Những tàu ngầm tự chế thô sơ vượt Đại Tây Dương để chuyển hàng tấn cocaine đến châu Âu, khiến tội phạm ma túy ở châu lục ngày càng phức tạp.
Tại khu trưng bày ở Học viện Cảnh sát Tây Ban Nha ở Avila, phóng viên Nick Beake của BBC, được phép bước vào trong con tàu ngầm tự chế dài 20 mét, làm bằng sợi carbon, được trưng bày 4 năm qua.
Đây là tàu ngầm tự chế đầu tiên bị giới chức phát hiện khi đang vận chuyển cocaine từ Nam Mỹ đến châu Âu. Nhấc nắp tàu vào bên trong, ấn tượng đầu tiên của Beake là không gian chật chội, ngột ngạt và mọi thứ đều thô sơ “đáng ngạc nhiên”.
Khu vực điều khiển là một bánh lái kim loại, phía trên có vài đồng hồ cơ khí, chiếc chìa khóa rỉ sét vẫn cắm trong ổ khởi động. Người lái có thể đứng ở vị trí này và quan sát tình hình bên ngoài qua những ô cửa kính nhỏ trên “đài chỉ huy”.
Tàu ngầm tự chế này có thể mang theo 20.000 lít nhiên liệu. Khi vận hành, động cơ phát tiếng ồn rất lớn và tỏa nhiệt cao.
Vẻ bề ngoài và bên trong của nó khiến ngay cả những thuyền trưởng dày dặn kinh nghiệm nhất cũng phải lắc đầu. Nhưng cách đây 4 năm, ba người đàn ông đã thực hiện hành trình xuyên Đại Tây Dương trong 27 ngày bên trong chiếc tàu ngầm tự chế này.
Năm 2019, hai anh em người Ecuador và một cựu võ sĩ Tây Ban Nha khởi hành từ rừng nhiệt đới Brazil, đi dọc sông Amazon. Bên trong chiếc tàu ngầm chật chội là những thanh năng lượng, cá hộp, túi nhựa để đi vệ sinh và ba tấn cocaine trị giá hơn 150 triệu USD.
Tuy nhiên, hành trình của chiếc tàu ngầm đã bị các cơ quan hành pháp phát hiện và theo dõi, trong đó có Cơ quan Phòng chống Tội phạm Quốc gia Anh (NCA). Sau khi tàu ngầm gặp sự cố ở bờ biển Galicia, Tây Ban Nha, ba người đàn ông đã bị bắt.
Con tàu sau đó được kéo về được trưng bày tại bãi đỗ xe của Học viện Cảnh sát Tây Ban Nha, trở thành biểu tượng cho cuộc chiến chống lại phương thức vận chuyển ma túy mới đang ngày càng tinh vi hơn.
Tháng trước, cảnh sát Tây Ban Nha tiếp tục phát hiện một tàu ngầm khác cũng ở vùng biển ngoài khơi Galicia.
“Đây là hai tàu ngầm tự chế đầu tiên mà chúng tôi bắt được”, Antonio Martinez Duarte, quyền trưởng đơn vị chống ma túy của Cảnh sát Quốc gia Tây Ban Nha, nói. “Chúng cực kỳ khó bị phát hiện”.
Theo BBC, quy mô của đội tàu ngầm tự chế chuyển ma túy đến châu Âu có thể lên tới hàng trăm. Châu lục này là thị trường cocaine lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ, và đang phát triển nhanh chóng hậu đại dịch Covid-19.
Nhiều tàu ngầm tự chế sau khi chuyển hàng thành công có thể đã bị các đường dây tội phạm cố ý đánh chìm giữa Đại Tây Dương để xóa dấu vết, tạo thành một “nghĩa địa tàu ngầm” tại khu vực gần quần đảo Canary và Azores.
Sau khi được chuyển bằng tàu ngầm tự chế từ Nam Mỹ tới châu Âu, cocaine sẽ tiếp tục được xử lý trong các “phòng điều chế” bí mật ở châu lục. Tuần trước, cảnh sát Tây Ban đã đột kích một cơ sở ở thành phố Pontevedra, vùng Galicia và phát hiện phòng điều chế cocaine lớn nhất từ trước tới nay tại châu Âu.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi phát hiện tới 1,5 tấn bột cocaine nhão để sản xuất ma túy. Chiến dịch này cũng cho thấy một số phần tử tội phạm Colombia và Mexico đã gia nhập các băng đảng Tây Ban Nha và hoạt động tại đây”, ông Duarte cho biết.
Phòng điều chế này có khả năng sản xuất khoảng 200 kg cocaine/ngày với độ tinh khiết 95%. Cảnh sát phát hiện các thùng hóa chất, lò vi sóng, máy ép thủy lực, cân và hàng chục gói cocaine trong phòng điều chế. Mỗi gói có kích thước bằng một viên gạch, giá nhập khẩu ước tính 30.000-35.000 USD, có thể tăng gấp đôi ngoài thị trường.
Văn phòng Liên Hợp Quốc về phòng chống ma túy và tội phạm (UNODC) cho biết sản lượng cocaine toàn cầu đã tăng 35%, lên mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2020-2021. Đây cũng là mức tăng lớn nhất kể từ năm 2016.
Trong đó, Bỉ là điểm nóng ma túy tại châu Âu. Giới chức nước này năm 2022 tịch thu tới 100 tấn cocaine, nhiều đến mức không đủ lò tiêu hủy.
Theo UNODC, cảng Antwerp của Bỉ và Rotterdam của Hà Lan, hai cảng lớn nhất tại châu Âu, hiện là cửa ngõ chính tuồn cocaine vào lục địa. Một số ước tính cho thấy chỉ 10% số cocaine đến cảng Antwerp bị phát hiện, dù giới chức đã triển khai chó nghiệp vụ và máy quét container.
Người đứng đầu bộ phận hải quan ở Antwerp nói với phóng viên Beake rằng họ không bao giờ thắng trong “cơn sóng thần cocaine” này.
Hồi tháng 1, một bé gái 11 tuổi đã thiệt mạng trong trận đấu súng giữa các băng đảng buôn ma túy cạnh tranh địa bàn ở Antwerp. Nhưng Liên Hợp Quốc cho rằng các băng đảng tội phạm quốc tế từng là đối thủ đang hợp tác với nhau “mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, cảnh báo những vòi bạch tuộc ma túy này sẽ sớm vươn sang châu Á và châu Phi sau khi thành công ở châu Âu.
Đức Trung (Theo BBC)