Tính đến ngày 3-12, tỉ giá trung tâm do Ngân hàng (NH) Nhà nước công bố đã giảm khoảng 177 đồng/USD so với mức đỉnh giữa tháng 10, còn 23.923 đồng/USD. Giá USD ở các NH thương mại cũng giảm đáng kể, còn khoảng 24.080 đồng/USD mua vào, 24.440 đồng/USD bán ra.
/* Docnhanh_dekstop_300x250 */
google_ad_slot = “Docnhanh_dekstop_300x250”;
google_ad_width = 300;
google_ad_height = 250;
Dòng tiền mất hút
Không chỉ tỉ giá hạ nhiệt mà lãi suất tiền gửi cũng về mức thấp kỷ lục hơn cả giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát. Động thái mới nhất trên thị trường tiền gửi là “ông lớn” Vietcombank đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, các kỳ hạn trên 12 tháng chỉ còn 4,8%/năm; các NH khác như BIDV, Agribank, VietinBank lãi suất cao nhất cũng chỉ khoảng 5,3%/năm.
Trong bối cảnh tỉ giá giảm nhanh, lãi suất thấp kỷ lục, thị trường kỳ vọng chứng khoán sẽ là kênh hút dòng tiền nhàn rỗi. Có điều diễn biến thực tế của thị trường chứng khoán lại không như mong muốn của các nhà đầu tư.
Cụ thể, sau đợt điều chỉnh 2 tháng 9 và 10 khiến VN-Index từ 1.250 điểm còn 1.020 điểm, thị trường phục hồi nhanh trong những ngày đầu tháng 11 rồi lình xình suốt thời gian còn lại của tháng với dòng tiền thấp nhất trong vòng 6 tháng. Đặc biệt, thanh khoản bình quân tuần cuối tháng 11 chỉ đạt khoảng 13.000 tỉ đồng/phiên.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và chiến lược thị trường – Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhận định thanh khoản giảm khá mạnh trong tuần từ ngày 27-11 đến 1-12 là do VN-Index bước vào nhịp tích lũy và chưa hình thành xu hướng rõ nét khiến dòng tiền đầu cơ thận trọng hơn, bất chấp những thông tin vĩ mô tích cực cả trong lẫn ngoài nước.
“Lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành trong cuộc họp sắp tới. Trong nước, đà phục hồi của nền kinh tế trong tháng 11 với sản lượng công nghiệp, tổng mức bán lẻ và số liệu xuất khẩu đều khả quan hơn tháng trước.
Lạm phát và tỉ giá USD/VNĐ hạ nhiệt tạo điều kiện để NH Nhà nước tiếp tục bơm ròng qua kênh thị trường mở (OMO), qua đó kéo lượng tín phiếu đang lưu hành về còn khoảng 15.000 tỉ đồng, sẽ giúp tâm lý nhà đầu tư cải thiện hơn” – ông Hinh nói.
Vì sao chứng khoán chưa tăng tốc?
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), cho rằng trong đợt điều chỉnh của thị trường chứng khoán từ vùng đỉnh của năm ở 1.250 điểm về sát 1.020 điểm vào cuối tháng 10, nhiều ý kiến cho rằng do tác động mạnh từ áp lực tỉ giá lên mức cao nhất trong năm nhưng đây chỉ là một trong các nguyên nhân.
VN-Index còn ảnh hưởng bởi diễn biến tăng mạnh của lợi suất trái phiếu Mỹ khiến chứng khoán Mỹ và toàn cầu điều chỉnh giảm; NH Nhà nước hút tiền thông qua kênh tín phiếu; nhà đầu tư nước ngoài bán ròng; diễn biến sụt giảm của nhóm cổ phiếu trụ cột như Vingroup, Masan, Sabeco…
“Tỉ giá ngắn hạn hạ nhiệt trở lại là một thông tin tích cực nhưng phản ánh vào diễn biến chung của thị trường trong ngắn hạn không nhiều. Tuy vậy, về lâu dài sẽ thể hiện rõ nét” – ông Sơn nói.
Các chuyên gia của nhóm nghiên cứu vĩ mô và chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhấn mạnh trong lịch sử của thị trường chứng khoán, tỉ giá ổn định luôn là một điều kiện cần thiết cho thị trường giá lên. Khi đó, các doanh nghiệp niêm yết có hoạt động vay ngoại tệ hạn chế được biến động về kinh doanh, những thành phần tham gia thị trường có vốn đầu tư nước ngoài tránh được sự rút vốn bất ngờ.
Có điều, trong bối cảnh VN-Index hiện còn nhiều biến số (tăng trưởng kinh tế còn ảm đạm, tín hiệu phục hồi chưa rõ ràng của lĩnh vực xuất nhập khẩu, cầu tiêu dùng trong nước còn yếu; những rủi ro cá biệt của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn…) rất khó kỳ vọng chứng khoán tích cực trong ngắn hạn.
Ông Lê Văn Hà, Giám đốc kinh doanh Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng khi tỉ giá ổn định, nhà đầu tư nước ngoài bớt rút ròng, nhà đầu tư trong nước yên tâm hơn về vĩ mô trong quý IV sẽ giúp thị trường ổn định hơn.
Tuy vậy, những yếu tố tác động tăng, giảm ngắn hạn của thị trường chứng khoán không chỉ có tỉ giá mà còn nhiều yếu tố khác. “Chỉ cần những biến số khác thay đổi thì thị trường chứng khoán có thể biến động mạnh ngay lập tức” – ông Hà nói.
Một yếu tố nữa là nhà đầu tư Việt Nam thường ưu tiên chọn kênh an toàn là gửi tiết kiệm hoặc đổ tiền vào bất động sản, còn xem chứng khoán là kênh “lướt sóng” ngắn hạn. Khi bất động sản “đóng băng”, họ tìm đến kênh tiết kiệm để “trú ẩn” chờ thời. Với cổ phiếu, lúc thị trường biến động mạnh, rủi ro thì nhà đầu tư e ngại, không dám bỏ tiền vào.
Tuy vậy, ở góc độ vĩ mô, các chuyên gia cho rằng tỉ giá giảm dịp cuối năm là tin vui với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu bằng USD. Gánh nặng chi phí giảm, giá cả các hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới cũng giảm sẽ hỗ trợ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng trở lại, từ đó tác động tích cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Một số nhóm ngành thường có tỉ trọng nhập khẩu nguyên liệu cao như giấy, nhựa, thực phẩm, sắt thép, xăng dầu… cũng có thể được hưởng lợi. Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp có vay nợ bằng đồng USD như ngành điện, dầu khí, bất động sản, hàng không… cũng được “nhẹ gánh” áp lực tỉ giá.
Bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư chứng khoán của VinaCapital, phân tích tỉ giá hạ nhiệt sẽ có lợi cho định giá doanh nghiệp niêm yết, cổ phiếu. “Khi tỉ giá hạ nhiệt, các áp lực lên lãi suất, lợi nhuận doanh nghiệp cũng như tâm lý nhà đầu tư đều được giải tỏa, dẫn đến xu hướng nhà đầu tư có thể chấp nhận được mức định giá cổ phiếu cao hơn” – bà Thu nói.
Theo Thái Phương (Nld.com.vn)
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});