Một số tổ chức “cá mập” bắt đầu trở lại giải ngân ở nhiều mã cổ phiếu. Chứng khoán Việt liệu có đang ở chân một con sóng tăng giá thập kỷ?
Một tuần ảm đạm
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần ảm đạm 18-22/12 với thanh khoản rất thấp, trung bình đạt khoảng 14.000 tỷ đồng/phiên. Dòng tiền tỷ USD trước đó đã không còn. Thị trường rơi vào tình trạng thiếu thông tin hỗ trợ và xu hướng bán ròng của khối ngoại tiếp diễn.
Trong tuần qua, chỉ số VN-Iindex tăng nhẹ và vẫn quanh ở ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.100 điểm.
Điểm nổi bật trong tuần vừa rồi là sự tăng giá trở lại của cổ phiếu ngành thép sau thông tin châu Âu tăng giá thép cuộn cán nóng HRC, trong khi đó giá quặng sắt tiếp đà giảm. Đây là thông tin tích cực đối với cổ phiếu nhóm này.
Sự hồi phục của một số cổ phiếu ngành thép, trong đó có Thép Nam Kim (NKG), Hoa Sen (HSG), Hòa Phát (HPG)… góp phần giúp thị trường có những phiên tăng nhẹ trong bối cảnh sự ảm đạm bao trùm.
Nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ cũng góp phần giúp thị trường tránh khỏi tình cảnh giảm mạnh. Giới đầu tư kỳ vọng vào sự gia tăng hoạt động mua bán hàng hóa trong dịp Tết dương lịch và Nguyên đán sắp tới.
Cổ phiếu Thế Giới Di Động (MWG) tăng khá mạnh trở lại với sự quay đầu mua ròng của khối ngoại. MWG ghi nhận 3 phiên tăng điểm trong 5 phiên. Các nhà đầu tư nước ngoài mua hơn 15 triệu cổ phiếu MWG trong 5 phiên qua.
Dù vậy, sức nặng của nhóm cổ phiếu bất động sản đã kéo thị trường chung đi xuống.
Thông tin Quốc hội đề nghị chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp bất thường trong tháng 1/2024 đã khiến cổ phiếu ngành bất động sản diễn biến tiêu cực.
Giới đầu tư nhìn chung đa số thận trọng vào thời điểm cuối năm và đà bán ròng 18 phiên liên tiếp của khối ngoại chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong tuần 18-22/12, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,06% lên 1.013,06 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 0,55% lên 228,27 điểm. Upcom-Index tăng 1,28% lên 86,14 điểm.
Tuần qua, cổ phiếu MWG, BIDV và ACB là các mã vốn hóa lớn có tác động tích cực lên thị trường chung với mức tăng tương ứng là 3,4%, 2,3% và 2%. Ngược lại, nhiều mã ngân hàng và dầu khí gây áp lực lên chỉ số chung với Vietcombank (VCB) giảm 1,6%, VPBank (VPB) giảm 2,9% và GAS giảm 1,7%.
Thanh khoản 3 sàn suy giảm hơn 17% so với tuần trước đó, xuống 14.752 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng 2.679 tỷ đồng trên 3 sàn.
Cá mập trở lại, thị trường đang ở chân sóng thập kỷ?
Gần đây, thị trường chứng khoán ghi nhận sự quay trở lại mua vào của một số quỹ đầu tư ở một số mã cổ phiếu.
Quỹ đầu tư số 1 tại Việt Nam – Dragon Capital với quy mô tài sản ròng (NAV) lên tới 1,7 tỷ USD gần đây đẩy mạnh mua vào cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long. Cụ thể, HPG đã trở lại vị trí số 1 trong danh mục đầu tư của Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) – quỹ thuộc Dragon Capital.
VEIL đang nắm giữ khoảng 140 triệu cổ phiếu HPG, trị giá khoảng 156 triệu USD, tương đương tỷ trọng 9,14%. Đây là lần đầu tiên sau 2 năm, HPG trở lại vị trí số 1 trong danh mục của quỹ này.
Gần đây, giữa lúc khối ngoại “xả hàng”, quỹ đầu tư Fubon ETF bất ngờ âm thầm mua ròng nhiều phiên, giải ngân hơn 300 tỷ đồng mua cổ phiếu Việt Nam, trong đó có nhiều mã như chứng khoán VNDirect (VND), Ngân hàng SHB, cổ phiếu HPG, KDH.
Hoạt động mua ròng cổ phiếu Việt của quỹ Fubon ETF là điểm sáng trong bối cảnh thị trường chứng khoán chứng kiến cảnh khối ngoại bán mạnh cả tỷ USD trong năm 2023. Fubon cũng là quỹ ETF có quy mô lớn nhất trên TTCK Việt Nam.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VnDirect cho rằng, việc khối ngoại bán ròng khiến khối nội chùn bước. Tuy nhiên, trong tuần mới, khi nhiều thị trường phát triển sẽ đóng cửa một vài phiên để nghỉ lễ, áp lực bán của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể hạ nhiệt.
Dù vậy, sự thận trọng của nhà đầu tư nội chưa thể giải tỏa hoàn toàn. Các chỉ số chứng khoán khó có thể kỳ vọng bứt phá mạnh trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2023.
Mặc dù khối ngoại bán ròng mạnh trong năm 2023 nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, giao dịch của khối này không quá đáng ngại và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm trở lại với chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh vĩ mô Việt Nam vẫn khá tốt.
Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn thuộc top đầu trong khu vực châu Á và được dự báo sẽ tiếp tục cải thiện trong các năm tới. Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài, gồm nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.
Hiện các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi thông tin chính thức về hệ thống giao dịch chứng khoán công nghệ Hàn Quốc KRX, có thể sẽ được đưa vào hoạt động như kế hoạch trong tuần tới hoặc sang đầu năm sau. Các cổ phiếu chứng khoán gần đây vẫn hút dòng tiền và tăng điểm.
Trong tuần tới, nhiều CTCK dự báo thị trường sẽ khó bứt phá. Chứng khoán VCBS cho rằng, VN-Index vẫn sẽ tiếp tục tích lũy và tiếp diễn xu hướng phục hồi trong thời gian tới.
Về dài hạn, nhiều chuyên gia đến từ quỹ đầu tư và công ty chứng khoán vẫn cho rằng, TTCK Việt Nam đang ở chân một con sóng mới, có thể rất dài – một con sóng tăng giá thập kỷ.
Theo FinPeace, VN-Index đang trong pha tích luỹ chuẩn bị bước vào sóng mới. Thị trường trong giai đoạn này thanh khoản chưa tăng rõ rệt và ít nhà đầu tư tham gia. Nhưng ở thời điểm này, có thể chọn mua những cổ phiếu an toàn và có giá trị tốt. Tổ chức này cho rằng, dòng tiền có thể quay trở lại sau mùa kết quả kinh doanh quý IV.
Theo Chứng khoán MSB, định giá thị trường đã hấp dẫn hơn và đây là cơ hội tích lũy dài hạn. MSB dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng 16,8% trong năm 2024. Xuất khẩu, sản xuất, tiêu dùng có xu hướng cải thiện trong những tháng cuối năm 2023 và lãi suất cùng tỷ giá hạ nhiệt. Trong năm 2024, các ngành như ngân hàng, vật liệu xây dựng, bán lẻ tiêu dùng… sẽ hồi phục.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});