Tấm ni lông mỏng không đủ che mưa lạnh khiến làn da tím tái. Bỏ mặc đàn bò lội bì bõm tìm cỏ, lũ trẻ lần bước tìm hang cua nằm cạnh mép nước. Cua nằm trong hang sủi bọt nước li ti liền bị bàn tay nhỏ thò vào tóm lấy rồi cho vào chiếc giỏ tre đeo bên hông. Lắm lúc, bị càng cua kẹp đau buốt, miệng la oai oái.
Chiều mây u ám, cả bọn quơ vội những que củi ẩm ướt rồi nhóm lửa sưởi ấm, khói cay nồng ngả nghiêng theo gió. Tay lạnh run run mở miệng giỏ bắt con cua to vừa tóm được trong hang, vặt chân rồi nướng trên củi lửa. Những bàn tay gầy hơ trên hơi lửa ấm rồi áp lên gò má cho vơi giá lạnh. Cua chín tỏa hương thơm như gọi mời, niềm vui ánh lên trong mắt trẻ thơ. Chúng tôi khều cua ra khỏi lửa rồi tách bỏ mai, bóc lấy thịt chấm muối ớt mang từ nhà ăn ngon lành.
Đĩa cua xào sả ớt dân dã, tạo dư vị khó phai khi thưởng thức. Vị ngọt từ thịt cua quyện vị mặn của muối lẫn với cay của ớt hòa cùng hương thơm của sả lưu mãi nơi đầu lưỡi. Cua đồng chưa lớn lắm nên khi được xào chín cả mai và càng đều giòn rụm trong miệng. Vị cay của ớt làm ấm nóng cơ thể, vơi đi cái lạnh. Con trẻ líu ríu đưa chén cho bố mẹ xúc thêm cơm rồi gắp cua ăn ngon lành.
Giờ đã sang đông. Đồng làng vắng bóng trẻ chân trần lội bì bõm trên ruộng nước mò bắt cua trong hang. Rồi trong bữa cơm chiều muộn được thưởng thức món cua đồng xào sả ớt đậm đà, lòng chợt bâng khuâng… Ngày đông xa ùa về trong nỗi nhớ.