Cam kết đào tạo bác sĩ: Cần thấu tình đạt lý!

Sau khi Sở Y tế tỉnh Bình Dương có Văn bản số 560/SYT-VP đề nghị các cơ sở y tế trong và ngoài công lập không tiếp nhận, hợp đồng, tuyển dụng, đào tạo đối với 6 bác sĩ vi phạm cam kết, dư luận đã đưa ra nhiều ý kiến bất bình. Việc này có nhiều cách giải quyết nhưng không được vi phạm quyền làm việc của người lao động.

Chỉ mang tính chất “khuyến cáo”!

Lý do Sở Y tế tỉnh Bình Dương đưa ra là các bác sĩ này vi phạm cam kết với tỉnh. Cụ thể, các bác sĩ thuộc diện được cử đi đào tạo, được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí hằng tháng. Các bác sĩ cam kết về địa phương phục vụ gấp đôi thời gian đào tạo. Tuy nhiên, khi làm việc chưa đủ thời gian cam kết, họ đã tự ý nghỉ việc mà không bồi hoàn chi phí đào tạo cho tỉnh Bình Dương. Có những trường hợp đã nhận 400 – 420 triệu đồng tiền thu hút nhân lực của tỉnh Bình Dương và cam kết phục vụ 10 năm nhưng tự ý nghỉ việc.

Vừa xây Bệnh viện Đa khoa Bình Dương 1.500 giường, tỉnh Bình Dương đang rất cần nhân lực y tế để phục vụ người bệnh

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết công văn trên chỉ có tính chất “khuyến cáo” cho các đơn vị khi tuyển dụng; đồng thời đề nghị các bác sĩ hoàn thành nghĩa vụ hoặc hoàn trả kinh phí cho nhà nước chứ không có ý “cấm cửa”. Năm 2023, ngành y tế tuyển được hơn 500 viên chức y tế, trong đó có 203 bác sĩ và bác sĩ sau đại học. Riêng bác sĩ đào tạo từ nguồn ngân sách có 30 người, 118 bác sĩ dự kiến sẽ hưởng chế độ thu hút theo Nghị quyết 05/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

“Ngành y tế mong muốn rằng tất cả nhân viên y tế được hưởng chế độ đào tạo và thu hút từ nguồn ngân sách phải có trách nhiệm với người dân, với người bệnh và với địa phương. Quan điểm của ngành luôn hỗ trợ và tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển và giữ chân nhân viên y tế bằng nhiều chính sách từ môi trường làm việc, cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị y tế và đặc biệt là chính sách đào tạo mà ngành đã nỗ lực rất nhiều trong 2 năm qua” – ông Chín nói.

Theo bác sĩ Chín, Nghị quyết 05/2019 của HĐND tỉnh nêu rõ bác sĩ về tỉnh được hỗ trợ một lần từ hơn 400 triệu đồng đến 600 triệu đồng ngay khi được tuyển dụng viên chức. Cụ thể: Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú là 600 triệu đồng; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I là 500 triệu đồng; bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng hàm mặt tốt nghiệp loại giỏi trở lên là 450 triệu đồng, tốt nghiệp loại khá là 420 triệu đồng và tốt nghiệp loại trung bình khá, trung bình là 400 triệu đồng. Ngoài ra, những người thuộc diện này còn được hưởng thêm tiền hỗ trợ thuê nhà ở, hỗ trợ hằng tháng từ 2 – 3,5 lần mức lương cơ sở và các hỗ trợ khác.

Người trong cuộc nói gì?

Trao đổi với phóng viên, một bác sĩ có tên trong danh sách 6 người trên cho biết khá bất ngờ với công văn của Sở Y tế vì trước đó bản thân anh đã gửi đơn xin nghỉ việc. “Tôi đã nộp đơn xin nghỉ việc từ cuối năm 2022, theo luật thì sau 45 ngày nộp đơn, nếu cơ quan không giải quyết thì tôi có quyền nghỉ việc. Trong đơn, tôi cũng nói rõ sẽ bồi thường khoản tiền đã được hỗ trợ” – bác sĩ trên nói.

Theo bác sĩ này, lý do xin nghỉ việc là do mẹ già, con nhỏ nên muốn làm việc gần nhà để có thời gian, điều kiện chăm sóc. Tuy nhiên, Sở Y tế không chấp nhận và vẫn muốn anh tiếp tục làm việc tại cơ sở y tế công lập. “Hiện tại mong muốn của tôi là được Sở Y tế giải quyết đơn xin nghỉ việc để đi tìm công việc mới, tôi cũng cam kết sẽ trả lại đầy đủ số tiền đã được hỗ trợ” – bác sĩ này cho biết. Anh không muốn vì công văn này mà ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của bản thân.

