Từ khi các địa phương ở Quảng Ninh như TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, huyện Quảng Yên, huyện Vân Đồn tổ chức thực hiện di dời, giải tỏa hoạt động nuôi trồng thủy sản trái phép thì tình trạng rác thải từ bè nuôi tràn ngập mặt nước biển trên diện rộng từ Vân Đồn tới Cẩm Phả, Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đến Cát Bà (TP Hải Phòng).
Sự cố ô nhiễm môi trường chưa từng có
Đáng nói, ở một số nơi, nhiều bè mảng, phao xốp trôi dạt bám chân núi đá, làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, cản trở tuyến luồng giao thông thủy và du lịch biển gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo thông báo từ tỉnh Quảng Ninh, nguyên nhân là do công tác quản lý, thu hồi vật liệu trong quá trình tháo dỡ các bè nuôi thủy sản trái phép trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long chưa triệt để. Đó là hậu quả của việc ngư dân tự tháo dỡ lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh nhưng không có sự giám sát của chính quyền địa phương khiến rác thải bị phát tán gây nên sự cố ô nhiễm môi trường vịnh chưa từng có trong nhiều ngày qua.
Lãnh đạo ban này cho biết ngay khi xuất hiện tình trạng trên, từ ngày 24-3, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã huy động 25 tàu, xuồng, đò và gần 100 người vớt rác tại tất cả các luồng, tuyến tham quan trên vịnh Hạ Long. Sau khi thu gom, lượng rác thải được đưa vào bờ tập kết để xử lý theo quy định. Tính đến ngày 24-4, TP Hạ Long đã thu gom được khoảng trên 5.000 m3 phao xốp, tương đương hơn 250.000 quả phao.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tại bãi tắm Bãi Cháy (TP Hạ Long) trong ngày 24-4 vẫn còn khá nhiều rác là những mảng bè, phao xốp dạt vào bờ biển, khiến người dân và du khách e ngại về địa điểm được coi là trung tâm du lịch của Quảng Ninh.
Tại huyện Vân Đồn, trong 2 ngày 22 và 23-4, chính quyền địa phương đã huy động khoảng 500 người với hàng chục tàu, thuyền ra biển thu gom phao xốp. Ước tính, mỗi ngày thu gom được khoảng 20.000 phao xốp. Tương tự, chỉ trong vòng 2 tuần ra quân, TP Cẩm Phả đã thu gom được hơn 250.000 phao xốp, hơn 1.000 mảng tre trôi nổi trên biển, đưa về nơi tập kết để xử lý.
Tuy nhiên, đến nay, trên mặt biển ở khắp nơi, từ Bái Tử Long đến vịnh Hạ Long, phao xốp vẫn tràn ngập.
Rác phao xốp được vớt thành từng đống tại khu vực vịnh Hạ Long và Bái Tử Long
Hai phương án xử lý
Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, cho hay sở này đã đề xuất với UBND tỉnh 2 phương án xử lý đối với phao xốp thu gom từ vịnh Hạ Long và Bái Tử Long là tái chế những loại có thể tái chế và xử lý đốt tại các lò đốt của nhà máy xi-măng: Lam Thạch (TP Uông Bí) hoặc Thăng Long (TP Hạ Long).
Theo ông Long, 2 nhà máy này đã được cấp phép sử dụng phao xốp thay cho một phần nguyên liệu truyền thống là than và dầu. Hiện các nhà máy xi-măng vẫn thu mua phao xốp, giẻ rách… để đốt lò và theo tính toán, sẽ tiết kiệm được 5%-10% nhiên liệu đầu vào truyền thống là than và dầu.
Ngoài 2 nhà máy trên, hiện Nhà máy Xi măng Cẩm Phả (TP Cẩm Phả) cũng đang đốt thử nghiệm phao xốp để xin giấy phép.
Ông Trần Như Long thông tin thêm chi phí xử lý sẽ do các địa phương với đại diện các nhà máy quyết định, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ tư vấn, giới thiệu một số mô hình xử lý phao xốp an toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường theo quy định.
Ông Trương Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Vân Đồn, cho hay chi phí để đưa một quả phao xốp về bờ là khoảng 12.000 đồng, chưa tính chi phí xử lý. Toàn bộ kinh phí này đều do huyện chịu.
Các địa phương không làm tròn trách nhiệm
Mới đây, khi trực tiếp kiểm tra thực địa, ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã nhấn mạnh nguyên nhân chính khiến lượng rác thải, phao xốp trôi nổi trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long là do các địa phương mới chỉ quan tâm việc hoàn thành tháo dỡ, di dời số lượng công trình nuôi trồng thủy sản trái phép. Khi người dân thực hiện tháo dỡ, di dời, các địa phương đã không cùng vào cuộc ngay từ đầu, không tổ chức hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc, giám sát mà để cho thực hiện tự phát, dẫn đến người dân không có ý thức trách nhiệm đối với việc thu gom rác tại chỗ.
Ông Cao Tường Huy cũng yêu cầu tất cả các địa phương (Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên) phải có trách nhiệm thu gom rác trên địa bàn. Đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động xử lý lồng, bè, thay thế phao xốp của người dân để ngăn chặn tình trạng xả rác thải từ hoạt động tháo dỡ lồng, bè ra khu vực vịnh Hạ Long và Bái Tử Long; có phương án giám sát, thu hồi vật liệu và tổ chức thu gom ngay từ nguồn khi có rác phát sinh. “Riêng TP Hạ Long, trước ngày 28-4, phải thu gom xong toàn bộ phao xốp trôi nổi trên vịnh Hạ Long để bảo đảm cảnh quan môi trường, phục vụ cho lễ hội Carnaval Hạ Long sắp diễn ra” – ông Huy nhấn mạnh.
Ông Huy cũng yêu cầu các địa phương phải kiên quyết thu gom tất cả lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép để đưa vào các vùng nuôi có trong quy hoạch; kiên quyết cưỡng chế, tháo dỡ các lồng bè trái phép xong trong tháng 4-2023. Trong quá trình thu gom, cưỡng chế phải có sự giám sát của địa phương để không tái diễn tình trạng này…
Cục Di sản văn hóa lên tiếng lo ngại
Từ ngày 5-4, Cục Di sản văn hóa đã gửi công văn cho Hải Phòng, Quảng Ninh và các đơn vị liên quan về hiện tượng hàng tấn rác tràn lan trên vịnh Hạ Long và Lan Hạ; đề nghị Ban Quản lý vịnh Hạ Long, Ban Quản lý Di sản thiên nhiên quần đảo Cát Bà cung cấp thông tin liên quan việc quản lý và nuôi trồng thủy sản, sử dụng phao xốp ở vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ.
Cục này cũng đề nghị địa phương và các đơn vị tăng cường biện pháp quản lý để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của khu vực di sản cũng như tránh các tác động không thuận lợi cho việc trình hồ sơ đến UNESCO xem xét công nhận di sản vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới.
Hồ sơ dự kiến được UNESCO xét duyệt tại kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới vào tháng 9-2023.