Mở cửa phiên ngày 5/9 trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ (tối 5/9 giờ Việt Nam), cổ phiếu VinFast Auto của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm khá mạnh ngay trước giờ giao dịch chính, mất khoảng 15% xuống ngưỡng 25 USD/cp.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});
Trước đó, cổ phiếu VinFast đã có 4 phiên giảm liên tiếp, từ đỉnh cao 93 USD/cp xuống mức như hiện tại.
Vốn hóa của VinFast cũng rớt nhanh từ mức gần 210 tỷ USD xuống mức 58 tỷ USD.
Với mức vốn hóa này, VinFast rơi xuống vị trí thứ 9 trong cộng đồng các hãng xe hơi trên thế giới, xếp ngay trên hãng Ferrari của nước Ý. Trong phiên 25-28/9, VinFast có vốn hóa đứng thứ 3, chỉ sau Tesla và Toyota.
VinFast hiện đứng dưới các hãng xe: Tesla (778 tỷ USD) của tỷ phú Elon Musk, Toyota của Nhật (234 tỷ USD), hãng siêu xe Porsche của Đức (98 tỷ USD), hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc là BYD (97 tỷ USD), Mercedes-Benz (77 tỷ USD), BMW (68 tỷ USD), Volkswagen (64 tỷ USD).
VinFast vẫn có vốn hóa cao hơn các ông lớn trong ngành với lịch sử phát triển rất lâu đời như: General Motors, Ford, Honda, Ferrari.
Cổ phiếu VinFast tiếp tục giảm mạnh phiên thứ 5 liên tiếp cho dù hôm 4/9 VinFast Lê Thị Thu Thủy đã có những chia sẻ khá thẳng thắn về câu chuyện giá cổ phiếu của hãng xe điện VinFast biến động mạnh trong thời gian qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN (ASEAN BIS) tại Jakarta.
CEO Lê Thị Thu Thủy cho biết, giá cổ phiếu VinFast biến động khôn lường nhưng không đáng ngại và đặt niềm tin vào tiềm năng của công ty, nhất là sau khi xét tới sự mở rộng nhanh chóng của hệ sinh thái xe điện ở Đông Nam Á.
VinFast là một hãng xe hơi thành lập năm 2017 và chính thức chuyển hoàn toàn sang xe điện từ năm 2022. VinFast ước tính bán 50.000 xe ô tô điện trong năm 2023. Tesla ước tính có thể bán 2 triệu chiếc trong năm nay, trong khi BYD có thế đạt doanh số 2,5 triệu chiếc.
VinFast là hãng xe điện đầu tiên của Việt Nam và khu vực ASEAN đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Hôm 15/8, VinFast đã tạo dấu mốc lịch sử khi niêm yết 2,3 tỷ cổ phiếu VinFast lên sàn Nasdaq, với mã VFS và định giá 23 tỷ USD. Cổ phiếu này mở phiên đầu tiên ở mức 22 USD/cp và nhanh chóng đạt đỉnh 93 USD/cp (tương đương vốn hóa khoảng 210 tỷ USD), trước khi hạ nhiệt trở lại.
Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng gần đây giảm theo đà đi xuống của cổ phiếu VinFast. Nếu tính theo vốn hóa của VinFast ông Vượng vẫn có vài chục tỷ USD, vẫn xếp đầu khu vực Đông Nam Á.
Trong nước, tính tới hết ngày 31/8, Việt Nam vẫn có 6 tỷ phú USD theo bảng danh sách Forbes. Xếp sau ông Vượng là ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát) với khối tài sản 2,3 tỷ USD.
Chủ tịch VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo hiện sở hữu khối tài sản 2,1 tỷ USD. Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh có 1,6 tỷ USD. Ông Trần Bá Dương Thaco và gia đình sở hữu khối tài sản 1,5 tỷ USD. Ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang có 1,2 tỷ USD.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});