Nói về trường hợp của bác sĩ này, ông Huỳnh Minh Chín cho biết đây là trường hợp đặc biệt được ngành y tế quan tâm bồi dưỡng, đào tạo để phát triển nguồn trong tương lai. Ngoài việc được tỉnh cử đi đào tạo tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ từ năm 2011 đến 2017 và được hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí hằng tháng bằng 2.0 mức lương cơ sở thì sau đó bác sĩ này được tiếp tục cho đi học sau đại học thêm 2 năm nữa. Bác sĩ này đã cam kết trở về địa phương phục vụ 6 năm. Tuy nhiên, phục vụ chưa được bao lâu thì bác sĩ này đã xin nghỉ, Sở Y tế đã cố gắng thuyết phục rất nhiều lần. Thời gian qua, Sở Y tế cũng đã phối hợp với Công đoàn, Đoàn Thanh niên tổ chức nhiều cuộc họp có sự tham dự của những bác sĩ này, mục đích là để động viên họ tiếp tục làm việc, cống hiến cho địa phương.

Ông Huỳnh Minh Chín cho biết sáng 3-3, ban giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo phòng chức năng liên hệ, mời họ quay về đơn vị cũ để giải quyết các cam kết hợp đồng, hướng dẫn, định hướng cho họ về các vấn đề liên quan để có quyền lựa chọn đơn vị mới sau khi hoàn thành nghĩa vụ đền bù các khoản tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ trong suốt thời gian đi học.

Bị kiện phải bồi hoàn kinh phí đào tạo

Trước đây, TP Đà Nẵng đã cấp học bổng đào tạo cho hơn 620 người theo đề án thu hút nhân tài của UBND thành phố. Sau khi học tập, hơn một nửa trong số đó đã về nhận công tác, một số xin rút khỏi đề án và nhiều người bỏ việc, vi phạm cam kết. Số học viên vi phạm quy định đều bị Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực TP Đà Nẵng khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi hoàn kinh phí đi học cho ngân sách. TP Đà Nẵng đã khởi kiện 30 người và thu hồi 89 tỉ đồng.

Tương tự, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng từng ban hành Quyết định 89 về đề án đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực có trình độ cao. Theo đó, các trường hợp đi học sau đại học ở nước ngoài được hỗ trợ 100% học phí và các chi phí bắt buộc phải nộp cho cơ sở đào tạo. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo sẽ về phục vụ tỉnh. Qua kiểm tra đã chọn được 4 người, đều là con của cán bộ lãnh đạo sở, ngành của tỉnh. Sau khi tốt nghiệp trở về nước vào năm 2017, chỉ có một trường hợp làm việc tại Quảng Ngãi và cũng rời đi sau đó ít lâu. UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng khởi kiện các trường hợp này và thu hồi đủ gần 10 tỉ đồng kinh phí đào tạo.

B.Vân – T.Trực

Luật sư HỒ NGUYÊN LỄ, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tín Nghĩa:

Đừng để vi phạm pháp luật

Liên quan vụ việc này, hành vi của các viên chức sau khi được đào tạo đã tự ý bỏ việc là vi phạm cam kết với Sở Y tế, nhưng sở này cũng vi phạm pháp luật đối với viên chức nói riêng hoặc người lao động nói chung.

Nghị định 101/2017/NĐ-CP tại điều 7 quy định về đền bù chi phí đào tạo của viên chức được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý thì viên chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo;

2. Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp;

3. Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định.

Như vậy, trong trường hợp các viên chức không thực hiện bồi thường theo quy định thì sở có quyền khởi kiện các viên chức vi phạm ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết. Nếu viên chức thấy khoản đền bù không thỏa đáng cũng có thể khởi kiện ra tòa án.

Sở Y tế tỉnh Bình Dương ra văn bản đề nghị không tiếp nhận, tuyển dụng, đào tạo đối với 6 bác sĩ vi phạm cam kết là có dấu hiệu hành vi vi phạm điều 35, 57 Hiến pháp về việc cản trở quyền làm việc của công dân.

M.Chi



Nguồn bài viết

Exit mobile version