Gần đây tại các Liên hoan phim hàng đầu thế giới, ngày càng nhiều tác phẩm Việt Nam được công chiếu và vinh danh, tiêu biểu có Bên trong vỏ kén Vàng của Phạm Thiên Ân đoạt giải Camera Vàng tại LHP Cannes 2023. Theo nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, người đã có nhiều năm đồng hành với các chương trình ươm mầm tài năng điện ảnh trẻ như Dự án phim ngắn CJ, Gặp gỡ mùa thu… điều này cho thấy có một thế hệ tài năng của điện ảnh Việt đang vươn mình ra “biển lớn”.
Trở về từ LHP quốc tế Tokyo 2023, chị nhận thấy có điều gì ở điện ảnh thế giới mà các nhà làm phim tại Việt Nam, đặc biệt là các nhà làm phim trẻ, có thể hướng đến?
Tôi thấy với đạo diễn trẻ thì khó khăn khá giống nhau, bất kể bạn đến từ quốc gia nào. Ở nước khác, đạo diễn cũng phải đi dạy học, làm truyền hình, quảng cáo để kiếm sống trong lúc chờ đợi bộ phim điện ảnh được làm. Vậy là những khó khăn của chúng ta cũng rất “bình thường”, không nằm ngoài vòng xoay của thế giới, cùng khổ như nhau khi bước chân vào con đường làm phim, đặc biệt là những phim đầu tay!
Có điều khi ngồi xem phim thì những yếu tố này không được tính đến, nó chỉ là câu chuyện bên lề thôi, điều quan trọng là bộ phim thế nào.
Ở vai trò giám khảo, tôi được xem đủ một bộ sưu tập phim tranh giải, có được cái nhìn toàn cảnh. Tôi nghĩ đã đi theo dòng phim nghệ thuật thì việc tránh những điều cũ kỹ, thông thường là rất quan trọng. Một sáng tạo nhỏ nhưng mới mẻ sẽ luôn được đánh giá cao.
Phải chăng điện ảnh Việt đang có một “làn sóng mới”? Nếu có, theo chị chúng ta cần làm gì để nâng đỡ và đẩy mạnh “làn sóng” này?
Tôi nghĩ đứng ở góc độ sáng tạo, tài năng, thì có vẻ như nước ta đang có một thế hệ các nhà làm phim trẻ được nhắc đến ngày càng nhiều hơn ở các Liên hoan phim quan trọng của thế giới và khu vực. Tôi thấy một số nhà làm phim trẻ rất mạnh mẽ, xông xáo và chủ động.
Nhưng tài năng thôi chưa đủ, vì điện ảnh cần tài chính, để hiện thực hóa các dự án này tôi nghĩ chúng ta vẫn đang thiếu nhiều nhà sản xuất, thiếu thể chế hỗ trợ tài chính ví dụ như quỹ hỗ trợ điện ảnh trong nước.
Điều này đặc biệt nguy hiểm khi ở các nước láng giềng xung quanh họ vận động và thay đổi theo dòng chảy này rất nhanh, các Chính phủ liên tục tạo ra Quỹ hỗ trợ điện ảnh để giúp các nhà làm phim. Nên nếu chúng ta không làm gì sẽ rất dễ bị tụt lại phía sau và uổng phí một thế hệ tài năng.
Thế nên những chương trình như Dự án phim ngắn CJ là rất cần thiết và nên hiện diện thường xuyên qua các năm, bởi việc đãi cát tìm ra nhân tài là việc cần sự kiên nhẫn, bền bỉ. Bên cạnh đó, những mô hình thế này cũng tạo ra một môi trường điện ảnh lành mạnh cho các nhà làm phim trẻ phát triển.
Là giám khảo của Dự án phim ngắn CJ, chị có nhận định như thế nào về các thí sinh năm nay?
Tôi thấy các thí sinh mùa 4 rất trẻ, và các bạn đều chia sẻ tình yêu điện ảnh thông qua các dự án của mình. Tôi thấy được vấn đề nhiều bạn trẻ quan tâm bây giờ, các vấn đề trong gia đình, mâu thuẫn thế hệ, sự cô đơn lạc lõng của con người trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên các bạn vẫn cần chỉn chu hơn trong quá trình thực hiện dự án, tránh mắc một số lỗi về mặt chuyên môn.
Vậy đâu là bí quyết để các nhà làm phim trẻ của chúng ta có thể tiến xa hơn trên con đường làm phim tương lai?
Làm và làm thôi, không bỏ cuộc.