Vấn nạn kích điện tận diệt giun đất
Cách đây vài năm, kích điện bắt giun đất rồi đem sấy khô bán cho thương lái nước ngoài diễn ra ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động này lại rầm rộ hơn ở các vùng chuyên canh cây nông nghiệp, đặc biệt là ở thủ phủ cam Cao Phong (Hoà Bình).
Trên các trang mạng xã hội, máy kích điện giun đất được rao bán la liệt, giá khá rẻ, dao động từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng một chiếc. Loại máy hoạt động rất đơn giảm. Chỉ cần cắm máy kích xuống đất, người sử dụng bấm nút là luồng điện rất mạnh phóng ra, khiến các sinh vật ở dưới đất phải chui lên, trong đó có giun đất.
Trên báo Nông nghiệp Việt Nam, một chủ vườn cam cho biết, giá giun tươi được thu mua từ 70.000-80.000 đồng/kg. Một nhóm vài người đi kích điện có thể thu về 100-120kg giun mỗi đêm.
Các lò sấy giun theo đó cũng mọc lên khắp nơi, hoạt động thu mua rầm rộ. Giun sau khi sấy khô được bán cho các thương lái Trung Quốc.
Vấn nạn kích giun này khiến các chủ vườn cam Cao Phong bất an. Bởi, không chỉ giun bị tận diệt, kích điện xuống đất sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ tơ của cây. Hậu quả, cam vàng lá và chết, năng suất giảm.
Để ngăn chăn tình trạng kích điện giun đất, nhiều chủ vườn cam phải dựng hàng rào dây thép, lắp camera quanh vườn, thức trắng đêm canh người kích giun trộm. Thậm chí, một số chủ vườn còn treo biển “Cấm kích giun, cam hỏng rễ bắt được đền cả vườn. Nếu ai bắt được thưởng 2 triệu đồng”.
Vậy nhưng, lợi nhuận từ hoạt động kích điện bắt giun đất thu về quá cao, có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày khiến nhiều người bất chấp, đổ xô đi kích điện tận diệt giun đất.
Theo các chủ vườn cam ở Cao Phong, họ đầu tư vào vườn từ vài trăm triệu cho tới tiền tỷ, ngóng chờ ngày cây ra trái cho thu hoạch.
Do đó, không ít chủ vườn cam ở Cao Phong đã gửi đơn cầu cứu tới chính quyền địa phương, thậm chí còn cầu cứu tới cả Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan. Bởi, nạn kích giun đang quá phổ biến khiến người nông dân trồng cam điêu đứng và có nguy cơ mất trắng.
Ngăn chặn ngay để cứu môi trường đất và cây trồng
Trao đổi với PV. VietNamNet về vấn nạn kích điện giun đất, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thừa nhận, việc kích vào đất dòng điện lớn sẽ khiến giun chết, gây tác hại cho đất, hệ động vật và vi sinh vật, khiến cây trồng bị vàng lá. Thế nên, đơn vị này và các địa phương đang tìm cách xử lý.
Đây là hành động cần ngăn chặn ngay, nhưng hiện vẫn chưa có chế tài xử phạt hành vi này, ông Cường cho hay.
Theo ông, Luật Trồng trọt liên quan đến cây trồng trên đất, còn đất lại thuộc quyền quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong Khoản 1 điều 12 Luật Đất đai 2013 quy định về các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi “lấn, chiếm, hủy hoại đất đai”. Điểm 25 Điều 3 giải thích từ ngữ về hành vi “hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định”. Ở đây có thể thấy, chưa rõ hành vi kích giun đất bằng điện.
Tuy nhiên, trước vấn hạn kích điện giun đất đang diễn ra tại nhiều địa phương, ông Cường cho hay Cục Trồng trọt đã có văn bản đề nghị kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý ngăn chặn hoạt động sử dụng kích điện đánh bắt giun đất.
Trong đó nêu rõ, hành động tận diệt giun đất và các sinh vật có ích khác trong đất, làm giảm chất lượng đất đất canh tác, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây trồng. Không chỉ vật, hoạt động này nguy hiểm, dễ gây tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng của con người và động vật.
Cục Trồng trọt đề nghị Sở NN-PTNT các địa phương kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý ngăn chặn hoạt động trên. Đồng thời, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là những người trực tiếp có hành động kích điện giun đất, các cơ sở, hộ gia đình sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất.
Khuyến khích người dân tích cực phát giác, thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện hoạt động kích điện, sơ chế giun đất trái phép để có biện pháp xử lý vi phạm.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho rằng, cần hoàn chỉnh, bổ sung các hành vi hủy hoại đất trong các văn bản pháp luật về đất đai, môi trường, nhất là khi chúng ta đang sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2013.
Riêng về giun đất, ông Nguyễn Như Cường khẳng định, đây không phải động vật quý hiếm. Do đó, nếu thị trường có nhu cầu cần thực hiện các chương trình, dự án nhân nuôi quy mô lớn. Đây cũng có thể là một hướng phát triển kinh tế mới.
Theo Tâm An (VietNamNet)