Bất chấp lãi suất giảm sâu, người dân vẫn ùn ùn gửi tiền ngân hàng

Bất chấp lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng liên tục giảm sâu, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống các ngân hàng tiếp tục tăng mạnh.

Theo dữ liệu mới nhất do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tổng phương tiện thanh toán tính đến 30/6/2023 đạt 14.754.221 tỷ đồng, tăng 3,71% so với cuối năm 2022.



(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Nếu loại trừ các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua, tổng lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống các ngân hàng đạt trên 12,366 triệu tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt trên 5,983 triệu tỷ đồng, tăng 0,51%; tiền gửi của khu vực dân cư đạt con số kỷ lục hơn 6,328 triệu tỷ đồng, tăng mạnh 8,82% so với cuối năm 2022.

Như vậy, lượng tiền gửi từ khu vực dân cư vào ngân hàng đã tăng thêm 35.341 tỷ đồng so với cuối tháng 5 và tăng thêm gần 430.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022.

Thống kê của NHNN về lượng tiền gửi ngân hàng đến tháng 6/2023.

Với sự đa dạng trong các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán đã giảm từ 10,60% vào tháng 1/2023 xuống còn 8,67% tại thời điểm cuối tháng 6. Tỷ trọng này giảm dần theo các tháng kể từ đầu năm đến nay.

Theo ông Trần Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường & Am hiểu khách hàng, One Mount Real Estate – lượng tiền gửi của người dân vẫn đang tăng nhưng đà tăng đã giảm. Dự kiến trong một thời gian tới sẽ có một lượng tiền lớn thay vì gửi tiết kiệm sẽ đi sang các kênh đầu tư khác.

“Trước hết là kênh chứng khoán, điển hình ngay từ tháng 4 đến tháng 8, lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán mạnh và rõ ràng. Tiếp sau đây sẽ là kênh BĐS vì BĐS thường sẽ đi sau chứng khoán một khoảng thời gian.”

Ông Tiến dẫn chứng là tín dụng kinh doanh BĐS trong 5 tháng đầu năm đã tăng 14%, cao hơn so với mặt bằng chung của toàn ngành (3,6%) nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này phản ánh những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Với việc lãi suất liên tục hạ nhiệt, mới đây nhất, bốn ngân hàng lớn gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank vừa công bố biểu lãi suất huy động mới, kỳ hạn 1 năm chỉ còn ở mức 5,8%/năm, ông Trần Quang Trung – Giám đốc Phát triển kinh doanh OneHousing cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã rất chủ động và điều hành một cách linh hoạt, thậm chí có động thái đi trước. Nếu như trước đây, chỉ có động thái cho vay mới thì bây giờ NHNN đã can thiệp vào cả điều kiện cho vay và lãi suất các khoản vay cũ. Bởi đây là cách duy nhất để giúp khơi thông dòng tiền cho nền kinh tế. 

“Với tất cả những chế tài và các chính sách mà Chính phủ quyết liệt triển khai, từ giờ tới cuối năm, lộ trình giảm lãi suất cho khoản vay mới và vay cũ cũng sẽ được thực thi hóa. Điều này tạo tiền đề cho việc gửi tiền tiết kiệm của người dân sẽ hạn chế đi và dòng tiền đó sẽ được bơm vào cho nền kinh tế.”, ông Trần Quang Trung nói.

Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)



(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});