Killers of the Flower Moon (2023) Tựa Việt: Vầng trăng máu Đạo diễn: Martin Scorsese Diễn viên: Leonardo Dicaprio Robert De Niro Lily Gladstone Brendan Fraser Điểm số từ TGĐA: 9/10 |
Lấy cảm hứng từ “vết nhơ” trong lịch sử nước Mỹ
Killers of the Flower Moon được Martin Scorsese lấy cảm hứng từ cuốn sách cùng tên của David Grann, thuật lại một trong những vụ thảm sát hàng loạt dã man nhất lịch sử Mỹ trong bối cảnh đầu những năm 1900, khi nạn nhân chính là một trong những bộ tộc thổ dân hùng mạnh nhất thời bấy giờ, những người Osage.
Với nguồn tài nguyên dầu mỏ quý giá tại vùng đất mình sinh sống, người Osage trở thành tầng lớp giàu có nhất ở Oklahoma, khiến giới tư bản Mỹ phải ganh tỵ, hình thành âm mưu chiếm đoạt tài sản của họ, bất chấp bàn tay có nhuốm máu. Toàn bộ nhân vật trong phim đều có thật ngoài đời, và Martin Scorsese đã đích thân chọn lọc diễn viên kỹ càng để hiện hết “bản tuyên án” qua điện ảnh mà ông cực kỳ tâm huyết này.
Phim dựa trên vụ án có thật gây rúng động nước Mỹ |
Riêng hai vai chính quan trọng, Scorsese vẫn quyết định lựa chọn Robert De Niro và Leonardo Dicaprio, hai ngôi sao đã từng xuất hiện qua nhiều tác phẩm của đạo diễn kỳ cựu.
Killers of the Flower Moon mở đầu khi nhân vật Ernest Burkhart trở về từ Thế chiến I, tỏ ra là kẻ ham chơi lười làm và được ông chú William Hale – chủ trang trại giàu có ở Osage gợi ý tán tỉnh Mollie, tiểu thư của một gia đình bản địa. Dù rằng Ernest và Mollie hình thành tình cảm chân thật để đi tới hôn nhân, nhưng William Hale lại âm mưu thao túng cháu trai hãm hại Mollie nhằm giành lấy quyến sở hữu dầu mỏ. Hàng loạt cái chết bí ẩn được diễn ra mà nạn nhân đều là những người Osage. Đến khi Mollie chứng kiến gần như toàn bộ gia đình mình bỏ mạng, cô mới quyết định vùng lên để tìm lại công lý.
Câu chuyện tình tưởng như đẹp lại bị lòng tham vấy bẩn |
Bữa tiệc diễn xuất đỉnh cao
Thật thiếu công bằng khi khen ngợi bộ phim mà không kể tới công sức của Thelma Schoonmaker – nhà dựng phim gạo cội đã theo chân Martin Scorsese trong suốt sự nghiệp của ông, điển hình qua các tác phẩm Taxi Driver hay The Wall of Wolf Street. Một trong những phương châm yêu thích của Thelma, chính là hãy “chậm lại” nếu giúp ích cho câu chuyện, hay tập trung nhiều hơn vào phản ứng của người đối diện với người đang nói trong cảnh hội thoại, nhưng lại kích thích thị giác và tưởng tượng của khán giả về thái độ và suy nghĩ của nhân vật.
Thế nên với thời lượng 3 tiếng rưỡi hơn, màn trình diễn của diễn viên đặc biệt rất quan trọng vì dù thủ thuật có “cao siêu” đến nhường nào, diễn viên chính là nhân tố hàng đầu níu giữ khán giả ở lại tới phút cuối cùng. Vai chính Ernest Burkhart do Leonardo Dicaprio đảm nhận với sự thăng hoa hoàn hảo, đã khiến gã hiện lên là một kẻ bạc nhược và ngu si, không dám vùng vẫy chống lại sự thao túng từ chú mình. Biểu cảm của Dicaprio tỏ rõ việc bị đè nén đến cùng cực, nhưng vẫn để người xem chờ mong anh ta có thể thay đổi, để rồi lại thất vọng khi Ernest nhẫn tâm đầu độc vợ mình ngày qua ngày.
