Con bị điểm kém, cha mẹ nói “câu này” ảnh hưởng đến cả cuộc đời con

Châm ngôn của Kinh Thánh có viết: “Lời lành giống như tàng ong, ngon ngọt cho tâm hồn và khỏe mạnh cho xương cốt”. Có thể nói rằng sức mạnh của lời nói là rất lớn, nó có thể phá hủy, cũng có thể đem lại động lực ý chí cho một người. Khi cha mẹ giao tiếp với con cũng vậy, nó sẽ có tác động vô cùng lớn đến sự phát triển của con cho đến khi trưởng thành. 

con bị điểm kém
Bị thầy cô trách mắng và bạn bè cười chê, thế nhưng nó còn không tệ hại bằng việc cậu không biết sẽ ăn nói thế nào về kết quả này với cha mẹ. (Ảnh: Victoria 1/ Shutterstock)

Vậy bạn sẽ làm gì nếu con bạn không đạt thành tích cao trong kỳ thi? Câu chuyện sau đây có thể truyền cảm hứng cho bạn.

Lời nói tạo nên sức mạnh 

Trước khi kết thúc học kỳ, học sinh sẽ được làm bài kiểm tra tổng kết. Ở trong tiết toán, thầy giáo đã đứng trên bục giảng và nói: “Trong đợt kiểm tra này, tình hình chung của các em vẫn tốt, nhưng chỉ một em có thành tích khá tệ hại mà lại còn ham chơi.” 

Khi ấy, cậu học sinh A trong lớp đã lập tức cúi đầu xấu hổ, vì cậu biết thầy đang nói về mình. Sau khi học sinh đứng đầu kỳ thi tự hào lên bục giảng nhận bài kiểm tra và chia sẻ kinh nghiệm học tập của mình rồi về chỗ ngồi, thì hành động tiếp theo của giáo viên đã khiến cậu học sinh A muốn tìm một cái lỗ để chui vào.

“Kỳ thi này điểm thấp nhất là 1 điểm, mời em A lên nhận bài!” Lúc này, hơn 40 cặp mắt trong lớp đang đồng loạt nhìn cậu, khó khăn lắm cậu bé mới có thể nhấc từng bước chân nặng nề lên bục.

“Bạn hãy phát biểu một chút kinh nghiệm làm sao để đạt được thành tích ‘từ dưới lên’ cho chúng tôi nghe đi!” Một học sinh nghịch ngợm trong lớp cố ý nói để trêu chọc cậu, và nó khiến cả lớp phá lên cười.

Cậu bé đỏ mặt, nhận bài kiểm tra rồi lặng lẽ đi về chỗ ngồi của mình mà không nói lời nào. Thế nhưng tình huống lúc này cũng không tệ hại bằng việc cậu không biết sẽ ăn nói thế nào trước kết quả này với cha mẹ.

Khi về nhà, lúc chuẩn bị bắt đầu bữa tối, cậu bé cầm bài kiểm tra và lo lắng ngập ngừng nói với cha mẹ ở bàn ăn rằng: “Con vừa được 1 điểm môn toán!”

Khi này, cha mẹ cậu bình tĩnh nhận bài kiểm tra của con. Trước sự ngạc nhiên của cậu, cha cậu nói: “Con trai tôi có thể tham gia kỳ thi, điều này quả là không tệ! Năm cha bằng tuổi con, lúc làm bài thi, cha lo lắng đến mức quên viết cả tên của mình …” Rồi sau đó cha cười to sảng khoái.

Còn mẹ cậu khi ấy đã nhẹ nhàng xoa đầu và nói: “Nào con, mẹ tin rằng lần sau con sẽ làm bài thi tốt hơn. Con mau đi rửa tay rồi vào ăn cơm đi, con xem mẹ đã làm món sườn kho mà con thích nhất đấy…”

Cậu bé sau khi nhìn thấy cha mẹ như vậy thì nghẹn ngào không thôi: “Nhưng mà mẹ ơi, hôm nay thầy giáo đã bắt con lên bục nhận bài, còn tất cả các bạn đã trêu chọc con.”

 “Con trai, con không cần quá để ý đến thái độ của người khác, thầy giáo yêu cầu con lên nhận bài kiểm tra là muốn con khắc sâu ấn tượng cho bài học lần này. Bằng không, nếu chỉ gửi riêng cho con, thì ấn tượng của con sẽ không có, vậy lần sau sao con có thể nỗ lực hơn đây?” Người mẹ ân cần nói.

Cậu bé suy nghĩ một lúc và gật đầu đồng ý, cuối cùng cậu đã có thể ăn cơm với tâm trạng thoải mái. Cha mẹ biết rằng cậu bé chắc chắn sẽ nghiêm túc học tập hơn và nỗ lực cho những tiến bộ tiếp theo.

Và sự thật quả đúng là như vậy. Cậu bé đang tiến bộ từng chút một. Trước sự giáo dục khéo léo của cha mẹ, cậu cũng đã biết tôn trọng giáo viên và thân thiện với các bạn cùng lớp hơn. Thầy cô khi nhìn thấy sự thay đổi tiến bộ và sự hiền lành tốt bụng của cậu thì ngày càng yêu mến cậu, và cũng bởi vì thân thiện với các bạn trong lớp mà cậu luôn được bạn bè hoan nghênh. 

Sự trưởng thành của con là quan trọng nhất

(Ảnh: Shutterstock)

Giả sử, nếu cha mẹ trong câu chuyện mắng con vì con chỉ đạt 1 điểm trong bài kiểm tra, đứa trẻ sẽ cảm thấy tội lỗi và ủy khuất, bởi vì không ai muốn mình là người luôn được điểm kém. Và rồi đứa trẻ sẽ vì cha mẹ không hài lòng mà càng gia tăng áp lực, em sẽ không thể tập trung khi ôn tập, trong lần thi tiếp theo em lại lo lắng, khi lo lắng thì lại làm bài không tốt và cuối cùng là trượt kỳ thi. 

Sau đó, cha mẹ lại mắng mỏ, lần trước khi bị quở trách thì đứa trẻ sẽ thấy áy náy, nhưng cứ lặp lại như vậy dần dần trở thành oán giận, phàn nàn, thậm chí là hoài nghi rằng không biết liệu cha mẹ có yêu mình không, và cuối cùng là “tức nước vỡ bờ” đứa trẻ sẽ làm bài thi một cách qua loa cho xong mà không cần suy nghĩ. Bởi vì chúng nghĩ rằng bản thân dù có cố gắng đến đâu thì cha mẹ vẫn thế. Những trường hợp như vậy ngày nay quá nhiều.

Cha mẹ cần biết rằng thành tích không nói lên tương lai của con. Thành tích chỉ là một bài đánh giá kiến ​​thức và kiểm tra trình độ của trẻ, đừng vì những thành tích này mà gán cho trẻ là “học sinh kém”, “điểm thấp” và là “trẻ hư”, điều này chẳng khác nào đang hủy hoại trẻ.

Thực tế, kết quả học tập kém, trí nhớ kém của trẻ là do trẻ chưa nắm được phương pháp học tập đúng đắn. Sự trưởng thành về nhân cách và thể chất của một đứa trẻ là điều quan trọng nhất. Và trong quá trình này, chắc chắn sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề khác nhau. Là cha mẹ, bạn không thể quyết định cách giáo viên và bạn học ở trường đối xử với con, nhưng bạn có thể quyết định cách mà bạn đối xử với con.

Vision Times,

Trúc Nhi biên tập



Nguồn bài viết