

Chồi hoa bia có màu xanh pha đỏ. Về hình dạng, thoạt nhìn chồi hoa bia rất giống với cây măng tây nhưng mùi vị của chúng lại khác hoàn toàn. Nếu ăn sống, chồi hoa bia sẽ khá đắng, có vị như đậu xanh. Nhưng khi đã nấu chín, loại rau này mang đến hương vị “thiên nhiên” độc nhất vô nhị.

Chồi hoa bia được sử dụng để nấu nhiều món ăn khác nhau. Vì vậy, chúng trở nên nổi tiếng trong thế giới ẩm thực.

Cách phổ biến và dễ dàng nhất để thưởng thức chồi hoa bia là thêm chúng vào món salad. Người ta cũng xào chồi hoa bia với một ít dầu ô liu hoặc bơ. Những người muốn tránh dầu thì có thể nướng chúng và hương vị khói của chồi hoa bia nướng rất phù hợp với bánh mì. Ngoài ra, chồi hoa bia ngâm chua cũng rất tốt cho đường ruột.

Hương vị của loại rau này cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Theo Alexi Duggins, một cây viết nổi tiếng của The Guardian, phần lá của chồi hoa bia có vị như… cỏ.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, đây là một trong những loại nông sản đắt đỏ bậc nhất thế giới và được nhiều người trong giới siêu giàu ưa chuộng, săn lùng.

Theo Hạnh Nguyên (VietNamNet)