Chờ chuyển giao bắt buộc, DongA Bank 10 năm bị kiểm soát đặc biệt ra sao?

Sau nhiều năm sụt giảm, dư nợ cho vay năm 2022 của DongA Bank đạt 102% kế hoạch năm. Huy động vốn từ khách hàng đạt 98% kế hoạch năm, trong đó riêng tiền gửi tiết kiệm tăng 11% so với đầu năm 2022.

Kiểm toán Nhà nước “thúc” chuyển giao bắt buộc 

Như VietNamNet đã đưa tin, tại Báo cáo kết quả kiểm toán Chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội vừa gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phải chuyển giao bắt buộc Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) cho ngân hàng khác do DongA Bank có vốn chủ sở hữu âm.

Cũng cần nói thêm rằng, DongA Bank là một trong bốn TCTD yếu kém đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình phương án chuyển giao bắt buộc từ đầu năm 2022 (cùng với OceanBank, GPBank, CBBank).

Tuy nhiên, việc xử lý các ngân hàng yếu kém mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp đề nghị chuyển giao bắt buộc. Một số ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, tình hình tài chính khó khăn, cụ thể: nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Một số ngân hàng tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống.

DongA Bank bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 14/8/2015. Nhà băng này có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, con số không thay đổi kể từ năm 2014. Trong đó, số vốn cổ phần của cổ đông pháp nhân chiếm 40,68% vốn điều lệ của DongA Bank.

Căn cứ vào danh sách cổ đông cập nhật vào ngày 31/12/2014, những cổ đông pháp nhân sở hữu tỉ lệ lớn bao gồm: CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 (do Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” sở hữu) nắm giữ 10% vốn điều lệ; CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (7,7%);  Văn phòng Thành ủy TP.HCM (6,9%); Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa (3,78%); CTCP Vốn An Bình (2,73%); Công ty TNHH MTV XD và KD Nhà Phú Nhuận (2,14%).

Cũng kể từ thời điểm 13h ngày 14/8/2015, toàn bộ cổ đông DongA Bank không được chuyển nhượng cổ phần của DongA Bank theo chỉ đạo của Ban kiểm soát đặc biệt.

HĐQT của DongA Bank hiện tại gồm ông Nguyễn Thanh Tùng (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Ngọc Tâm, ông Nguyễn Đình Trường, ông Trần Văn Đình và ông Huỳnh Phương.

Trong đó, ông Nguyễn Đình Trường và Trần Văn Đình là những người đang lần lượt sở hữu 66.583 cổ phiếu (0,013%) và 700.000 cổ phiếu (0,140%) tại DongA Bank.

Những người liên quan của hai cá nhân trên gồm con trai ông Trường hiện sở hữu 21.541 cổ phiếu (0,004%); vợ ông Trần Văn Đình (bà Hoàng Thị Xuân) hiện nắm giữ 5,07 triệu cổ phiếu (1,015%), và con gái ông Đình cũng đang nắm giữ 366.422 cổ phiếu (0,004%).

DongA Bank hoạt động ra sao trong 10 năm qua?

Kể từ thời điểm bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt đến nay, DongA Bank không còn công khai báo cáo tài chính. Bản báo cáo tài chính gần nhất được ngân hàng công bố là năm 2014, trước thời điểm ngân hàng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Báo cáo tài chính năm 2014 cho thấy DongA Bank có tổng tài sản tính tới 31/12/2014 là hơn 87.100 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế chỉ đạt hơn 26 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với mức lợi nhuận 328 tỷ đồng của năm 2013.

Cũng kể từ đó, thông tin về kết quả kinh doanh của nhà băng này kín như bưng.

Trong một lần hiếm hoi hé lộ thông tin vào tháng 3 năm nay, DongA Bank chia sẻ về hoạt động của năm 2022 với những chỉ tiêu tích cực. Huy động vốn từ khách hàng đạt 98% kế hoạch năm 2022, trong đó riêng tiền gửi tiết kiệm tăng 11% so với đầu năm 2022.

“Nguồn tiền gửi trung, dài hạn tiếp tục được duy trì (tỷ lệ gần 42%), giúp cho DongA Bank đảm bảo được nguồn vốn bền vững để phát triển hoạt động kinh doanh, đảm bảo an toàn thanh khoản, hạn chế tối đa những rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng, các tỷ lệ khả năng chi trả luôn cao hơn quy định của NHNN. Năm 2022, dư nợ cho vay đạt 102% kế hoạch năm 2022”, trích thông báo của DongA Bank.

Dù không công bố báo cáo tài chính nhiều năm nay, nhưng đều đặn theo định kỳ DongA Bank vẫn công bố báo cáo quản trị hàng năm.

Theo báo cáo quản trị năm 2022, báo cáo gần nhất được ngân hàng công bố, HĐQT DongA Bank đã báo cáo các hoạt động chính của HĐQT trong năm 2022. Thông qua nội dung này, có thể phần nào thấy được về tình hình hoạt động của DongA Bank.

Năm 2022 HĐQT đã có các hoạt động như giữ vững ổn định hoạt động kinh doanh toàn hệ thống Ngân hàng TMCP Đông Á; Giữ vững, đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng. Sau nhiều năm sụt giảm, dư nợ cho vay năm 2022 đã duy trì được đà tăng trưởng ngay từ những tháng đầu năm, góp phần cải thiện đáng kể nguồn thu nhập lãi của DAB.

Đẩy mạnh thu hồi xử lý rủi ro, nợ đã bán VAMC, nợ xấu, nợ xấu phát sinh mới từ năm 2016, các khoản vay có vấn đề chưa xử lý kịp trong năm 2021 trên nguyên tắc thận trọng, rõ ràng, công khai, minh bạch. Nâng cao chất lượng tài sản, giảm bớt tài sản không sinh lời, giúp giải phóng bớt một lượng vốn tồn đọng của ngân hàng.

Lãnh đạo ngân hàng chỉ đạo, theo dõi tình hình phát hành trái phiếu của các TCTD và tham mưu đầu tư trái phiếu nhằm bổ sung danh mục Giấy tờ có giá của DAB và góp phần thực hiện sử dụng vốn có hiệu quả.

Chú trọng công tác quản trị rủi ro như: Điều chỉnh một số khẩu vị rủi ro và ban hành lần 2 Quy chế khẩu vị rủi ro theo đúng quy định của pháp luật. Sửa đổi, bổ sung lần 2 Quy chế tổ chức và hoạt động của Uỷ ban quản lý rủi ro theo đúng quy định của pháp luật và tình hình thực tế.

Quy định pháp luật về chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại

Theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung 2017, các tổ chức tín dụng khi lâm vào một trong 4 trường hợp: mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục; xếp hạng yếu kém trong 02 năm liên tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước sẽ được NHNN xem xét, quyết định đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có thể được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước quyết định cơ cấu lại theo một trong các phương án: phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; giải thể; chuyển giao bắt buộc; và phá sản.

Trong đó phương án chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho bên nhận chuyển giao. (Khoản 38, Điều 4, Luật CTCTD).

Bên nhận chuyển giao là tổ chức tín dụng trong nước, tổ chức tín dụng nước ngoài, nhà đầu tư khác có đề nghị được nhận chuyển giao bắt buộc và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định được nhận chuyển giao bắt buộc. (Khoản 39, Điều 4, Luật CTCTD).

 Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)

Exit mobile version