Sáng 15/9, Việt Nam và Trung Quốc tổ chức vận hành thí điểm cho du khách hai nước tự do du lịch Khu cảnh quan thác Bản Giốc, tên Trung Quốc là thác Đức Thiên.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});
Đây là kết quả từ Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Đức Thiên) mà Chính phủ Việt Nam – Trung Quốc ký kết năm 2016, cùng kế hoạch triển khai phía Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt năm 2017.
Khu cảnh quan thác Bản Giốc nằm vắt qua đường biên giới Việt – Trung qua thác Bản Giốc, trong đó phần đất bên huyện Trùng Khánh, Cao Bằng có nhiều thuận lợi về mặt bằng. Từ vị trí thấp ở đây, du khách có thể nhìn ngắm được toàn cảnh vẻ đẹp hùng vĩ của thác Bản Giốc, gồm cả phần cảnh quan của Việt Nam và cảnh quan bên Trung Quốc. Trong khi đó, phần bờ bên Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây có địa hình đồi núi với góc nhìn bị bẻ theo dòng chảy của sông Quây Sơn. Trên không gian này, phía bạn đã đầu tư một số hạng mục như cầu kính, khu đi bộ…
Ông Phạm Văn Cao – Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Cao Bằng – cho biết, thời gian vận hành thí điểm tạm xác định một năm, từ 9h giờ Hà Nội (10h giờ Bắc Kinh) ngày 15/9/2023 đến 16h giờ Hà Nội (17h giờ Bắc Kinh) ngày 14/9/2024.
Trong thời gian vận hành thí điểm, du khách hai nước thực hiện đăng ký trước theo hình thức đoàn ra, đoàn vào, số lượng mỗi đoàn không quá 20 người. Trong 3 tháng đầu của thời gian vận hành thí điểm, số lượng đoàn du lịch qua biên giới của mỗi bên không vượt quá 10 đoàn/ngày (mỗi đoàn không quá 20 người).
Du khách hai bên đi vào từ Khu cảnh quan sử dụng hộ chiếu (không cần visa), giấy thông hành xuất, nhập cảnh. Thực hiện miễn thu vé vào cổng đối với du khách từ phía Việt Nam đi vào phía Trung Quốc, đơn vị tổ chức đoàn phía Việt Nam phải mua bảo hiểm cho du khách trước khi vào Khu cảnh quan phía Trung Quốc, các dịch vụ khác phải tự chi trả theo chi phí thực tế. Du khách từ phía Trung Quốc vào phía Việt Nam phải mua vé, giá vé là 70.000 VNĐ/lần/người (đã bao gồm bảo hiểm, không bao gồm các phí dịch vụ khác).
Khi đi vào vận hành thí điểm sẽ trở thành mô hình kiểu mẫu du lịch qua biên giới và du lịch xanh, đồng thời giúp tỉnh Cao Bằng phát huy các thế mạnh, tiềm năng du lịch để tạo công ăn việc làm, cơ hội phát triển kinh tế – xã hội địa phương, thúc đẩy hiểu biết, giao lưu hữu nghị và hợp tác thực chất giữa địa phương biên giới hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Theo Nguyễn Duy Chiến (Tiền Phong)
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});