Đêm hòa nhạc của Bùi Công Duy và các khách mời đặc biệt đến từ Mỹ

Chương trình sẽ là cuộc marathon đầy thách thức và hấp dẫn với 5 bản concerto nổi tiếng trong kho tàng âm nhạc thế giới. Đây sẽ là dự án nghệ thuật đầy tham vọng đánh dấu những hợp tác nghệ thuật ý nghĩa của HBSO với nghệ sĩ tài năng Bùi Công Duy và các nghệ sĩ khách mời thân thiết đến từ Mỹ trong nhiều năm qua.

Các bản concerto (công-xéc-tô) có một lịch sử lâu dài và hấp dẫn kéo dài hàng trăm năm. Được phát triển lần đầu tiên vào thế kỷ 17 trong thời kỳ Baroque, thể loại này đã trở nên nổi bật trong thời kỳ Cổ điển và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay. Các bản concerto thường có một nhạc cụ hoặc một nhóm nhạc cụ độc tấu cùng với một dàn nhạc giao hưởng đầy đủ. Cấu trúc này cho phép sự thể hiện sáng tạo vô hạn của các nhà soạn nhạc cũng như người nghệ sĩ biểu diễn và đặc biệt phù hợp với âm nhạc đa tuyến tính và nhạc kịch.

Đêm hòa nhạc của Bùi Công Duy và các khách mời đặc biệt đến từ Mỹ

Những nhà cách tân concerto ban đầu như Corelli và Vivaldi, dựa vào một nhóm nhỏ các nghệ sĩ độc tấu biểu diễn cùng với dàn nhạc lớn hơn để tạo mối tương hỗ, thúc đẩy lẫn nhau. Định dạng này dần dần được chuyển thành concerto độc tấu trong thời kỳ Cổ điển, được phát triển tột bậc bởi các nhà soạn nhạc như Mozart, Haydn và Beethoven. Những nhà soạn nhạc này đã sử dụng các bản concerto để làm nổi bật năng lực kỹ thuật và khả năng biểu đạt của các nghệ sĩ độc tấu trong khuôn khổ cấu trúc ba chương.

Trong thời kỳ Lãng mạn, các nhà soạn nhạc như Brahms và Tchaikovsky đã mở rộng phạm vi cảm xúc của các bản concerto, thế kỷ 20 chứng kiến nhiều sự thử nghiệm cả về hình thức và âm sắc. Ngày nay, concerto tiếp tục phát triển, bao gồm các phong cách âm nhạc đa dạng và cách dàn dựng sáng tạo, thể hiện sức hấp dẫn lâu dài của sự tương tác giữa nghệ sĩ độc tấu và dàn nhạc.

Mở màn đêm nhạc 25/8 là bản “Concerto grosso cho violin, piano, bộ gõ và dàn dây” của nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh. Anh tốt nghiệp thạc sĩ sáng tác âm nhạc xuất sắc tại Nhạc viện Quốc gia Magnitogorsk với các tác phẩm viết cho hòa tấu thính phòng được biểu diễn thường xuyên tại các thành phố Nga. Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy sẽ trình tấu cùng pianist Ju Sun Young, Chương Ngọc Hồng Minh (percussion), bộ gõ và dàn dây.

Phần còn lại của đêm nhạc sẽ dành cho hai nhà soạn nhạc châu Âu. Đầu tiên là bản song tấu cho violin, viola và dàn nhạc, cung mi thứ của nhà soạn nhạc người Đức Max Bruch với phần trình tấu của hai nghệ sĩ Bùi Công Duy và Yi Wen Chao. Được sáng tác vào năm 1911, tác phẩm nắm bắt được cả chiều sâu biểu cảm của thời đại và sự xuất sắc trong giai điệu của Bruch thông qua sự tương tác giữa hai nhạc cụ độc tấu và dàn nhạc trong nghệ thuật phối khí tuyệt vời.

Cuối cùng, bản song tấu cho violin, cello và dàn nhạc, cung la thứ sẽ nhấn mạnh thêm sự phức tạp có trong các bản concerto. Được sáng tác vào năm 1887, nó đặt các nhạc cụ độc tấu vào một cuộc đối thoại nội tâm và phong phú trong khuôn khổ dàn nhạc. Tác phẩm được thể hiện bởi nghệ sĩ Bùi Công Duy và Phan Đỗ Phúc.

Đêm hòa nhạc của Bùi Công Duy và các khách mời đặc biệt đến từ Mỹ
Đặng Hồng Anh

Chương trình ngày 26/8 sẽ bắt đầu với “Việt Nam bốn mùa” cho 2 đàn violin và dàn nhạc của Đặng Hồng Anh do hai nghệ sĩ Bùi Công Duy và Chương Vũ thể hiện cùng dàn nhạc giao hưởng HBSO. Sinh năm 1969 tại Hà Nội, cô nhận bằng thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Liên bang Nga năm 1998. Kể từ đó, cô đã viết các tác phẩm độc tấu, hòa tấu, dàn nhạc giao hưởng, thanh nhạc và hợp xướng đã được biểu diễn khắp châu Âu, châu Á và Việt Nam. “Việt Nam bốn mùa” gồm 4 chương đúng như tên gọi của bản concerto: I. Mùa Xuân: Lúa vàng, II. Mùa Hạ: Chèo thuyền, III. Mùa Thu: Lễ Phật trong Chùa và IV. Mùa Đông: Múa Rồng đón Tết.

