Đạo diễn, NSND Phạm Ngọc Tuấn: Đằng sau nỗi trăn trở với hoạt hình nước nhà

Hoạt hình Việt Nam: Tiềm năng có đấy, nhưng nhiêu đó chưa đủ!
21 phim hoạt hình sản xuất năm 2022 của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam: Đề tài phong phú, hoàn thành đúng tiến độ

Một ngày đẹp trời ở Đà Nẵng

Đạo diễn, NSND Phạm Ngọc Tuấn – Tổng giám đốc công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam từ lâu đã là người bạn thân thiết với Tạp chí Thế giới điện ảnh. Gần như mỗi năm vào dịp Ngày Báo chí Cách mạng 21/6, ông đều cũng các cán bộ tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đến thăm hỏi Tạp chí. Thế nhưng mãi tới tháng 5 vừa qua, khi tham dự Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng, tôi mới có cơ duyên được trò chuyện và hiểu về ông nhiều hơn.

Đó là một ngày đẹp trời ở thành phố biển, khi tình cờ gặp NSND Phạm Ngọc Tuấn trong thang máy khách sạn, tôi nảy ra ý muốn mời ông tới rạp phim cùng mình đi thưởng thức Thế chiến 3 – phim điện ảnh Iran tham gia tranh giải Liên hoan phim khi ấy. Trong lúc tôi còn đang tự hỏi lý do mình lại đưa ra lời mời đột ngột vậy, ông đã vui vẻ đồng ý vì nhà làm phim hoạt hình nói rằng mình có tình yêu đặc biệt với điện ảnh Iran.

Đạo diễn, NSND Phạm Ngọc Tuấn: Đằng sau nỗi trăn trở với hoạt hình nước nhà
Đạo diễn, NSND Phạm Ngọc Tuấn

Hóa ra, bên cạnh những giờ phút miệt mài trên bàn vẽ, cho ra đời một loạt tác phẩm đã nổi tiếng của hoạt hình Việt như: Mèo trắng và Mèo Mun, Bố của Gà con, Bước nhảy của Châu Chấu ông lại có khá nhiều sở thích thú vị. Ông cũng rất yêu ca hát và thường xuyên ghé các câu lạc bộ ca nhạc để cùng cất lên tiếng hát với bạn bè.

NSND Phạm Ngọc Tuấn hóm hỉnh nói với tôi rằng, khi đến Đà Nẵng, ngoài công việc thì điều đầu tiên ông làm không phải đi thăm thú cảnh đẹp hay đi tắm biển, mà người nghệ sĩ tài hoa lại muốn tìm tới phòng trà ca nhạc để cất giọng. Có lẽ tiếng hát là một trong những thứ nuôi dưỡng cho ông niềm cảm hứng sáng tạo, để ông miệt mài cống hiến cho ngành hoạt hình suốt 30 năm qua.

Trong lần gặp gỡ đó, chúng tôi nói đủ thứ chuyện trên đời, nhưng dĩ nhiên vẫn là những trăn trở về ngành phim hoạt hình Việt. Làm sao để hoạt hình Việt mang lại doanh thu cao, làm sao để đảm bảo đầu ra, hay ước mơ có phim hoạt hình 90 phút… đều là những câu chuyện ông đã nói rất nhiều ở các hội thảo hay bài phỏng vấn. Nhưng điều tôi nhớ nhất, chính là ông tâm sự mình lo lắng cho thế hệ trẻ.

Theo NSND Phạm Ngọc Tuấn, ông tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ đam mê hoạt hình, có lợi thế về sức trẻ, nguồn năng lượng dồi dào, cũng như sinh ra trong điều kiện khoa học kỹ thuật tiến bộ. Nhưng các bạn còn có điểm trừ là đôi khi tự tin thái quá và khó nuôi dưỡng đam mê trong thời gian dài. Có những người học trò tới gặp ông xin ý kiến, ý tưởng rất tốt nhưng tổng thể mọi thứ không chắc chắn để tác phẩm đọng lại lâu dài trong lòng công chúng.

Còn việc các bạn không kéo dài đủ đam mê với ngành hoạt hình cũng là điều khó trách, bởi một khi hoạt hình Việt Nam chưa đủ để trở thành một ngành công nghiệp, mang lại lợi nhuận thì rất dễ khiến các bạn chùn bước tiếp tục theo đuổi ước mơ.

Nuôi dưỡng đam mê từ những điều bình dị

Dành trọn sự nghiệp bên những thước phim hoạt hình, cùng vô số giải thưởng lớn nhỏ, bí quyết nuôi dưỡng “lửa nghề” của NSND Phạm Ngọc Tuấn đến từ những điều rất bình dị.

Ông tâm sự rằng: “Quá trình làm việc đã khiến tôi buộc phải tìm tòi, thu nạp kiến thức nhưng cũng từ đó tôi tìm thấy sự say mê. Còn nhớ trong những lần đi thu thoại cho phim, tôi được tiếp xúc với những em nhỏ thu thoại và lồng tiếng cho phim mình. Lúc đó, cảm giác tâm hồn tôi như được trẻ lại. Có những em bé được mẹ bế trên tay, nhưng vẫn có thể lồng được tiếng cho phim, dù chỉ một vài từ thôi cũng rất đáng yêu. Hiện giờ các em ấy có khi đã lên chức bố mẹ hay ông bà rồi!”.

