Nấu lẩu cá kèo không khó, nhưng để có nồi lẩu cá kèo ngon chuẩn vị Nam Bộ, bạn phải chú ý cách sơ chế cá kèo. Món lẩu này có thể ăn kèm các loại rau bạn thích, nhưng kết hợp với các loại rau đặc trưng miền Tây như kèo nèo, rau nhút, rau đắng… vẫn là lựa chọn nên ưu tiên.
Lẩu cá kèo với các món rau đặc trưng Nam Bộ là món ăn rất được nhiều gia đình yêu thích. (Ảnh:TL)
Nguyên liệu nấu lẩu cá kèo
– Cá kèo: 1 kg hoặc nhiều hay ít hơn tùy nhu cầu và số lượng người ăn, và bạn cũng sẽ gia giảm lượng rau, gia vị nấu lẩu theo nhu cầu.
– Xương đuôi heo: nửa kg
– Rau đắng: 0,5kg
– Rau nhút: 0,5kg
– 1 bó rau muống, 1 bó kèo nèo, 2 lạng giá sống, 3 lạng hoa chuối bào.
– 1 nắm lá giang, hoặc có thể thay bằng me chua.
– 3 – 4 trái cà chua, nửa trái thơm, hành lá, rau ngổ, ngò gai.
Sơ chế cá kèo không bị tanh là khâu quan trọng nhất để nấu lẩu cá kèo ngon. (Ảnh: BHX)
– Tỏi, hành khô, hành lá, ớt…
– 1 kg bún tươi hoặc bạn có thể ăn bún gạo, mì gói…
– Nước mắm, bột nêm, đường, bột ngọt, dầu ăn…
Sơ chế nguyên liệu
Chọn mua cá kèo sống và làm sạch nhưng vẫn giữ cho cá sống là bước quan trọng nhất để có nồi lẩu cá kèo ngon. Để làm sạch nhớt cá kèo, giảm mùi tanh, bạn có nhiều cách. Muối, giấm, chanh là những nguyên liệu hỗ trợ đắc lực.
Có thể dùng muối và giấm trộn đều rồi chà xát lên cá kèo nhiều lần cho tới khi hết nhớt thì rửa sạch lại bằng nước. Hoặc bạn có thể dùng tro bếp cho vào xoong, thau rồi cho cá kèo vào, chà cho cá sạch nhớt rồi xả sạch bằng nước lạnh.
Kèo nèo, bông súng, rau đắng, bắp chuối… là các loại rau không thể thiếu để ăn lẩu cá kèo. (Ảnh: TL)
Nhiều người cũng dùng lá chuối tươi vò thật nát lá rồi chà nhiều lần lên phần thân cá, sau đó rửa sạch lại bằng nước là được.
Các loại rau ăn kèm bạn cũng nhặt, rửa kỹ rồi ngâm muối, sau đó vớt ra để ráo nước. Riêng hoa chuối bạn rửa sạch, ngâm riêng với nước muối loãng vắt thêm chanh để không bị thâm đen.
Cà chua rửa sạch, bổ dạng múi cau. Lá giang, hành lá rửa sạch. Hành, tỏi bóc vỏ đập dập, băm nhỏ.
Nấu lẩu cá kèo
Có rất nhiều cách nấu lẩu cá kèo, bạn có thể sử dụng xương heo để tăng phần ngọt, béo của nước lẩu, cũng có thể không cần hầm xương mà chỉ phi hành tỏi thơm, cho lá giang, cà chua rồi nấu bình thường, nêm nếm gia vị vừa ăn.
Nếu sử dụng xương heo thì bạn rửa sạch xương và bắc lên bếp hầm trong khoảng 30-40 phút để lấy nước ngọt. Trong lúc hầm xương nhớ vặn lửa nhỏ.
Nồi lẩu cá kèo thành phẩm phải có vị chua thanh của lá giang, ngọt dịu của cà chua, thơm, cá chấm mắm ớt ăn kèm với bún tươi rất ngon. (Ảnh: TL)
Bắc nồi khác lên bếp, cho ít dầu ăn để phi thơm hành tỏi. Khi hành tỏi vàng thơm bạn cắt nhỏ 1 trái cà chua cho vào xào để nước lẩu có màu đẹp hơn. Sau đó cho phần nước hầm xương vào, có thể thêm lượng nước để vừa đủ số người ăn và nấu sôi.
Khi nước sôi bạn vò nát lá giang cho vào, nếu không có lá giang có thể thay bằng me chín. Cho thêm 2 trái cà chua, thơm cắt lát vào. Nêm nếm gia vị mắm, muối, đường, bột ngọt theo khẩu vị. Khi nước sôi lại, bạn múc nước lẩu vào nồi lẩu, cho thêm ớt tươi, chành, ngò gai và rau ngổ rồi bắc lên bếp lẩu. Nước mắm nguyên chất, rau ăn kèm, bún tươi đã bày sẵn sàng.
Khi nước lẩu sôi lại, bạn cho cá kèo vào. Vì cá còn sống nên phải cho cá vào nước sôi khéo léo để không bị bắn nước sôi ra xung quanh. Tốt nhất, bạn nên cho cá vào xô đá lạnh, cá sẽ bị cứng toàn thân giúp bạn dễ dàng cho vào nồi lẩu.
Cá chín là cho rau vào, cả nhà cùng thưởng thức món lẩu cá kèo đúng điệu. Lẩu cá kèo ngon phải có vị chua thanh của lá giang, thịt cá kèo béo tươi chấm nước mắm ớt rất đặc biệt.
Theo VTC News
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích
điểm MyPoint.
Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và
nhận tin
về đọc báo tích điểm sớm nhất