Vụ nghi lừa đảo nửa triệu USD: Doanh nghiệp Việt gặp người mua tại hội chợ

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam từng gặp, ký kết đơn hàng với người mua tại một hội chợ ở Dubai. Lần chuyển hàng đầu tiên diễn ra suôn sẻ, tới lần hai thì bị lừa. Hàng mất, đối tác cũng lặn không sủi tăm.

Tại sự kiện sơ kết hoạt động ngành điều 6 tháng đầu năm diễn ra chiều nay (26/7), ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Vinacas, đã thông tin về việc những container hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam trị giá nửa triệu USD nghi bị lừa đảo tinh vi tại Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).

Đây là sự kiện được các công ty xuất khẩu trong nước rất quan tâm những ngày qua.

Theo ông Nhựt, Dubai là thị trường trung gian, làm đầu mối cho hàng hoá đi châu Âu và châu Phi. Mỗi năm, Dubai tổ chức một hội chợ thực phẩm nổi tiếng nhất thế giới. Hầu như tất cả doanh nghiệp liên quan tới thực phẩm đều tham dự sự kiện này. Hội chợ tập trung cả người mua và người bán hàng.

Doanh nghiệp phía Việt Nam cũng có tham gia hội chợ vào tháng 2/2023 tại Dubai. Tại đây, doanh nghiệp ký kết đơn hàng với đối tác Dubai, sau đó, 1 container hàng đã được giao bán suôn sẻ vào tháng 4/2023. Tới tháng 6, phía doanh nghiệp Việt tiếp tục ký container hàng thứ hai thì gặp sự cố mất hàng.

Vụ nghi lừa đảo nửa triệu USD: Doanh nghiệp Việt gặp người mua tại hội chợ
Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang dính vào một phi vụ lừa đảo quốc tế tinh vi, nguy cơ mất nửa triệu USD tiền hàng (Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Diễn tiến sự việc cho thấy: Quá trình giao dịch được thực hiện theo phương thức D/P (nhờ thu, trả tiền trao chứng từ). Bộ chứng từ được chuyển từ ngân hàng bên bán tại Việt Nam qua ngân hàng bên mua tại Dubai (Ajman Bank PJSC).

Phía ngân hàng Dubai xác nhận đã nhận được bộ chứng từ. Sau đó, người mua hàng tại Dubai nhận chứng từ, đến cảng lấy hàng. Tiếp đó, ngân hàng Dubai phải có trách nhiệm chuyển tiền cho ngân hàng Việt Nam, trả lại tiền cho người bán hàng.

Tuy nhiên, công ty bán hàng Việt Nam đã liên tục điện thoại, làm việc với người mua hàng để nhắc chuyện thanh toán tiền thì không liên lạc được. Số điện thoại đối tác bị khoá, website đóng. Trong khi, hàng đã được lấy ra khỏi cảng.

Như vậy, bộ chứng từ chuyển tới Dubai hoàn toàn hợp lệ.

Đại diện Vinacas không khỏi nghi ngờ sự việc xảy ra có liên quan tới ngân hàng Ajman Bank PJSC tại Dubai. Các ngân hàng phía Việt Nam đều xác nhận, ngân hàng Dubai là ngân hàng đạt chuẩn, đảm bảo an toàn để thực hiện giao dịch quốc tế. Do đó, ngân hàng Việt Nam không đưa ra bất kỳ khuyến cáo nào cho doanh nghiệp xuất khẩu.

“Tự người mua hàng đã có ý định lừa đảo. Vinacas đã liên hệ Đại sứ Việt Nam tại UAE để tìm người mua, yêu cầu trả tiền lại cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nhựt hồ nghi.

Trước đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam ra thông cáo cho hay, 5 container xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước gồm: 2 container hồ tiêu, 1 container quế, 1 container hoa hồi và 1 container điều, đang dính vào một phi vụ nghi lừa đảo tinh vi.

Tổng giá trị lô hàng là 516.761 USD. Trong đó, 4 lô hàng đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán tiền, tổng trị giá khoảng 400 nghìn USD; 1 lô hàng hoa hồi dự kiến cập cảng trong ngày 26/7, trị giá 126,3 nghìn USD (bộ chứng từ gốc cũng đã bị mất).

Hiệp hội Hồ tiêu đề nghị Đại sứ quán UAE tại Việt Nam yêu cầu các cơ quan chức năng UAE hỗ trợ ‘lệnh’ cho cảng hàng đến tại UAE giữ lại lô hàng hoa hồi, không cho lấy hàng ra khỏi cảng.

Cùng với đó, Hiệp hội này cũng đề nghị Đại sứ quán UAE, yêu cầu cảnh sát Dubai mở chuyên án điều tra để bắt giữ người mua, điều tra và trả lại 4 lô hàng đã bị lấy trước đó, giúp thu hồi tiền hàng cho doanh nghiệp Việt. Đồng thời, nhà chức trách cần có biện pháp tạm giữ người đến nhận lô hàng hoa hồi để điều tra. Theo lịch trình, hàng sẽ đến cảng trong ngày 26/7.

Theo Trần Chung (VietNamNet)