Chuyên gia chỉ đích danh 5 “cơn gió ngược” làm suy giảm chất lượng tài sản của VietinBank năm 2023


Mặt bằng lãi suất cao, thị trường bất động sản suy yếu,… là những “cơn gió ngược” có thể làm suy giảm chất lượng tài sản của ngành ngân hàng, trong đó có VietinBank trong năm 2023.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – mã: CTG) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 17.245 tỷ đồng và 4.260 tỷ đồng, tăng lần lượt 24,2% và 45,9% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 của VietinBank ở quanh mức 10-11%

Các chuyên gia tại Bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, VietinBank là một trong vài ngân hàng vẫn tiếp tục có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh so với quý liền kề với mức tăng 27,6%. Mức tăng này một phần đến từ việc tín dụng tăng.

Cụ thể, quý IV/2022, tín dụng của VietinBank đạt 1.279 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với quý liền trước và đưa tín dụng cả năm của VietinBank tăng 12,2% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong 5 năm qua của VietinBank.

Nguồn: CTG

Cũng theo BVSC, VietinBank là ngân hàng hỗ trợ mạnh mẽ nền kinh tế trong những năm đại dịch Covid19 nên nằm trong nhóm có thể được cấp hạn mức tín dụng cao. Cùng với đó, VietinBank cũng có thể được hưởng lợi và chiếm thị phần của các ngân hàng tư nhân đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, BVSC cho rằng mặt bằng lãi suất ở mức cao, thị trường bất động sản suy yếu cũng như tác động từ việc các nền kinh tế lớn có thể suy thoái làm cho tăng trưởng tín dụng có thể chậm lại. Trên cơ sở đó, BVSC ước tính mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 của VietinBank ở quanh mức 10-11%.

Về chất lượng tín dụng, theo đánh giá của bộ phận nghiên cứu tại BVSC, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank đạt mức 1,24% (giảm 18 điểm cơ bản so với quý liền kề).

Các chỉ số chất lượng tài sản biến động không nhiều so với cuối quý III/2022, tuy nhiên VietinBank đã sử dụng 15.018 tỷ đồng trích lập dự phòng để ghi giảm nợ xấu. Khoản ghi giảm nợ xấu này tương đương 1,18% dư nợ cho vay khách hàng của Vietinbank.

“Việc đẩy mạnh trích lập dự phòng và ghi giảm nợ xấu tạo ra bộ đệm lợi nhuận cho VietinBank trong năm 2023.

Những cơn gió ngược có thể làm suy giảm chất lượng tài sản của VietinBank năm 2023

Tuy nhiên, BVSC đánh giá rằng năm 2023 là năm có những “cơn gió ngược” có thể làm suy giảm chất lượng tài sản của ngành ngân hàng trong đó có Vietinbank.

“Cơn gió ngược” đầu tiên đến, đó là việc mặt bằng lãi suất ở mức cao làm ảnh hưởng tới khả năng thanh toán gốc và lãi của cá nhân cũng như doanh nghiệp vay vốn.

Hai là, nhà đầu tư nhìn chung đã giảm sự quan tâm đáng kể lên tác động trái chiều từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhưng khó khăn thì vẫn còn ở đó.

BVSC ước tính có khoảng 238 ngàn tỷ trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm trái phiếu ngân hàng) sẽ đáo hạn trong năm 2023. Tình hình khó khăn chung có thể làm cho một số doanh nghiệp khó tái cơ cấu trái phiếu đến hạn hay thanh toán gốc lãi cho nhà đầu tư trái phiếu.

BVSC cho rằng, mặc dù tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của VietinBank chỉ ở mức 0,4% nên VietinBank có thể sẽ không chịu nhiều tác động trực tiếp nhưng VietinBank có thể cũng sẽ chịu tác động suy giảm chất lượng tài sản gián tiếp do tình hình chung.

Cuối quý IV/2022, VietinBank chỉ nắm giữ 4.679 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, giảm 61% so với quý trước, đưa tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trên tổng tín dụng của VietinBank về mức 0,4%. Đây là mức rất thấp giúp cho VietinBank giảm thiểu khả năng chịu tác động tiêu cực trực tiếp từ trái phiếu doanh nghiệp.

Ba là, thị trường bất động sản suy yếu. Đây là nhóm ngành có tỷ trọng dư nợ lớn trong hệ thống ngân hàng và có tính lan tỏa sang các ngành phụ trợ khác như vật liệu xây dựng, xây dựng…

Thống kê cho thấy, dư nợ nhà phát triển bất động sản, dư nợ vay mua nhà và dư nợ công ty xây dựng chiếm lần lượt khoảng 5%, 13% và 6% dư nợ cho vay khách hàng của Vietinbank.

Ngành Bất động sản suy yếu có thể làm giảm khả năng thanh toán của những doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp liên quan đến ngành bất động sản cũng như nhóm khách hàng cá nhân vay nợ để đầu tư bất động sản.

Bốn là, tác động từ việc các nền kinh tế lớn trên thế giới có thể suy thoái.

Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế mở. Nếu các nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn sẽ làm giảm các đơn hàng tại Việt Nam làm ảnh hưởng tới tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và làm giảm hoặc mất khả năng thanh toán nợ vay của doanh nghiệp.

Năm là, nền kinh tế dự kiến tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 cùng với đó là khó khăn từ các lĩnh vực như bất động sản hay xuất khẩu có thể làm cho một số lao động bị giảm lương hoặc mất việc làm dẫn tới giảm hoặc mất khả năng thanh toán các khoản vay.

Các chuyên gia tại BVSC cũng chỉ ra các yếu tố có thể thay đổi làm suy yếu những “cơn gió ngược” hoặc thậm chí trở thành cơn gió thuận hỗ trợ ngành ngân hàng tăng trưởng, trong đó có VietinBank.

Các yếu tố này gồm: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất sớm hơn dự kiến tạo tiền đề cho Ngân hàng Nhà nước có thể hạ lãi suất điều hành và các ngân hàng thương mại có thể hạ lãi suất cho vay; Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong năm 2023;

Ngoài ra còn có các yếu tố khác như: Các nền kinh tế lớn chỉ suy thoái nhẹ và nhu cầu hàng hóa phục hồi làm gia tăng các đơn hàng sản xuất tại Việt Nam; Giải ngân đầu tư công mạnh mẽ từ đó tạo thêm việc làm cũng như thúc đẩy tăng trưởng GDP và đặc biệt gia tăng thanh khoản hệ thống khi tiền gửi phục vụ đầu tư công được chuyển từ Ngân hàng Nhà nước ra nền kinh tế; Ngành Bất động sản thoát khỏi khó khăn; và giải pháp hữu hiệu hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.



Nguồn bài viết

Exit mobile version