Doanh nghiệp siêng ‘đi chợ’ để kiếm đơn hàng

Hội chợ, triển lãm đang là kênh xúc tiến thương mại hiệu quả nhất và giải quyết đầu ra hàng hóa cho nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh sức mua toàn cầu còn thấp

Việc thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm không chỉ giúp doanh nghiệp (DN) có cơ hội tìm được khách hàng và thị trường mới mà còn tiếp cận, học hỏi được những kinh nghiệm thực tế từ các nhà sản xuất – kinh doanh trên toàn cầu.

“Chốt đơn” ngay tại hội chợ, triển lãm

Trở về từ Diễn đàn và Hội chợ Xuất khẩu TP HCM (diễn ra vào tháng 5-2023), Công ty TNHH TM DV Xuất nhập khẩu Vina T&T bội thu với 2 hợp đồng ký kết với khách hàng Đài Loan – Trung Quốc và Mỹ. Công ty CP Thực phẩm Bình Tây cũng ký kết với khách hàng Hàn Quốc và Mỹ để xuất khẩu thực phẩm chế biến sang các thị trường này. Nhiều DN khác cũng tìm được cơ hội bán hàng cho khách hàng quốc tế lẫn trong nước ngay tại sự kiện.

Doanh nghiệp siêng 'đi chợ' để kiếm đơn hàng
Doanh nghiệp tích cực tham gia hội chợ, triển lãm để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm

 

Diễn đàn và Hội chợ Xuất khẩu TP HCM là sự kiện lần đầu tiên được Sở Công Thương TP HCM phối hợp Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương tổ chức nhằm hỗ trợ DN tìm kiếm đơn hàng, thúc đẩy hoạt động thương mại trong lúc kim ngạch xuất khẩu trên cả nước sụt giảm. Theo thống kê của ban tổ chức, có hơn 500 lượt kết nối B2B tại sự kiện, nhiều hợp đồng lớn đã được ký kết.

Cũng chốt được đơn hàng lớn trị giá 50.000 USD với khách hàng Hy Lạp ngay tại Hội chợ Cà phê World of Coffee Athens 2023 diễn ra ở TP Athens – Hy Lạp vào cuối tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Phúc Sinh đang bước sâu hơn vào thị trường châu Âu. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sinh, cho biết ngoài thành công ở hội chợ kể trên, từ đầu năm đến nay, Phúc Sinh còn có thêm một loạt khách hàng và thị trường mới như ở Malta, Na Uy, Colombia, Ả Rập Saudi… cũng qua kênh hội chợ, triển lãm quốc tế.

Theo các DN, hội chợ triển lãm là kênh xúc tiến thương mại hiệu quả nhất hiện nay. Không chờ đợi khách hàng đưa mẫu, các DN tích cực chủ động tạo mẫu mã mới, đa dạng hóa sản phẩm, tích cực đi tìm hiểu thị trường, gặp gỡ khách hàng và tiếp thị sản phẩm. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ (HAWA), cho biết thời gian qua, HAWA tự tổ chức hội chợ, nâng quy mô hội chợ lớn hơn, tham gia nhiều hội chợ ở nước ngoài. Nhờ tích cực tìm hiểu và đáp ứng thị hiếu thị trường, tham gia hội chợ, triển lãm chuyên ngành trong lẫn ngoài nước mà nhiều DN hội viên HAWA tìm được cơ hội giới thiệu sản phẩm, kết nối tham gia chuỗi cung ứng, đổi mặt hàng, đổi thị trường.

Tập trung để nâng cao hiệu quả

Trước dự báo kinh tế thế giới lẫn trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, đầu ra cho sản phẩm đang là vấn đề lớn đối với nhiều DN xuất khẩu. Việc tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại – nhất là tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế – không chỉ giúp DN quảng bá sản phẩm, tìm hiểu nhu cầu khách hàng mà còn có cơ hội phát triển khách hàng mới, gia tăng đơn hàng sản xuất. Đặc biệt, trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu đến các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu… vẫn chưa phục hồi, việc xúc tiến thương mại càng phải làm nhiều hơn. Bên cạnh sự chủ động của các DN, rất cần những giải pháp hỗ trợ mang tính bền vững từ phía cơ quan nhà nước.

Ông Huỳnh Kiều Sơn, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TP HCM, phản ánh cầu thị trường đang giảm mạnh đến 30%-50%. “Theo kinh nghiệm của tôi, nên bám vào những hội chợ, triển lãm ở các thị trường chúng ta muốn xúc tiến thâm nhập. Trong đó, ưu tiên các thị trường có độ rộng về sản phẩm lẫn thị trường như Mỹ, Nam Mỹ; tránh xúc tiến ở những thị trường quá hẹp, quá đặc thù. Hội Cơ khí – Điện đã báo cáo UBND TP HCM kế hoạch tham gia 4 triển lãm ở nước ngoài, DN sẽ rất mừng nếu được thành phố hỗ trợ kinh phí 1-2 triển lãm” – ông Sơn nói. Song song đó, đề xuất TP HCM có cơ chế hỗ trợ kinh phí đăng ký gian hàng cho các DN tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài. “Nên có gian hàng chung do cơ quan quản lý nhà nước hoặc Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), hội ngành nghề tổ chức, thành phố tài trợ kinh phí gian hàng. Xúc tiến thương mại như vậy hiệu quả hơn nhiều so với tổ chức đoàn B2B” – ông Sơn nói thêm.

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch CLB Doanh nhân Nam Định, cho rằng trong 1-2 năm gần đây, chương trình xúc tiến thương mại của TP HCM chưa đủ mạnh. “Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần tổ chức tốt chương trình xúc tiến thương mại, tập trung vào các thị trường Trung Đông, Bắc Mỹ, châu Âu. Trong mỗi chương trình cần phối hợp chặt chẽ với các đại sứ quán ở nước ngoài để kết nối cho DN nước ngoài tiếp xúc với DN trong nước, tránh việc tổ chức xúc tiến thương mại chỉ đi tham quan, hô hào chung chung không mang lại hiệu quả kinh tế cao” – ông Mạnh đề xuất. 

Quay về xúc tiến thị trường nội địa

Từ kinh nghiệm của HAWA, ông Nguyễn Chánh Phương cho biết xúc tiến thương mại ngay tại TP HCM cũng mang lại hiệu quả rất cao. TP HCM có nhiều lợi thế để xuất khẩu; khách hàng sang TP HCM vừa có được chi phí rẻ vừa thuận tiện di chuyển đến các tỉnh.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cũng cho hay trong lúc xuất khẩu khó khăn, nhiều DN chú tâm quay về xúc tiến tiêu thụ, kích cầu thị trường nội địa. “Sáu tháng cuối năm là cơ hội cho các DN phát triển và mở rộng thị trường. Sở Công Thương đang tập trung nhiều giải pháp để hỗ trợ các DN tiêu thụ hàng hóa ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Trong đó, bao gồm các hoạt động kết nối DN với ngân hàng, chương trình khuyến mãi tập trung, chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành…” – ông Minh Tú nói.

Theo Thanh Nhân (Nld.com.vn)