Nếu ai từng xem phim Bố của gà con được đạo diễn bởi NSND Phạm Ngọc Tuấn, sẽ thấy những chú gà con trong phim được lồng tiếng bởi những em nhỏ, toát lên sự chân thật, đáng yêu và gần gũi với tiếng cười giòn tan. Bố của gà con mang về 43 triệu lượt xem trên kênh Youtube chính thức của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, cũng như rất nhiều bộ phim khác đạt được lượt xem “khủng” tương tự. Tuy vậy theo đạo diễn gốc Nam Định, Hãng không đặt doanh thu từ kênh Youtube lên hàng đầu mà quan trọng nhất chính là đem sản phẩm tới gần khán giả nhỏ tuổi.

Đạo diễn, NSND Phạm Ngọc Tuấn: Đằng sau nỗi trăn trở với hoạt hình nước nhà
Phim Bố của gà con

Ngoài ra NSND Phạm Ngọc Tuấn còn có đam mê vẽ tranh minh họa sách thiếu nhi. Tài năng hội họa của ông được rất nhiều nhà xuất bản lớn như NXB Kim Đồng hay NXB Giáo Dục tin tưởng, mời vẽ minh họa nhiều đầu sách quan trọng dành cho trẻ em. Giống như những thước phim hoạt hình, nét vẽ nổi bật với những gam màu cổ điển trầm ấm, tạo cảm giác thân thương vẫn là dấu ấn riêng biệt của NSND Phạm Ngọc Tuấn.

Thành tựu trọn đời sẽ được viết tiếp

Tháng 5 vừa qua, cùng với nhiều tên tuổi lớn trong làng điện ảnh; đạo diễn, NSND Phạm Ngọc Tuấn đã được xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật cùng những bộ phim từng gây tiếng vang lớn trong sự nghiệp của ông, như Mèo trắng và Mèo Mun, Mỵ Châu Trọng Thủy, Chiếc lông công… Khi chia sẻ tin vui này trên trang cá nhân, ông nhận về vô số lời chúc mừng đến từ đồng nghiệp và khán giả yêu mến ông.

Câu chuyện trong phim của NSND Phạm Ngọc Tuấn không những mang dấu ấn riêng mà còn tạo được thông điệp gần gũi, bài học nhân văn và quý báu cho trẻ nhỏ và khán giả nhiều độ tuổi. Như trong phim Mèo trắng và Mèo Mun, trong khi bạn Mèo trắng có bộ lông tuyệt đẹp và sạch sẽ, thì bạn Mèo mun lại có bộ lông đen đúa. Để trông đẹp như Mèo trắng, Mèo mun quyết định nhuộm lông của mình và trở thành Mèo cam. Trong một lần Mèo cam nhảy xuống nước cứu Mèo trắng, mới lộ ra bộ lông màu đen là Mèo mun. Lúc đó Mèo trắng mới hiểu ra, đẹp hay xấu không quan trọng bằng tình bạn chân thành.

Đạo diễn, NSND Phạm Ngọc Tuấn: Đằng sau nỗi trăn trở với hoạt hình nước nhà
Phim Mèo trắng và Mèo Mun

Năm 2023 tới đây, với tầm nhìn ngày càng đổi mới và sáng tạo của NSND Phạm Ngọc Tuấn cùng các lãnh đạo, cán bộ của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, sẽ có nhiều bộ phim của Hãng được áp dụng việc ứng dụng công nghệ mới vào dây chuyền sản xuất phim, tiếp tục làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho cán bộ, nghệ sỹ để nâng cao chất lượng phim đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả và thị trường.

Hi vọng, thành tựu trọn đời của NSND Phạm Ngọc Tuấn sẽ được viết tiếp với ngọn lửa và niềm đam mê mà ông mang lại cho Hãng phim Hoạt hình Việt Nam qua từng ấy thập kỷ. Còn riêng về ngành hoạt hình nói chung của Việt Nam, ông cho rằng vẫn còn rất điều cần phải thay đổi: “Tôi thấy hoạt hình Việt Nam chưa thực sự ‘nét’, chưa đúng nghĩa là một ngành công nghiệp điện ảnh. Ví dụ Hàn Quốc hay Nhật Bản, họ là một ngành công nghiệp bởi những sản phẩm làm ra hàng năm rất nhiều, những series dài vài trăm tập để quảng bá được nhân vật hoạt hình của nước họ, họ có thể bán cho các kênh truyền hình nước ngoài hoặc là làm phim chiếu. Họ tạo ra nhân vật biểu tượng và có bản quyền, từ đó tạo nên một văn hóa riêng biệt, một nền công nghiệp ăn theo như đồ chơi, thời trang, ca nhạc…

Đạo diễn, NSND Phạm Ngọc Tuấn: Đằng sau nỗi trăn trở với hoạt hình nước nhà

Tôi nghĩ rằng họ cũng đã đúc kết giá trị kinh doanh khi ra rạp làm một bộ phim dài đi chăng nữa, hay series thì cũng chỉ chiếm 10% giá trị lợi nhuận thôi còn giá trị tiềm ẩn mà tôi vừa đề cập trong ví dụ trên mới thực sự là kinh doanh chiếm 90% lợi nhuận. Đấy là xu hướng mà người ta làm nhưng ở nước mình chưa đạt được những mức như thế. Ở Việt Nam khi phim sản xuất ra chỉ đưa lên kênh Youtube để quảng bá, phát hành lấy lượt xem thôi. Tôi cho rằng Việt Nam cần phải có biểu tượng hoạt hình, nhân vật đó phải hấp dẫn, phải có sức sống thông qua những tập phim đã đi vào lòng khán giả” – đạo diễn, NSND Phạm Ngọc Tuấn nhận định.

“Tôi cho rằng Việt Nam cần phải có biểu tượng hoạt hình, nhân vật đó phải hấp dẫn, phải có sức sống thông qua những tập phim đã đi vào lòng khán giả”