Bộ phim là bữa tiệc “thượng hạng” về diễn xuất |
Robert De Niro cũng có một màn trình diễn bậc thầy, bởi đóng vai kẻ ngụy quân tử bề ngoại đạo mạo, bên trong tiểu nhân quả thực không dễ dàng. Nhân vật William Hale làm khán giả tức tối phát điên bởi đến cuối cùng khi sắp bị vạch trần tội ác, ông ta vẫn cố làm như “ban phát” tình yêu thương cho cháu trai mình. Nhiều người nói khuôn mặt của De Niro không phù hợp để đóng phản diện, nhưng ngôi sao Taxi Driver đã có màn hóa thân tròn trịa, bởi không gì đáng sợ hơn khi kẻ ác giấu đi tâm địa xấu xa đằng sau sự ân cần.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại dự đoán Lily Gladstone (vai Mollie) có triển vọng sáng giá tại Oscar năm sau, khi diễn xuất của cô quá hợp với phong cách của Martin Scorsese, qua ánh mắt vừa đề phòng, lại sợ hãi khi phải sống trong một thế giới đầy những kẻ giấu dao sau lưng. Càng về cuối phim, Mollie lại càng có ít câu thoại khi máy quay của Scorsese như nói thay lời của khán giả, để tập trung vào biểu cảm của Lily nhằm tôn lên ánh mắt khinh bỉ dành cho những kẻ coi rẻ mạng người.
Lily Gladstone vô cùng tỏa sáng |
Kỹ càng từng tiểu tiết
200 triệu USD cho một phim chính kịch, với nhiều người đây là con số điên rồ nhưng với Martin Scorsese thì không, bởi ông chăm chút từng cảnh quay, nhằm tái hiện bức tranh lịch sử đẫm máu và đau thương qua nghệ thuật.
Từ trang phục, nhà ở, phong tục ma chay cưới hỏi của người Osage nếu đem so sánh với tư liệu ngoài đời, chúng ta chắc chắn đều không thấy nhiều sự khác biệt. Cách người Osage nhìn thấy con cú trước khi về cõi vĩnh hằng, cũng được mô tả trong phim, đủ thấy Martin Scorsese đã tìm hiểu kỹ càng về cộng đồng này ra sao, bởi có lẽ ông muốn bộ phim đạt được sự cân bằng về văn hóa lẫn lịch sử.
Ở đoạn mở đầu phim, là cảnh người Osage vui mừng nhảy múa trong tiếng trống dập dồn trong cơn mưa vàng đen phun lên từ lòng đất, nhuộm lấy cơ thể họ, được tôn lên qua khung hình có chuyển động chậm với nhiều màu sắc lấp lánh, như mang lại thông điệp dầu mỏ là món quà từ mẹ thiên nhiên dành cho người Osage và không ai có quyền tước đoạt chúng. Nhưng từ đó về sau, xuyên suốt phim là tông màu lạnh lẽo và nhợt nhạt, ngầm ý khẳng định vùng đất trù phú Osage đang bị kẻ ác rút máu từng chút một, không chỉ về tài nguyên mà chính những người con ruột thịt nơi đây. Điều này cũng đôi chút khác với các phim của Scorsese, bởi thông thường ông thích dùng màu sắc sống động
Có một điều khá đáng quan tâm khác, là trong các cảnh người thân của Mollie bị ám sát, Scorsese chủ đích quay cảnh toàn, nhưng tăng âm thanh tối đa cho tiếng súng, làm dấy lên nỗi sợ hãi len lỏi trong tâm trí khán giả hơn là một cú đánh trực diện vào thị giác. Ý đồ này càng được nhân lên với cách sử dụng âm nhạc “rình rập” mang âm hưởng thổ dân, hơn là dùng những bản giao hưởng bi tráng như các phim bi kịch khác vẫn làm, nhằm kích thích trí tưởng tượng rằng người Osage giống như những con thú tội nghiệp không biết lúc nào sẽ bị kẻ đi săn vồ lấy.
Theo như cuốn sách gốc, vụ án ở Osage là tiền đề ra đời của F.B.I (Cục Điều tra Liên bang) nhưng Martin Scorsese chủ đích làm cho vai trò của cơ quan chức năng rất mờ nhạt trong phim, thậm chí gần cuối phim, viên thám tử Tom White mới xuất hiện, bởi nhà làm phim tài ba không chủ đích ca ngợi hay kể lại chi tiết điều gì, mà ông muốn để khán giả sống trong căng thẳng và lo âu suốt hơn 3 tiếng rưỡi, bởi nếu đã có công bằng, thì những mạng người đáng thương trong phim đã không bị tiêu diệt, bị tận diệt bằng súng, bằng thuốc độc, bằng nổ bom một cách tàn bạo như vậy.