Phần cuối của chương trình sẽ là “Bản concerto cho ba đàn violon, cello, piano và dàn nhạc” của thiên tài âm nhạc L.v.Beethoven. Được sáng tác vào năm 1803, đây là một tác phẩm giao hưởng độc đáo khác với thể thức concerto truyền thống bằng cách sử dụng ba nhạc cụ độc tấu. Thông qua cấu trúc thử nghiệm và giai điệu quyến rũ dựa trên tiếng violin, cello và piano trò chuyện với nhau, bản concerto thể hiện tinh thần sáng tạo và khả năng sáng tác đáng kinh ngạc của Beethoven đồng thời mang đến cho khán giả một cách hiểu mới về các bản concerto nói chung.

Đêm hòa nhạc của Bùi Công Duy và các khách mời đặc biệt đến từ Mỹ
NSƯT Bùi Công Duy

NSƯT Bùi Công Duy là nghệ sĩ violin tài năng của Việt Nam từng đoạt giải Nhất và Huy chương vàng tại cuộc thi Tchaikovsky dành cho nghệ sĩ trẻ lần thứ 3 năm 1997, được đánh giá cao về phong cách biểu diễn thanh thoát mà vẫn say đắm mạnh mẽ cùng kỹ thuật xuất sắc. Anh phát triển sự nghiệp của mình trở thành một nghệ sĩ độc tấu và nhà sư phạm âm nhạc quốc tế. Ngoài cương vị Phó giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, anh là Giám đốc Nghệ thuật của Vietnam Classical Players và là Giám đốc điều hành của liên hoan âm nhạc Vietnam Connection Music Festival.

Những nghệ sĩ khách mời nổi tiếng trong hai đêm hòa nhạc bao gồm:

Nghệ sĩ violin quốc tế Chương Vũ trở về từ Mỹ, anh từng biểu diễn 25 concerto và các tác phẩm nổi tiếng viết cho đàn violin và dàn nhạc qua nhiều phòng hòa nhạc danh tiếng tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Việt Nam… Tiến sĩ Chương Vũ từng giảng dạy tại Đại học Bắc Texas và Đại học Texas ở Arlington. Anh là Giám đốc Nghệ thuật của Liên hoan Âm nhạc Vietnam Connection và Cố vấn Nghệ thuật của Cuộc thi Âm nhạc quốc tế Việt Nam.

Đêm hòa nhạc của Bùi Công Duy và các khách mời đặc biệt đến từ Mỹ

Grace Ho là nghệ sĩ cello người Mỹ gốc Đài Loan. Cô xuất hiện với tư cách nghệ sĩ độc tấu với nhiều Dàn nhạc giao hưởng quốc tế nổi tiếng tại Hoa Kỳ và châu Á. Grace là thành viên sáng lập của Tứ Tấu Đàn Dây Ulysses và trở thành thành viên của Dàn nhạc thính phòng Shattered Glass, bè trưởng cello của Dàn nhạc giao hưởng Miami. Năm 2015, cô đã vinh dự khi được biểu diễn cùng nghệ sĩ cello nổi tiếng thế giới, David Geringas trong chương trình biểu diễn của ông tại New York.

Đêm hòa nhạc của Bùi Công Duy và các khách mời đặc biệt đến từ Mỹ
Grace Ho

Max Levinson là nghệ sĩ piano người Mỹ đầu tiên giành được giải Nhất trong Cuộc thi Dublin International Piano Competition vào năm 1997 và là người chiến thắng giải thưởng “Người chơi tác phẩm mới hay nhất” với tác phẩm đặc biệt sáng tác riêng cho cuộc thi năm đó. Ông cũng thường xuyên được mời biểu diễn các chuỗi chương trình trên đài phát thanh quốc tế. Ngoài ra, các bản thu âm của ông còn được phát hành bởi các hãng như Stereophile and Warner Classics/ Japan, và Virtuoso Disklavier.

Yi-Wen Chao là nghệ sĩ viola người Đài Loan đầu tiên được nhận bằng Tiến sĩ về biểu diễn tại trường Juilliard. Cô thường xuyên biểu diễn và giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi ở châu Á, châu Âu châu Mỹ và vinh dự khi được nhạc trưởng lừng danh Sergiu Comissiona nhận xét là một nghệ sĩ với lối chơi nhạc “biểu cảm, thông minh và cá tính”.

Đêm hòa nhạc của Bùi Công Duy và các khách mời đặc biệt đến từ Mỹ
Phan Đỗ Phúc

Nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc đã giành được nhiều thành công trên thế giới với tư cách là nghệ sĩ độc tấu, hòa tấu và nhạc công dàn nhạc. Anh từng đảm nhiệm vai trò bè trưởng cello của nhiều dàn nhạc danh tiếng ở Mỹ và quốc tế, bao gồm New York Classical Player Orchestra, Stony Brook Symphony Orchestra, Stony Brook Contemporary Chamber Players, Stony Brook Baroque Players, Napa Valley Festival Orchestra.

Đêm hòa nhạc của Bùi Công Duy và các khách mời đặc biệt đến từ Mỹ
Honna Tetsuji

Chỉ huy hai đêm nhạc đặc biệt này là nhạc trưởng danh tiếng người Nhật Bản, Honna Tetsuji, người đã từng đạt giải nhì tại cuộc thi chỉ huy quốc tế Tokyo (1985), Giải nhì tại cuộc thi Chỉ huy quốc tế Arturo Toscanini – Italia (1990), Giải nhất và giải Bartok tại cuộc thi Chỉ huy quốc tế Budapest (1992), Giải thưởng Muramatsu (1994), Giải Fresh Arrtist của giải thưởng Âm nhạc của Nippon Steel Music (1995). Ông đã có được sự nghiệp quốc tế đầy uy tín với nhiều chương trình biểu diễn tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc…