Bộ Công Thương đề xuất thay đổi thẩm quyền điều chỉnh giá điện

Bộ Công Thương đề nghị ban hành cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tại Luật Điện lực theo hướng giao Chính phủ quy định thay vì Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh như hiện tại.

Quan điểm trên được Bộ Công Thương trình bày tại Tờ trình sửa đổi Luật Điện lực gửi Thủ tướng Chính phủ.

Điều chỉnh giá điện chịu nhiều sức ép của dư luận

Theo Bộ Công Thương, Luật Điện lực quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện.

Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành do Thủ tướng Chính phủ ban hành (tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017) có phân cấp thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ tùy thuộc vào mức độ điều chỉnh giá bán lẻ điện.

Bộ Công Thương đề xuất thay đổi thẩm quyền điều chỉnh giá điện
Giá điện cần tính đúng, tính đủ chi phí.

Trong các năm từ 2013 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định quy định việc điều chỉnh giá bán lẻ điện, bao gồm các quyết định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá điện và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

“Thực tế thực hiện cho thấy, việc điều hành giá điện như hiện nay đảm bảo tính minh bạch và linh hoạt trong quá trình triển khai thi hành, tuy nhiên do điện là loại hàng hóa thiết yếu nên việc điều chỉnh giá điện chịu nhiều sức ép của dư luận và có thể gây ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế vĩ mô”, Bộ Công Thương nhận xét.

Việc điều hành giá bán lẻ điện, quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện cần được xem xét và đánh giá một cách tổng thể trên tất cả các lĩnh vực.

Bộ Công Thương lưu ý: Việc quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện cần có tính pháp lý cao hơn so với quy định hiện hành để đảm bảo sự thống nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Xuất phát từ lý luận đó mà thực tế việc điều hành giá bán lẻ điện các năm qua đều được họp, thảo luận và quyết định thông qua các cuộc họp Thường trực Chính phủ.

Khoản 3 Điều 8 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định Chính phủ có thẩm quyền “quyết định chính sách cụ thể về tài chính, tiền tệ quốc gia, tiền lương, giá cả”.

Ngoài ra, Nghị quyết số 55-NQ/TW có nêu: “Nghiên cứu, thực hiện luật hóa việc điều hành giá điện và một số ưu đãi cho dự án được khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực năng lượng”.

Vì vậy, để đảm bảo sự phù hợp với các quy định pháp luật khác, đảm bảo sự thống nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, Bộ Công Thương đánh giá cần thiết phải xem xét sửa đổi thẩm quyền trong việc ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đã được quy định tại Luật Điện lực hiện hành (phân cấp cho Thủ tướng Chính phủ), đảm bảo phù hợp với định hướng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW.

Cần Nghị định cơ chế giá bán lẻ

Việc thay đổi này, theo đề xuất của Bộ Công Thương là Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, trong đó quy định cụ thể thẩm quyền điều chỉnh giá điện theo từng mức điều chỉnh giá.

Do đó, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi quy định tại Luật Điện lực liên quan đến cơ chế điều chỉnh giá điện theo hướng sửa đổi quy định về thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tại Luật Điện lực theo hướng giao Chính phủ quy định (dưới dạng Nghị định của Chính phủ) thay vì Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh như tại Luật Điện lực hiện hành (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ).

Việc này nhằm đảm bảo nguyên tắc chung là Chính phủ đóng vai trò ban hành thể chế pháp luật, cơ chế chính sách về điều chỉnh giá điện, phù hợp với định hướng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, phù hợp với thực tiễn điều chỉnh giá điện thời gian qua, phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ.

Theo Bộ Công Thương, vừa qua để thu hút đầu tư tư nhân vào khâu phát điện, các dự án theo hình thức IPP, BOT (chủ đầu tư không phải EVN) đã thỏa thuận, đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện với tỷ suất sinh lợi tài chính (IRR) phổ biến 10-12%. Mức này cao hơn tỷ suất áp dụng cho các đơn vị phát điện hạch toán phụ thuộc EVN (các nhà máy thủy điện đa mục tiêu và các khâu khác gồm truyền tải điện, phân phối, bán lẻ điện do vẫn thuộc sở hữu 100% vốn Nhà nước) thường là 3% hoặc thấp hơn.

Vì thế, sửa luật lần này sẽ bổ sung quy định về chính sách giá điện để giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, vùng, miền. Cơ quan này cho biết sẽ cùng Bộ Tài chính xây dựng quy định liên quan đến các loại giá điện, “cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện” phù hợp với quy định tại Luật Giá (sửa đổi).

Theo Lương Bằng (VietNamNet)